• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Văn hóa - Thể thao - Du lịch

Tinh hoa hội tụ

01/12/2023 06:05

Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên-Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023 diễn ra từ ngày 29/11 đến 1/12 tại thành phố Kon Tum đã hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn nhất của đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên, tạo nên một “bức tranh” đa sắc màu, mang lại ấn tượng khó phai với du khách thập phương.

Đa sắc màu văn hóa

Những ngày qua, các đại biểu, người dân và du khách 5 tỉnh Tây Nguyên và trên khắp cả nước có dịp hòa mình vào những sắc màu văn hóa truyền thống mang đậm nét núi rừng Tây Nguyên. Với sự góp mặt của khoảng 800 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng đã tạo nên một “bản hòa âm” trầm hùng, mãnh liệt, sôi động và da diết tình người, làm cho cộng đồng các DTTS, người dân trên địa bàn như “xích lại gần nhau”, thêm đoàn kết, gắn bó.

Đêm khai mạc diễn ra tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum) chính là điểm nhấn của Ngày hội. Một màn trình diễn kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, giữa quá khứ và hiện tại như đưa người xem lạc vào “chốn thần tiên” với đa sắc màu. Nào suối, thác, ting ning, cồng chiêng khi trầm, khi bổng vang vọng như mang cả sự huyền bí của núi rừng Tây Nguyên của các tỉnh hội tụ về mảnh đất  Kon Tum.

Đại tướng Tô Lâm và lãnh đạo tỉnh hòa vào “bữa tiệc” âm nhạc truyền thống cùng
các nghệ nhân.
Ảnh: HT

 

Ngoài các tiết mục truyền thống, tiếng trống hội từ tiết mục “Âm vang núi rừng Tây Nguyên” do 500 chiến sĩ Học viện Cảnh sát nhân dân trình diễn mang lại nhiều cảm giác tươi mới cho Ngày hội. Với cách dàn dựng công phu, các chiến sĩ công an trong trang phục truyền thống dân tộc đã biểu diễn những kỹ thuật trống, nhạc truyền thống “pha” chút hiện đại, đem lại cho khán giả và người xem nhiều cảm giác thích thú, hấp dẫn.

Tham gia biểu diễn tại đêm khai mạc, nghệ nhân ưu tú K’Bés ở đoàn Lâm Đồng chia sẻ: “Lần đầu đến Kon Tum, tôi rất vui vì được tham gia sự kiện ý nghĩa, được chung vui và hòa nhịp các giai điệu truyền thống cùng cộng đồng các dân tộc anh em khác. Đến đây, tôi đem tiếng chiêng của dân tộc K’ho phục vụ bạn bè, du khách gần xa trong những ngày diễn ra Ngày hội”.

Cảm nhận của nghệ nhân K’Bés cũng là cảm nhận chung của nhiều diễn viên, nghệ nhân khi đến tham dự Ngày hội. Bên cạnh đó, trong các hoạt động xuyên sốt Ngày hội, người dân và du khách còn được chứng kiến tài nghệ, sự thăng hoa cảm xúc của các nghệ nhân, vận động viên qua các tiết mục biểu diễn, thi tài đặc sắc. Mỗi tiết mục đều mang đậm dấu ấn riêng, cùng hòa vào bức tranh đa sắc màu của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.

Hội thi tái hiện nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường 16/3 đã được đông đảo người dân và du khách đến xem. Tất cả như chìm đắm trong sắc màu lung linh, huyền bí của các nghi lễ cúng thần linh, uống rượu ghè, sinh hoạt cộng đồng.

Các nghệ nhân cũng dành những món quà tình cảm cho Đại tướng. Ảnh: HT

 

Du khách cũng rất ấn tượng với lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê ở Đăk Lăk, đây là nét văn hóa đặc sắc, nghi thức bắt buộc đối với những chàng trai Ê Đê khi đến tuổi trưởng thành.

Nghệ nhân ADrơng Y Blih ở buôn Drài Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk) trong vai thầy cúng thổi nhạc cụ đing năm tại Lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê chia sẻ: “Lễ trưởng thành (tiếng Ê Đê gọi là Mpú Tuh – kông) là một nghi lễ cực kỳ quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của cá nhân trong cộng đồng. Đối với người Ê Đê, từ khi sinh ra đến khi trở thành chàng trai, thành người đàn ông gánh vác được việc lớn của buôn làng thì không thể bỏ qua nghi lễ này. Phải trải qua 5 lần làm nghi lễ trưởng thành thì người đó mới thật sự trưởng thành. Qua tiết mục hôm nay, chúng tôi muốn gửi lời nhắn nhủ đến các lớp trẻ rằng, cá nhân mỗi người muốn phát triển được thì phải luôn nhớ về cội nguồn, dân tộc và gắn bó, không thể tách rời cộng đồng và gia đình”.

Hội tụ và lan tỏa

Ngoài những tiết mục đặc sắc, sôi động, nhộn nhịp mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên, Ngày hội lần này còn là sân chơi lớn cho các vận động viên với các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố. Sau những hoạt động sôi nổi, người dân và du khách có dịp tĩnh lặng tâm hồn với không gian yên tĩnh, trầm lặng của những bộ sưu tập, dụng cụ truyền thống, sinh hoạt hàng ngày mang đậm nét đất và người Tây Nguyên, qua đó, minh chứng một quá khứ hào hùng, sống động, sức sống mãnh liệt của người dân Tây Nguyên. Du khách cũng rất ấn tượng với những bức tranh triển lãm đầy sắc màu về vùng đất Kon Tum và Tây Nguyên tại các khu triển lãm, cho mọi người cái nhìn tổng quan về không gian văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Rộn ràng Lễ mở cửa kho lúa của đồng bào Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai). Ảnh: HT

 

Đặc biệt hơn, trong không gian trưng bày, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống tại Quảng trường 16/3, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên vui mừng và xúc động trước chuyến thăm đầy bất ngờ của Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Đại tướng mặc chiếc áo thổ cẩm truyền thống, gần gũi trò chuyện với bà con, nghệ nhân và tặng món quà đầy ý nghĩa là 100 chiếc radio cho các nghệ nhân. Món quà có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn trong dịp Ngày hội đặc biệt này, như gợi nhớ về quá khứ  -  những năm tháng còn nhiều khó khăn khi chưa có điện, đài đầy đủ. Khi ấy, văn hóa truyền thống còn nhiều sức sống mãnh liệt, chưa đứng trước “nguy cơ” bị mai một như bây giờ. Như nhắc nhở rằng, các nghệ nhân hãy yêu quý và luôn nhớ về văn hóa truyền thống để ra sức giữ gìn, phát huy.

Được nhận món quà ý nghĩa và biểu diễn nhiều tài nghệ cho Đại tướng và lãnh đạo tỉnh xem, nghệ nhân ưu tú A Biu ở làng Plei Klếch (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) có những chia sẻ đầy xúc động: “Mong muốn cháy bỏng của tôi là được truyền dạy, giữ gìn văn hóa dân tộc Ba Na của mình ngay trong đời sống thường ngày. Ngày hội lần này đã cho tôi cơ hội được mang những điều tuyệt vời về văn hóa của dân tộc mình giới thiệu đến du khách, bạn bè gần xa. Thật bất ngờ, được nhận món quà ý nghĩa từ Đại tướng và các lãnh đạo tỉnh, tôi cảm thấy vui và tự hào lắm”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở VH TT&DL, với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên-Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội lần này như một “bữa tiệc” âm nhạc đầy màu sắc, hội tụ đủ các giá trị văn hóa truyền thống khắp các vùng miền của 5 tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, nhằm đánh thức tiềm năng, phát huy những thế mạnh của các tỉnh trong khu vực, nhất là Kon Tum về vùng đất, con người, sản vật văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cho du khách…

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về văn hóa tại Ngày hội. Ảnh: HT

 

Các hoạt động tại Ngày hội đã phát huy nội lực và trách nhiệm, ý thức của từng đơn vị, địa phương trong các hoạt động tập luyện, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Trong các lễ hội, sự kiện đã có sự chọn lọc, lựa chọn những nội dung phù hợp, đặc sắc nhất mang tính cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, từ đó, tạo sự lan tỏa, mang lại thành công cho Ngày hội, được người dân và du khách đón nhận.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ: “Ngày hội lần này là một bức tranh toàn cảnh, hội tụ nhiều những giá trị di sản văn hoá của quá khứ được bảo lưu cho đến ngày hôm nay. Đây chính là sân chơi bổ ích lành mạnh, tạo mạch nguồn cảm xúc cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã gắn bó, đam mê với nghệ thuật dân gian và thể thao truyền thống dân tộc. Chúng tôi hi vọng các hoạt động trong Ngày hội của các đoàn sẽ tạo nên một bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu nhưng không kém phần tinh tế và đa dạng về toàn cảnh đời sống văn hóa của các dân tộc vùng Tây Nguyên”.                                       

Hoàng Thanh

   

Các tin khác

  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • Khai mạc Hội thao Công nhân, viên chức, lao động tỉnh Kon Tum lần thứ XIV
  • Kon Plông: Phát triển du lịch đặc thù, trở thành trung tâm du lịch xanh
  • Toàn tỉnh đón hơn 120.000 lượt khách dịp nghỉ lễ
  • Kon Plông: Gắn kết di sản văn hóa và du lịch cộng đồng
  • Người Xơ Đăng gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
  • Khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế
  • Kon Plông: Sẵn sàng phục vụ du khách dịp nghỉ lễ
  • Giải Bóng chuyền “Bông lúa vàng” năm 2025
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – Thực trạng và giải pháp ứng phó”
  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • [INFOGRAPHIC] Viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế
  • Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by