Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch
Bên cạnh các yếu tố như tài nguyên, cơ chế chính sách, nguồn lực, thì chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, nhất là ở giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Trong dòng chảy thông tin tuần qua, tôi đặc biệt chú ý đến Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024 được khai giảng ngày 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình do Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp UBND các huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho địa phương.
20 học viên tốt nghiệp lớp 12, có khả năng sử dụng tốt tiếng Việt, hiện đang sinh sống tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Hà đã được tuyển chọn tham gia khóa đào tạo.
Trong thời gian 6 tháng, học viên được cung cấp kiến thức về du lịch, lữ hành và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị lữ hành, hướng dẫn du lịch; học tiếng Anh du lịch; thực hành tại địa phương. Từ đó giúp học viên hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, ứng xử và giải quyết tốt các vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
|
Tôi đã từng chứng kiến những vụ việc không vui, liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, ứng xử và giải quyết vấn đề của nhân sự du lịch.
Như chiều 13/4, tôi tiếp một số bạn bè từ tỉnh xa tới. Khi mọi người về khách sạn nhận phòng nghỉ (đã đặt trước) có đôi chút thất vọng vì phòng hơi nhỏ, thiết bị ở mức tối giản, khác với giới thiệu. Đồ đạc, bàn ghế không được sạch, bị bao phủ bởi mùi thuốc tẩy vệ sinh.
Nhưng chưa hết, khi khách nhờ nhân viên phục vụ thay pin điều khiển tivi và lau bớt bụi trên bàn ghế, thì nhân viên trả lời khá dửng dưng và thờ ơ rằng “đây là nhiệm vụ của người khác, không phải việc của cháu”.
Khi khách phàn nàn về thái độ của nhân viên, người quản lý mong được thông cảm “vì nhân viên chưa được đào tạo, còn hạn chế về chuyên môn du lịch”.
Hai bên cười xòa, đồng ý “xí xóa” chuyện không vui này. Nhưng sau đó, khách nói với tôi là sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.
Thực tế trên cho thấy, chất lượng nhân lực du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cơ sở du lịch, nguồn nhân lực chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc mà mình đảm nhận.
Cũng rất đáng ghi nhận khi thời gian qua, ngành VH,TT&DL tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ làm du lịch, như bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm du lịch; tập huấn kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nông thôn; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ để thay đổi thực trạng hiện nay của nhân lực làm du lịch.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lao động làm việc trong ngành du lịch được đào tạo theo nhiều chuyên ngành khác nhau, nhiều cấp bậc khác nhau. Trong đó, lao động có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp chưa tới 50%; còn lại là trình độ sơ cấp, dưới sơ cấp và chưa qua đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều du khách nhìn nhận rằng, tuy có điểm cộng của nhân lực du lịch tỉnh là nhiệt tình và tính trung thực, nhưng điểm trừ là thái độ lắng nghe, hỗ trợ và tinh thần trách nhiệm về công việc liên quan đến từng bộ phận phục vụ vẫn còn hạn chế.
Việc tuân thủ các quy trình phục vụ, kỹ năng giải quyết vấn đề còn chưa làm du khách hài lòng. Thậm chí, nhân viên một số cơ sở du lịch còn hạn chế kiến thức về lịch sử, văn hóa và địa lý ở ngay nơi mình sinh sống.
Vì vậy, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập đang là yêu cầu quan trọng.
|
Trước hết cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, thông qua hoạt động giáo dục và đào tạo làm nền tảng, để nhân lực làm du lịch có khả năng tiếp thu và áp dụng công nghệ mới, làm việc một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo, sử dụng được công cụ, phương tiện hiện đại.
Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tức là có mức độ thành thạo nhất định trong việc thực hiện các công việc để đáp ứng các yêu cầu cao hơn trong hoạt động du lịch hiện tại và trong tương lai.
Và cuối cùng là nâng cao nhận thức về nghề nghiệp cho nhân lực làm du lịch, từ đó hình thành tính tự giác, tính kỷ luật; có thái độ, tác phong chuẩn mực; tính thích ứng cao.
Đặc biệt, hình thành phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc; trung thực, tự tin, yêu nghề du lịch; có kỹ năng giao tiếp tốt và có tinh thần phục vụ cộng đồng.
Trong quá trình ấy, chính quyền địa phương cần thể hiện rõ sự quan tâm của mình đối với nâng cao chất lượng nhân sự du lịch, thông qua việc triển khai chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; kết nối với các trường, trung tâm, câu lạc bộ để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Như tại Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nói trên, từ việc trực tiếp tham gia lễ khai giảng của Chủ tịch UBND 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Hà đã cho thấy, khi chính quyền quan tâm, hành trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch sẽ bằng phẳng hơn nhiều so với để các doanh nghiệp, cơ sở “tự bơi”.
Khi các học viên trở về địa phương, ngoài việc trực tiếp phục vụ khách, sẽ là các hạt nhân, truyền đạt lại kiến thức đã được học cho những người khác. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương; đưa cách làm du lịch chuyên nghiệp và bền vững, tăng khả năng cạnh tranh vào thực tế phát triển du lịch.
Như vậy tất cả đều có lợi!
Thành Hưng