Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống
Hoạt động của các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống đã góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” (Nghị quyết số 08).
Tại Hội nghị Vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở nghề truyền thống có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ năm 2024 do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, bà Y Khen, xã Măng Bút, huyện Kon Plông nổi bật với bộ váy áo thổ cẩm nhiều màu sắc. Bà tự hào khoe rằng, bộ đồ đang mặc do một tay bà dệt và may, nên dù có sờn cũ, bà vẫn yêu thích nhất.
Nói về chuyện dệt, đôi mắt đầy những nếp nhăn lại long lanh, tràn đầy niềm vui. Bà Y Khen không nhớ rõ mình bắt đầu dệt từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi đó bà còn nhỏ, vì thích nên cứ nhìn mẹ dệt rồi làm theo. Cứ thế, đến bây giờ, khung cửi đã gắn bó với bà ngót nghét vài chục năm. Và, trang phục thổ cẩm của các thành viên trong gia đình đều do một tay bà dệt.
|
Bà chia sẻ rẳng rất vui mừng vì luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với nghề truyền thống. “Chính quyền địa phương vẫn luôn động viên mình cố gắng giữ gìn nghề dệt. Bản thân mình vẫn mong muốn sẽ được tham gia các lớp truyền dạy, phát huy giá trị nghề dệt truyền thống” – bà Y Khen nói.
Vinh dự có mặt tại hội nghị, ông A Biê, thôn Đăk Tiêng Ktu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà vui mừng nói rằng, đan lát giúp cuộc sống ông có thêm nhiều niềm vui. Nhiều năm nay, cùng với việc sản xuất nông nghiệp, vào các thời điểm rảnh rỗi, ông đều chẻ tre, đan nia, gùi để dùng trong gia đình và bán ra thị trường. Cũng như ông, ở làng có rất nhiều người đan lát, vừa có vật dụng trong nhà vừa mang xuống chợ bán. “Dù việc đan lát mang lại thu nhập không nhiều nhưng chúng tôi cứ làm để giữ nghề truyền thống không bị mai một” – ông A Biê chia sẻ.
Vì nhiều khó khăn nên thực tế, việc bảo tồn nghề truyền thống gặp nhiều rào cản và ít thu hút thế hệ trẻ tham gia. Chỉ ra một số nguyên nhân khiến ít người mặn mà với các nghề truyền thống, ông A Hải, xã Đăk PXi, huyện Đăk Hà nêu rõ: Các sản phẩm nghề truyền thống cần nhiều thời gian để làm nên, nhưng đầu ra lại bấp bênh, thu nhập không ổn định. Ngoài ra, các sản phẩm nghề truyền thống hiện nay khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp về mẫu mã.
Bằng đam mê, nhiệt huyết, các nghệ nhân, cá nhân vẫn giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống. Đặc biệt, không dừng lại ở việc tự làm, tạo ra các sản phẩm, bản thân họ còn trực tiếp tham gia truyền dạy, phát huy nghề truyền thống.
|
Chị Y Thoai ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum là một điển hình. Không chỉ nổi tiếng với tay nghề dệt đẹp, chị còn là người truyền đam mê nghề dệt cho các bạn trẻ. Những năm trở lại đây, chị phối hợp với địa phương, với các trường học mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, chị cho biết, những năm trở lại đây, chị đã giúp đỡ cho hơn 30 lượt chị em học nghề dệ thổ cẩm. Đặc biệt, chị đã chủ động vay vốn để mua khung dệt, mua chỉ, mua các dụng cụ phục vụ việc dệt thổ cẩm.
“Để phù hợp với xu thế, cùng với các hoa văn truyền thống, tôi đã hướng dẫn các chị tạo ra các sản phẩm cách tân, vừa phù hợp với truyền thống, vừa phù hợp với xu thế thời trang, để sản phẩm thổ cẩm trở thành sự chọn lựa của nhiều người. Nhờ đó, chúng tôi đã có nguồn thu ổn định, giúp các chị em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”- chị Y Thoai chia sẻ.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống đã góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 08. Do đó, để kịp thời động viên, khuyến khích người dân tiếp tục tham gia vào công tác bảo tồn nghề truyền thống, góp phần thành công trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08, từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã khen thưởng 59 nghệ nhân, người làm nghề truyền thống.
“Việc biểu dương sẽ khuyến khích những nghệ nhân, người làm nghề truyền thống có thêm động lực gắn bó với nghề. Qua đó, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống” – ông Hà Hồng Duy, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Hoài Tiến