Phát huy thế mạnh du lịch nông nghiệp
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Có ý tưởng mới, có đầu tư tài chính, biết tận dụng cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của các dân tộc, tiềm năng du lịch nông nghiệp đã được đánh thức, mang lại nguồn thu, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống cho nông dân.
Đã mấy năm nay, vườn cam sành 4ha của gia đình anh Đỗ Minh Sơn ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông trở thành điểm tham quan, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài trồng cam để bán trái, gia đình anh Đỗ Minh Sơn đã tận dụng lợi thế đón khách đến tham quan, trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hái ngay tại vườn cam. Trong tiết trời se lạnh của những ngày tết, trong sắc vàng chín đều trải dài của vườn cam, du khách thong thả bước giữa vườn cam, hít hà không khí trong lành xen lẫn hương nồng nồng từ những quả cam, ai nấy đều cảm nhận rõ sự thư thái dễ chịu. Không chỉ tham quan, ngắm nhìn vườn cam, du khách còn tự tay lựa chọn hái, thưởng thức từng trái cam sạch, ngon, mọng nước ngay tại vườn. Với mức phí thu ban đầu khi vào vườn cam (bao gồm việc du khách tự hái, thưởng thức cam ngay tại vườn), cộng với việc bán cam do du khách tự hái mang về, gia đình anh có được nguồn thu đáng kể. Để thu hút thêm du khách, gia đình anh đã không chỉ đầu tư mở rộng diện tích cây trồng, xây dựng các tiểu cảnh mà còn xây dựng vườn cam hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, không chỉ trái cam có giá bán cao hơn, nhiều người chọn mua hơn mà du khách khi đến vườn cam còn cảm nhận rõ sự an toàn, thân thiện với môi trường ở nơi này.
|
Tương tự như gia đình anh Sơn, anh Lương Hoàng Nguyên đầu tư Farmer Garden Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) với không gian quán cà phê, xây dựng các tiểu cảnh và diện tích nhà kính trồng các loại cây trái theo mùa như ớt chuông, dâu tây, cà chua trên tổng diện tích 1,5 ha, đã thu hút đông đảo du khách đến thăm, nhất là vào các dịp lễ, tết. Khi đến đây, du khách cảm nhận sự dễ chịu từ không khí mát mẻ, trong lành, các góc check in dễ thương, không gian xanh mát từ các loại cây trái, thích thú khi được tự tay hái các loại cây trái ăn ngay tại vườn (bao gồm trong giá vé vào vườn) và mua thêm nếu mang về.
Không chỉ ở huyện Kon Plông có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo sự phát triển du lịch nông nghiệp mà ở một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy được thế mạnh này. Như ở huyện Tu Mơ Rông, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu cho phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, đã xây dựng được sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh, thu hút du khách đến trải nghiệm. Linh hồn của sản phẩm du lịch này chính là vườn sâm Ngọc Linh nằm dưới tán rừng. Sau khi được tận mắt ngắm nhìn loại cây được mệnh danh là “quốc bảo”, du khách còn trực tiếp mua các sản phẩm sâm Ngọc Linh ngay tại thủ phủ sâm Ngọc Linh, thưởng thức các món đặc sản của núi rừng do dân làng tự tay chế biến.
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch nông nghiệp ở tỉnh ta phát triển muộn hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, khi đã được quan tâm và xác định rõ hướng đi, thời gian gần đây, các doanh nghiệp, cá nhân đã có sự đầu tư để phát triển loại hình du lịch này. Điều này thể hiện rất rõ ở số lượng du khách đến thăm tăng qua từng năm, ở các điểm đến liên quan đến nông nghiệp, nông thôn mà du khách lựa chọn.
|
Thực tế cho thấy các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không quá xa so với trung tâm thành phố Kon Tum, đường sá đi lại có nhiều thuận lợi hơn trước. Khi đến với Kon Tum, cùng với việc tham quan các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, du khách có thể lựa chọn thăm cánh đồng lúa, vườn rau xanh, cây ăn trái ở thành phố Kon Tum, Đăk Hà, lên thăm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen, thăm vườn sâm Ngọc Linh nổi tiếng ở Tu Mơ Rông, trải nghiệm các mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ya Ly ở huyện Sa Thầy, lòng hồ thủy điện Sê San ở huyện Ia H’Drai.
Với tiềm năng sẵn có, chỉ trong thời gian ngắn, du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã có sự bứt phá đáng kể, đón bắt được xu hướng của du khách muốn tìm đến cảm giác thư thái, hòa mình vào thiên nhiên. Từ kết quả những mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mang lại đã không chỉ mở rộng diện tích, đa dạng các loại cây, con, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần xây dựng, phát triển khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho chính người nông dân, người dân sinh sống trong khu vực.
Để tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch nông nghiệp, cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng để phục vụ tốt cho du khách trong quá trình đi lại, ăn ở, sinh hoạt, thì một điều cũng hết sức quan trọng đó là quan tâm giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, tránh kiểu mạnh ai nấy làm với những sản phẩm du lịch na ná, rập khuôn, khiến cho loại hình du lịch này mất đi sự hấp dẫn và thế mạnh vốn có.
Nguyên Phúc