• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
QUẢNG NGÃI TỔ CHỨC LỄ TRUY ĐIỆU NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG    Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại quê nhà Quảng Ngãi    Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên tiêu biểu năm học 2024 - 2025    Định hướng xử lý các dự án đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc trong xóa nhà tạm, nhà dột nát    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang dự Lễ khánh thành các dự án đầu tư công trình hạ tầng tại xã Ngọc Linh   

Văn hóa - Thể thao - Du lịch

Chuyện ở làng

24/06/2022 06:05

A Nui đội mưa, ôm cái bao tải đi về cuối làng. Nhà của già A Viên ở đó, nép dưới gốc si già, có tán lá um tùm và những chùm rễ thõng xuống chạm đất, day mặt ra cánh đồng lúa.

Cánh cửa nhà già A Viên khép hờ. Ánh lửa hắt ra, ấm áp trong màn mưa và thơm thoang thoảng mùi gỗ thông. A Nui đẩy cửa bước vào, đặt cái bao tải xuống, lúi húi lôi ra một vật có hình dáng kỳ lạ.

Già A Viên đang ngồi bên bếp lửa đứng dậy: Bễ da mang hả? A Nui cúi đầu: Da mang đó già. Con phải năn nỉ mãi, già A Glưk làng bên mới cho. Già xem còn dùng được không?

Già A Viên săm soi cái bễ rèn bằng da mang, gật gù: Da tốt, bễ tốt. Bây giờ hiếm lắm đây. Được rồi, để mai thử xem sao.

A Nui thở phào. Vậy là già A Viên đã đồng ý giúp anh.

Già A Viên là người am hiểu vô cùng văn hóa truyền thống của dân tộc mình; lúc nào cũng bận rộn với công việc chung của làng.

Và đặc biệt, ông chưa bao giờ thôi đau đáu về việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Ông dành tâm huyết, sức lực cho việc chế tác nhạc cụ, sưu tầm các bài chiêng; mở lớp dạy chiêng tại nhà và vận động dân làng cho con đi học. Dân làng ví lời nói của già A Viên như tiếng chiêng vọng giữa non ngàn.

Nghề rèn - một nghề truyền thống của dân tộc Xơ Đăng cần được khôi phục. Ảnh: HL

 

Là Chủ tịch xã, A Nui luôn nung nấu ý nghĩ phục hồi lại lò rèn của người Xơ Đăng Tơ Đrá. Anh biết, thời gian không cho phép anh đủng đỉnh. Vì người biết rèn ngày càng hiếm, lại gần đất xa trời cả.

Làng của A Nui ấy à, trước đây lừng danh về nghề rèn!

Không ai biết nghề rèn của người Tơ Đrá có tự bao giờ, chỉ biết từ lâu, rất lâu rồi và bất cứ trai làng nào cũng phải biết, phải giỏi.

Theo lời người già kể lại, xưa kia, ở làng có cả chục lò rèn, mỗi năm luyện được hàng tạ sắt để rèn nông cụ và giáo mác. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của dân làng mà còn đem đi đổi muối, chiêng, chóe… ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí sang cả Lào và Campuchia.

Đặc biệt, trong kháng chiến, những thợ rèn giỏi còn tham gia sản xuất vũ khí. Trong thời kì chống Mỹ, xưởng rèn được đặt tại làng Kon Pông để sản xuất vỏ đạn và vũ khí phục vụ kháng chiến. Bà con cũng mở lò rèn dao, rựa, giáo… để chống giặc; làm cuốc, thuổng… để đào hầm hào; làm chông thò chống giặc càn.

Khẽ cời lớp than cho ngọn lửa bùng lên, già A Viên bó gối nhìn về phía dãy Ngọk La mờ trong mưa, thủ thỉ: Xưa kia tài rèn của người Tơ Đrá được xưng tụng “có một không hai”. Biết vì sao không? Vì đã luyện thẳng được thép từ quặng sắt thiên nhiên mà không qua công đoạn luyện gang. 

Ngày còn nhỏ, khi làng còn nằm trên núi cao, già đã theo chân người lớn đi lấy quặng, xem người già nung quặng. Cát đen có ở suối, phải đi đãi, giống như đãi vàng.

Khi nung, phải nung đá trước, nóng chảy rồi thì rắc cát vào, cho nó dính vào nhau, sẽ cho loại sắt chất lượng cao. Nếu mà chỉ có quặng đá thì sắt sẽ nhanh gãy, không bền trong quá trình chế tác cũng như sử dụng sau này. Nung liên tục hàng giờ mới được. Lò nung quặng cháy hừng hực cả đêm. 

Để nấu chảy được quặng, thợ rèn dùng một loại than đốt bằng thứ gỗ lõi của cây loăng rlinh. Than từ cây loăng rlinh cho ngọn lửa có nhiệt độ lên đến trên 1.0000C. Trước khi vào mùa rèn, trai tráng trong làng thường tập trung vào rừng chặt cây loăng rlinh, đào hố, đốt than.

Người Tơ Đrá đã chế ra lò luyện quặng thành thép rất độc đáo, gọi là “tơ niam dup”. Họ dùng đất sét chịu lửa để đắp thành một cái lò khá đơn giản, nửa chìm, nửa nổi, cao khoảng 30 cm, gồm: Bễ tạo hơi bằng da mang, 2 ống bễ gỗ, 2 ống dẫn hơi bằng nứa và  1 ống đất chịu lửa dẫn ra lò nung.

Nghề rèn phổ biến đến mức, người Tơ Đrá xưa chọn vợ, chọn chồng không phải dựa vào sắc đẹp, cũng không phải nhiều của cải, mà trai gái chọn nhau qua tính cách: Gái thì phải giỏi làm rẫy, dệt được những tấm vải đẹp, chăm chỉ làm ăn; con trai phải rèn được rựa sắc, đan gùi đẹp.

“Tiêu chuẩn” chọn chồng của con gái Tơ Đrá là: “Em tìm những chàng trai vắng nơi uống rượu. Lại thường có mặt nơi việc chung của làng… Đồ sắt chàng rèn, cuốc bền, rựa sắc, dao như có mắt, rựa như có mũi”.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi những chàng trai Tơ Đrá “bắt” được vợ đẹp, vợ hiền, đều là những người giỏi làm rèn.

Già cũng vậy chứ? A Nui hỏi vui, tay xếp thêm mấy nhánh củi khô vào bếp. Già A Viên cười: Già chỉ thạo rèn chứ không giỏi. Nhưng vẫn lấy được vợ đẹp.

Nhưng giờ đây, một nghề truyền thống độc đáo, hay đúng hơn, một thành tựu đáng tự hào của người Tơ Đrá chỉ còn trong ký ức. Còn lại vài ba người, như già A Viên, là nhớ cách lấy quặng, luyện quặng thành sắt, biết các bí quyết rèn nông cụ sao cho sắc, cho đẹp, cho bền. Nhưng lực bất tòng tâm, vì đều già yếu cả.

Lò rèn, dụng cụ làm nghề cũng mất hết. Người già chết đi, đem theo bí quyết luyện quặng thành thép xuống đất đen. Con cháu chẳng ai muốn học cái nghề vất vả này. Mọi thứ đều được làm sẵn, đem từ thị trấn vào bán, muốn bao nhiêu cũng có.

Với những người như già A Viên, còn gì buồn hơn khi con cháu chẳng biết gì về cái nghề đã vang bóng một thời của cha ông.

Hôm nay, A Nui đem đến một cái bễ bằng da mang, chế tác rất khéo đã làm sống dậy trong ông bao ký ức đẹp về nghề rèn. Chưa bao giờ ông thấy khát khao giúp con cháu khôi phục nghề rèn lại cháy bỏng đến vậy.

Đặt cái bễ da mang cạnh bếp lửa, già A Viên nắm tay A Nui lắc lắc, nói như dao chém đá: Ngày mai đi theo già tìm nơi đặt lò rèn.

Bếp lửa hừng lên. Củi thông nổ tí tách, bung những chùm hoa lửa đỏ rực, như ánh lửa lò rèn năm nào.

HỒNG LAM

   

Các tin khác

  • Khai mạc Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2025
  • Hơn 200 CB, CC, VC, NLĐ tham gia hội thao chào mừng Tháng Công nhân
  • Giữ nghề dệt truyền thống của người Ba Na
  • Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
  • Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch
  • Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Hội thao Báo chí khu vực Tây Nguyên mở rộng năm 2025 diễn ra thành công tốt đẹp
  • Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng
  • Khai mạc Hội thao Báo chí khu vực Tây Nguyên mở rộng năm 2025
  • Xây dựng văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Khẩn trương rà soát, dự kiến về bố trí bộ phận một cửa cấp xã (mới)
  • Sức sống mới từ một Cuộc vận động - Bài 2: Hành trình chuyển hóa “thâm căn cố đế”
  • Lan tỏa yêu thương, nhân điều tử tế
  • Mong mỏi cây cầu tràn
  • Thực hiện nghiêm, kịp thời, hiệu quả các hoạt động kiểm soát, quản lý dịch bệnh COVID-19
  • Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ ba của Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
  • LỄ AN TÁNG NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG
  • HƠN 10.500 NGƯỜI VIẾNG NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Tình cha mang sắc xanh áo lính
  • Chùm ảnh: Ngọc Linh mùa lúa xanh
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người

Đất & Người Kon Tum

  • Người dành trọn đời cho thổ cẩm
  • Không phải vàng, bạc đá quý, cũng không phải trâu, bò, ruộng vườn, 73 năm tuổi đời, “của để dành” của ông Đep (thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) là những tấm thổ cẩm do mình dệt nên. Những tấm thổ cẩm vượt thời gian, mang bản sắc văn hóa truyền thống là một phần cuộc sống của chính ông - người dành trọn đời cho thổ cẩm.
  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by