Chủ động và tích cực tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh đất nước, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Vì vậy, việc lấy và tiếp thu ý kiến của nhân dân khi sửa Hiến pháp hết sức quan trọng, cần thiết.
|
Sáng 6/5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đã công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân (Nghị quyết). Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết trước ngày 30/6 để có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến sửa đổi 8 điều gồm điều 9, 10 (thuộc chương 1 về chế độ chính trị), điều 84 (thuộc chương V về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc chương 9 về chính quyền địa phương).
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các chuyên gia, nhà khoa học. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 6/5 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết, bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày.
Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 yêu cầu, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp.
Với mục tiêu ấy, ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 công bố dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến nhân dân vào sáng 6/5, việc lấy ý kiến nhanh chóng được triển khai rộng khắp, với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, lần lấy ý kiến này có sự tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Theo đó, Bộ Công an đã thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID từ ngày 6/5.
Người dân cũng có thể góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
|
Bên cạnh đó là các hình thức lấy ý kiến “truyền thống”, như gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học.
Chính quyền địa phương các cấp tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phải khẳng định rằng, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là một yêu cầu khách quan và cần thiết để sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính. Đây là việc vô cùng hệ trọng và có tác động đến hệ thống chính trị và xã hội sâu sắc.
Sửa đổi Hiến pháp không chỉ “mở đường” cho việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng, mà còn mang yếu tố hội nhập mạnh mẽ; mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Yêu cầu hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong toàn dân, đưa việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.
Về phần mình, các tầng lớp nhân dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc, tham gia chủ động và tích cực. Đây cũng chính là để thực hiện quyền Hiến định của mình.
Để việc góp ý có chất lượng, cần nghiên cứu kỹ các tài liệu như: Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết; Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiên hành của Hiến pháp.
Các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp cần tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân, đảm bảo thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Sông Côn