Xuân về bên mái nhà rông
Vào khoảng tháng 11, tháng 12 hàng năm, khi những rẫy lúa thu hoạch xong và lúa được đưa vào kho, cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh bắt đầu mùa lễ hội.
Đây là dịp để đồng bào các DTTS tại chỗ bắt đầu nghỉ ngơi, sửa sang nhà cửa chuẩn bị cho các nghi lễ truyền thống. Họ sum vầy bên nhà rông- nơi Yàng (thần linh) trú ngụ để cùng cầu nguyện những điều tốt đẹp, hướng đến một năm mới bình an, nhiều sức khỏe.
Khi cái nắng nóng hanh khô đặc trưng đầu mùa khô dần nhường chỗ cho tiết trời se lạnh cùng cái mưa lớt phớt và chút nắng vàng dịu nhẹ, ấm áp len vào- “chỉ dấu” cho mùa Xuân đang về trên mảnh đất Kon Tum. Và, lúc này đây tiếng cồng, tiếng chiêng lại có dịp ngân vang, hòa vào các nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn. Đối với bà con dân làng DTTS, bước vào mùa lễ hội chính là lúc bà con đang “ăn tết” sớm trước khi bước vào Tết Nguyên đán.
Chúng tôi về làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) trong những ngày cuối năm với tiết trời se lạnh.
|
Lúc này, dưới mái nhà rông của làng, anh A Thái- Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ làng Le đang cùng già làng A Ren tất bật họp bàn, triển khai các phần việc để sửa sang nhà rông, chuẩn bị cho dân làng bước vào mùa lễ hội.
Anh A Thái cho biết: “Năm nào cũng vậy, sau khi kết thúc việc thu hoạch lúa rẫy, lúa đã chất đầy kho, bà con Rơ Măm tại làng Le sẽ thành kính thực hiện Lễ mở cửa kho lúa truyền thống như báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Sau khi tổ chức Lễ mở cửa kho lúa, bà con sẽ tiến hành sửa sang, làm mới nhà rông phong tục- nơi thờ Yàng ngà (Thần ngà voi) và nhà rông văn hóa, sau đó luân phiên tổ chức thêm nhiều nghi lễ của cộng đồng, cá nhân. Tất cả đều tập trung dưới mái nhà rông để bà con có dịp tụ họp, vui chơi, trò chuyện sau một năm vất vả, bận rộn. Nhà rông trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, thân thuộc của bà con dân làng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về”.
Theo anh A Thái, năm nay người dân làng Le có thêm niềm vui, đó là đội nghệ nhân tại làng được chọn tham gia Ngày hội VH,TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ Nhất tại tỉnh. Vì thế, việc thu hoạch lúa rẫy cũng như chuẩn bị các phần việc, sửa sang nhà rông để bước vào mùa lễ hội được dân làng hồ hởi triển khai khẩn trương, sớm hơn mọi năm. Khi mọi việc hoàn tất, người dân làng Le tiếp tục tổ chức Lễ mừng nhà rông mới, những hạt nếp, ghè rượu thơm nồng, những lễ vật đẹp nhất sẽ được bà con tuyển chọn, cùng góp với cả làng để tạo nên một mâm sính lễ đủ đầy, thành kính dâng lên Yàng ngà cầu mong nhiều điều tốt đẹp cho năm mới.
Bên mái nhà rông đang được sửa sang, lợp mới còn thơm mùi tranh, nứa, già làng A Ren phấn khởi khoe: “Việc góp công sức sửa sang nhà rông, chuẩn bị các lễ vật để cúng Yàng thể hiện sự đoàn kết của bà con. Yàng của dân tộc Rơ Măm trú ngụ trong nhà rông sẽ từ trên cao nhìn xuống, chứng giám sự đoàn kết, thương yêu của dân làng Le mà ban phước đức cho cả làng có được cuộc sống sung túc, no đủ. Vì vậy, nhà rông là nơi linh thiêng nhất của người dân làng Le. Trong ngày Xuân, bà con sẽ tiến hành nhiều lễ hội, nghi thức khác dưới mái nhà rông tùy vào nhu cầu, điều kiện thực tế như các nghi lễ cảm tạ đấng thần linh, trừ tà, diệt bệnh, rửa tội, cầu may mắn... Sau khi kết thúc các nghi lễ cúng, bà con dân làng sẽ cùng ăn uống chung vui dưới mái nhà rông. Bấy giờ, người dân hòa vào nhịp xoang, say men rượu cần nồng ấm. Qua đó, góp phần giáo dục con cháu trong làng Le luôn yêu quý và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nhớ về cội nguồn, cha ông mình”.
Không chỉ người Rơ Măm ở làng Le mà cộng đồng các DTTS khác như Xơ Đăng, Ba Na, Gié-Triêng, Gia Rai, Brâu của 503 thôn làng đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh có những tương đồng về nhiều nghi thức lễ hội và rất nhiều lễ hội được tổ chức rộn ràng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
|
Những ngày vào Xuân, chúng tôi còn có dịp về thăm làng cổ Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Đây là ngôi làng dân tộc Ba Na độc đáo giữa “phố núi” Kon Tum còn giữ được nhiều bản sắc truyền thống. Giữa làng là ngôi nhà rông to, đẹp, sừng sững tạo dấu ấn với du khách với thiết kế rất riêng và đặc biệt, phần mái cao vút được trang trí những hoa văn đặc trưng của cộng đồng dân tộc Ba Na tại đây.
Những ngày cuối năm, đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Kon K’tu tất bật sửa sang nhà rông để chuẩn bị ăn Tết. Già làng A Chun cho chúng tôi biết, nhận thấy nhà rông của làng đã hư hỏng, xuống cấp, từ tháng 11/2023, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con dân làng Kon K’tu góp công, sức tìm nguyên vật liệu để làm mới lại ngôi nhà rông truyền thống.
“Sau khi thu hoạch xong lúa vụ mùa, dân làng Kon K’tu tổ chức ăn mừng lúa mới và bắt tay vào sửa sang nhà rông để chuẩn bị cho các nghi lễ tiếp theo. Nhà rông được dựng lại bằng các nguyên liệu tự nhiên, truyền thống để thể hiện sức mạnh trường tồn, hòa vào với thiên nhiên, đem lại niềm tin, sức mạnh cho dân làng. Với không gian mới mẻ, khang trang sau khi được sửa sang, nhà rông sẽ là nơi dân làng tụ họp, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ vào những ngày Xuân”- già A Chun chia sẻ.
Được biết, thời điểm này, Đội văn nghệ làng Kon K’tu đang tất bật với công việc tập luyện văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng để phục vụ dân làng, du khách trong những ngày Tết đến, Xuân về. Nghệ nhân A Yuai- Đội phó Đội cồng chiêng làng Kon K’tu cho biết: “Đội chiêng nam của chúng tôi gồm 13 người hiện đang duy trì tập luyện các tiết mục để biểu diễn trong các nghi thức, lễ hội và phục vụ du khách khi có nhu cầu. Đặc biệt vào những ngày Tết Nguyên đán, bà con sẽ tổ chức lễ hội chung tại nhà rông, sau đó chia nhau đi chúc tết từng hộ gia đình. Lúc này, đội cồng chiêng sẽ biểu diễn phục vụ bà con.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Với nhịp sống hiện đại, cách đón Tết, vui Xuân của bà con DTTS tại chỗ đã có sự lược bỏ bớt những nghi thức, phần việc cổ hủ, dần có sự giao thoa, tiếp cận với những cái hay, cái mới. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt, sum vầy dưới mái nhà rông truyền thống là không thể thiếu, luôn được bà con đồng bào DTTS gìn giữ. Nhà rông của làng chính là tài sản chung, quý giá của cộng đồng. Việc sửa chữa, phục dựng nhà rông mỗi dịp Tết đến, Xuân về để chuẩn bị cho các lễ hội diễn ra là một nét văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa, tạo sự gắn kết cộng đồng. Đây còn là nơi để tổ chức các hoạt động hội họp, văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc”.
Mùa xuân ở Kon Tum cũng là mùa lễ hội của đồng bào các DTTS tại chỗ trên địa bàn, là “mùa” của những nhịp điệu dân gian làm say đắm lòng người, dưới mái nhà rông cao vút, sừng sững, linh thiêng. Những dịp Tết đến, bên mái nhà rông, bà con đồng bào DTTS lại rộn ràng không khí lễ hội với những nhịp chiêng ngân vang, những điệu xoang nhịp nhàng, đón chào một năm mới với nhiều ước vọng tốt đẹp”./.
Hoàng Thanh