NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11):
Giới thiệu văn hóa truyền thống với bạn bè trong nước và quốc tế
Tham gia những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, Đoàn nghệ nhân Kon Tum gồm 50 người, trong đó có 25 nghệ nhân người Ja Rai ở xã Ya Xiêr và 25 nghệ nhân người Ba Na ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã tham gia sự kiện này.
|
Kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, từ ngày 20-23/11, tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), Bộ VH-TT&DL phối hợp với Đại sứ quán các nước trong khối ASEAN tổ chức Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Đoàn nghệ nhân Kon Tum gồm 50 người, trong đó có 25 nghệ nhân người Ja Rai ở xã Ya Xiêr và 25 nghệ nhân người Ba Na ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã tham gia sự kiện này.
Bà Bùi Thị Thanh Vân - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đây là cơ hội để đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu về con người, những giá trị văn hóa truyền thống đến với bạn bè trong và ngoài nước nhằm tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc với nhau, tạo sự gắn kết giữa các quốc gia trong khối ASEAN; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Tại ngày hội, Đoàn nghệ nhân Kon Tum có các hoạt động như: trình diễn, giới thiệu các nét đặc trưng, tiêu biểu của 2 dân tộc Ba Na và Ja Rai về dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống; giới thiệu lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của mỗi dân tộc (lễ hội cầu an - dân tộc Ba Na, lễ hội cầu mưa - dân tộc Ja Rai); trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên; trang trí không gian nhà ở dân tộc...
Cùng các nghệ nhân tham gia tập luyện từ hơn một tuần nay, ông A Thúk- Trưởng đoàn nghệ nhân Ba Na cho biết: Tham gia Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” lần này, chúng tôi sẽ mang đến bạn bè trong nước và quốc tế những màn trình diễn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa riêng của người Ba Na. Đó là trình diễn ching goong với các bài chiêng: Mừng đón khách (Sơng tơ moi truh hnam), Mừng nhà rông mới (Pơ joăr), Mừng ăn lúa mới (Sa ‘ba ‘nao), Mừng tuốt lúa (Hơk sot ‘ba); giới thiệu các bài hát dân ca: Rủ nhau đi hái rau rừng (Chơng bôk pi kơ chi), Nhớ chuyện ngày xưa (Băt vơch đêl so), Vì rượu mất người yêu (Yor xik hiong pơyô), Lời ru em (Lông oh); tái hiện lại Lễ hội cầu an. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn còn tổ chức các hoạt động liên quan đến đời sống, lao động, sản xuất và sinh hoạt cộng đồng như: làm chuồng gà, làm kho lúa, sửa nhà cửa, đan lát, dệt vải, canh tác vườn, rẫy, đặt đơm, lờ, cắm câu, tổ chức các trò chơi dân gian, uống rượu cần, kể khan, chuyện cổ tích, trao đổi kinh nghiệm sản xuất...
Cùng say sưa luyện tập như Đoàn nghệ nhân Ba Na, ông A Huynh- Trưởng đoàn nghệ nhân Ja Rai hồ hởi cho biết: Chúng tôi sẽ mang đến ngày hội những nét tinh tế, đặc trưng của người Ja Rai. Đoàn sẽ tổ chức phục dựng Lễ hội cầu mưa của người Ja Rai; trình diễn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng; tham gia các hoạt động trong không gian văn hóa truyền thống nhà ở, trang phục, trang sức, hoạt động sản xuất, các ngành nghề thủ công truyền thống; tổ chức các hoạt động văn nghệ dân gian, các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Đặc biệt, Đoàn sẽ trình diễn nhạc cụ đàn đá, đàn Tingning, đàn Tơrưng; trình diễn cồng chiêng với các bài: Mừng chiến thắng (Jroar), Đón khách (Tơ rum), Mừng nhà mới (Dĩ Sang); hát các bài dân ca: Cõng gạo (Gui Brăi), Khăn em rớt ở suối Yăng (K ơn leh ia Yăng), Chàng Tin (Dăm Tin), Chàng Thơi (Dăm Thơi), Hỡi chú bác (Ơ met va)...
Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, các thành viên trong Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum đang trên hành trình ra Hà Nội để tham dự Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Hy vọng chuyến đi sẽ thành công như kỳ vọng của nhà tổ chức; đặc biệt là góp phần quảng bá, giới thiệu với bè bạn trong nước và quốc tế những nét đặc sắc nhất của văn hóa truyền thống trong cộng đồng các DTTS của tỉnh Kon Tum.
Thảo Nguyên