Mừng lúa mới cùng dân làng Kon Kpông
Cuối tháng 10, khi những rẫy lúa vàng óng nằm phơi mình xen lẫn giữa những vạt cà phê bắt đầu chín đỏ trên triền đồi đã được tuốt mang về phơi khô, đưa vào kho xong cũng là lúc bà con dân làng Kon Kpông, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) tổ chức ăn mừng lúa mới.
Nếu như những năm trước đây, việc ăn cơm mới được dân làng Kon Kpông tổ chức theo hình thức hộ gia đình thì năm nay, không khí lễ hội vui nhộn hơn khi được dân làng thống nhất tổ chức ở cấp độ cộng đồng làng (tại nhà rông của làng) với các nghi lễ diễn ra theo đúng phong tục truyền thống của đồng bào Xê Đăng.
Trao đổi với chúng tôi, già làng A Búa cho biết: Những năm trước đây, cứ đến dịp ăn lúa mới, thông thường nhà nào cũng cúng gà, cúng rượu ghè. Tuy ở cấp độ hộ gia đình nhưng bà con đều đồng loạt tổ chức trong cùng 1 ngày để mọi người cùng chung vui, chúc tụng lẫn nhau. Sau khi làm lễ ăn cơm mới trong gia đình xong, gia đình này kéo đến gia đình kia để chúc tụng cho nhau.
Năm nay, dù thời tiết có những chuyển biến thất thường nhưng mùa màng vẫn bội thu nên dân làng muốn tổ chức ăn mừng lúa mới ở cộng đồng làng để tạ ơn thần lúa và cũng để cầu mong nương rẫy của bà con ở những mùa vụ tiếp theo càng thêm nhiều thóc lúa hơn - già A Búa nói.
|
Dù tổ chức ở cấp độ cộng đồng làng nhưng xem ra lễ hội mừng lúa mới ở làng Kon Kpông cũng ít tốn kém. Việc chuẩn bị lễ vật để cúng thần lúa của dân làng chỉ gồm 1 con heo, trong đó, mỗi nhà đóng góp vài chục ngàn đồng để mua. Ngoài ra, mỗi gia đình góp thêm 1 lon gạo lúa mới và 1 ghè rượu cần mang lên nhà rông.
Dưới sự phân công của già làng, già trẻ, trai, gái trong làng đảm nhận những phần việc khác nhau: người làm heo, người chế biến các món ăn, người nấu cơm mới, người chịu trách nhiệm chuẩn bị các lễ vật để cúng thần lúa… Bà con dân làng Kon Kpông ai cũng đều vui vẻ.
|
Tất bật cùng chị em phụ nữ trong làng chuẩn bị nấu cơm mới và chế biến các món ăn cúng thần lúa, chị Y Dung cười vui: Lâu lắm rồi, lễ cúng cơm mới mới được tổ chức ở cộng đồng làng nên bà con dân làng phấn khởi lắm. Cả tháng nay, chị em phụ nữ trong làng chuẩn bị trang phục truyền thống để mặc đẹp vào ngày lễ hội, làm rượu cần để mang đến nhà rông chung vui nhằm tổng kết 1 năm bà con đã quần quật cùng cái nương, cái rẫy.
Với chị Y Dung càng vui hơn vì mùa vụ này 1 sào lúa của gia đình chị thu về được 12 bao lúa, trong khi vụ đông xuân chỉ chừng 7 bao. Mặc dù, lúa thu hoạch xong, phơi khô và cho vào kho cách đây 2 tuần nhưng gia đình chị vẫn chưa dám ăn lúa mới vì phải chờ làng làm lễ cúng lúa mới trước.
Chị Y Hlơn vừa thái cây chuối để nấu món ăn, vừa nói chuyện rôm rả với chị em khác ở nhà rông cũng đã khoe: Mùa vụ này, 1,5 sào lúa của gia đình mình thu về được 20 bao lúa, hơn vụ đông xuân 4 bao. Dù gia đình có đến 6 nhân khẩu nhưng với số lúa thu hoạch được có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho cả gia đình đến thời điểm thu hoạch vụ lúa năm sau.
Anh hùng trong kháng chiến, hòa bình lập lại, bà con dân làng Kon Kpông tập trung khai hoang đất để phát triển cây lúa, mì, cà phê, bời lời; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê của thôn trưởng Y Biên, từ chỗ chỉ biết trồng lúa rẫy, trồng mì, hiện nay, cả thôn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển được 27ha lúa nước, 4ha lúa rẫy, 85ha mì, 27ha bời lời, 23ha cà phê.
Điều đặc biệt, hiện nay, gần 100% vườn cà phê, lúa nước đều được bà con sử dụng chế phẩm sinh học. Vì vậy, vụ mùa năm nay dù thời tiết có khắc nghiệt nhưng năng suất lúa của bà con dân làng vẫn đạt ở mức cao, 5-6 tạ/sào; nhiều hộ gia đình năng suất lúa còn đạt 7-8 tạ/sào, tăng 1-1,5 tạ/sào so với vụ đông xuân.
|
Trong không khí tưng bừng của lễ hội ăn mừng lúa mới, trên nhà rông, nhiều thanh niên trong làng tập dợt lại bài cồng chiêng mừng lúa mới; phía dưới nhà rông, nhiều bếp lửa được nhóm lên cùng lúc để chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào Xê Đăng như món chuối cây nấu sườn heo, thịt heo nướng ống lồ ô, cháo bột, canh lá chua…
Tận hưởng không khí lễ hội vui nhộn, chúng tôi cũng hòa cùng với chị em phụ nữ làng Kon Kpông nấu nướng, mang những món ăn đã chế biến xong lên nhà rông.
Hơn 11h trưa, sau khi gan heo và nồi cơm lúa mới được nấu riêng trên nhà rông để cúng thần lúa đã chín, rượu ghè đã được bà con mang lên nhà rông, già A Búa thực hiện nghi lễ cầu khấn thần lúa phù hộ cho nương rẫy, ruộng lúa của bà con dân làng tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống bà con dân làng no ấm, không bị đói nghèo bủa vây.
Nghi lễ cúng thần lúa kết thúc cũng là lúc bà con dân làng cùng nhau uống rượu cần, ăn cơm mới, đánh cồng chiêng, múa hát trên nhà rông. Mọi người cùng cầu chúc cho nhà nhà thóc lúa đầy bồ.
Nhìn những nồi cơm gạo mới bóc khói nghi ngút và sực nức mùi thơm; ngửi mùi hương rượu cần nồng nàn lan tỏa khiến cho lòng người lâng lâng cảm xúc khó tả. Cuộc vui của bà con dân làng kéo dài đến khi ánh mặt trời khuất núi.
Sau cái bắt tay thật chặt của già làng A Ram và bà con dân làng, chúng tôi chia tay làng Kon Kpông. Đi trên con đường làng, mùi thơm của rơm mới quyện với hương đồng, gió nội khiến cho mỗi người chúng tôi vẫn cứ miên man cảm giác về một làng quê thanh bình, về một lễ hội đầy tính nhân văn, gắn kết cộng đồng.
Cuộc sống đang ngày một phát triển, với những nỗ lực của mỗi người dân nơi đây, làng Kon Kpông ngày càng thêm khởi sắc.
Tú Quyên