Sức sống mới của thổ cẩm
Liên tục trong thời gian gần đây, các hoạt động hỗ trợ, tôn vinh thổ cẩm được các đơn vị, địa phương liên tục tổ chức. Điều này không chỉ góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của các đồng bào DTTS trong tỉnh mà còn mang lại sức sống mới, góp phần đưa thổ cẩm vươn xa.
Trải qua quá trình sinh hoạt, lao động, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo nên loại vải thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục không chỉ che thân mà còn làm dáng. Từ đó trang phục nói chung, vải thổ cẩm nói riêng trở thành thành tố văn hóa mang nhiều giá trị của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần nhìn vào trang phục, chỉ cần nhìn vào kiểu dáng, màu sắc, hoa văn thấm nhuần các giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác.
|
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và giao thoa văn hóa, đồng bào các DTTS trong tỉnh cũng như các tỉnh khác trong cả nước được tiếp cận các nền văn hóa, được tiếp xúc với nhiều các loại trang phục khác nhau đã dần thay đổi nhận thức, quan điểm thẩm mĩ về trang phục. Trong khi để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải mất rất nhiều thời gian, công sức thì các loại vải được dệt công nghiệp đủ màu sắc hoa văn, các loại quần áo may sẵn hết sức nhanh gọn, tiện lợi với giá cả phải chăng, mẫu mã, màu sắc phong phú được đưa về bán tận thôn, làng đã dần dà khiến cho các bộ trang phục thổ cẩm hầu như chỉ sử dụng trong các dịp lễ. Khi tần suất sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống thưa dần, đặc biệt là trong lớp trẻ và khi sản phẩm thổ cẩm phần nhiều là để phục vụ cho chính bà con mà chưa mở rộng để mang lại thu nhập thì điều tất yếu xảy ra là tiếng khung cửi lách cách dệt ở các thôn làng cũng cầm chừng, ít dần đi và thậm chí là bỏ không.
Như đã nói, trang phục nói chung, trang phục thổ cẩm nói riêng là thành tố văn hóa mang nhiều giá trị của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nếu trang phục thổ cẩm ít được sử dụng, ít được gìn giữ, lâu dần mai một sẽ bị mất đi một giá trị văn hóa, bản sắc của dân tộc.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS cũng chính bắt đầu từ những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, từ nỗ lực gìn giữ, khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Ngày 16/2/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đến năm 2025 phát huy giá trị văn hóa đối với 9 nghề truyền thống là dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ; trong đó chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa đối với 4 nghề: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống.
|
Điều đáng mừng là thời gian qua các địa phương, các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào các DTTS trong tỉnh nâng cao ý thức sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm như: vận động học sinh đồng bào DTTS mặc trang phục truyền thống đến trường trong một số ngày; hỗ trợ khung dệt, mở lớp dạy dệt thổ cẩm tại cộng đồng cho thanh thiếu niên, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, kết nối đầu ra sản phẩm; tổ chức các liên hoan thổ cẩm, đã góp phần mang lại sức sống mới cho thổ cẩm.
Như hoạt động tôn vinh thổ cẩm gần đây nhất là Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ hai do UBND thành phố Kon Tum tổ chức tại làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, nhân dịp chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum. Liên hoan đã thu hút hơn 300 nghệ nhân dệt thổ cẩm trên địa bàn tham gia trình diễn dệt thổ cẩm, giới thiệu ý nghĩa của các hoa văn, giới thiệu các sản phẩm. Những tấm vải thổ cẩm không chỉ đẹp mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa được những nghệ nhân tài hoa, dày công tạo nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Hay như cuối năm 2022, UBND huyện Kon Plông phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và 10 nhà thiết kế nổi tiếng khác tổ chức Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên. Đã có 200 mẫu áo dài, thời trang thổ cẩm Tây Nguyên được các diễn viên chuyên và không chuyên trình diễn tại Chương trình này là sự kết hợp giữa thời trang và văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã tạo nên những dấu ấn, sức sống mới cho thổ cẩm.
Từ nhiều hoạt động hỗ trợ, tôn vinh thổ cẩm trong thời gian qua và mới đây thêm tin vui nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Ba Na của tỉnh tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh càng thêm tự hào, chung sức gìn giữ. Chắc chắn rằng, những tấm vải thổ cẩm, những bộ trang phục thổ cẩm được dệt từ chính những đôi bàn tay cần mẩn, khéo léo của các bà, các mẹ, các chị không chỉ khoe sắc trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số mà sẽ còn vươn xa.
Nguyên Phúc