Chuẩn bị năm học mới ở Tu Mơ Rông
Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành Giáo dục Tu Mơ Rông cũng xây dựng, chuẩn bị các phương án chi tiết đối với các tình huống của dịch bệnh, bảo đảm cho năm học mới được diễn ra an toàn.
Năm học 2021-2022, trên địa bàn huyện có 26 trường học với tổng số 7.912 học sinh. Trong đó, ở bậc Mầm non có 11 trường với 2.320 cháu; ở bậc Tiểu học có 4 trường với 2.021 học sinh; THCS có 4 trường với 1.435 học sinh và TH-THCS 7 trường với 2.136 học sinh. Đây là năm học tiếp tục thực hiện song song hai chương trình giáo dục phổ thông: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với các lớp 3, 4, 5 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, và 6.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền và vận động nhân dân cùng các trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học. Tiến hành xây dựng bổ sung thêm 12 phòng học mới tại các trường Tiểu học Đăk Hà, TH-THCS BT Tu Mơ Rông và tiến hành sửa chữa nhà vệ sinh, các điểm trường thôn, làm hàng rào, cầu cống, nước sinh hoạt với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chỉ đạo vận động học sinh ra lớp và huy động cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tổ chức dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học 2021-2022. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2,6 và tham mưu cho UBND huyện phân bổ kinh phí, đảm bảo học sinh lớp 2, 6 cũng như các lớp khác có sách đầy đủ sách giáo khoa và tích cực huy động từ các nguồn hỗ trợ, đảm bảo không để học sinh trên địa bàn không có sách giáo khoa, vở viết...
|
Ông An Văn Sáu- Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: So với năm học trước, năm học này huyện đã giảm 7 trường do sáp nhập các trường tiểu học vào THCS nên về cơ sở như phòng học, phòng hiệu bộ, khu ở cho giáo viên cũng tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, năm học mới này, ngành vẫn còn nhiều nỗi lo, đó là đội ngũ giáo viên thiếu (khoảng 40 giáo viên) bởi giáo viên xin chuyển công tác khá nhiều. Về cơ sở vật chất thì vẫn thiếu các phòng học bộ môn, phòng học máy tính và các đồ dùng dạy học theo quy định phục vụ cho công tác đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, vấn đề khó nhất vẫn là nhà ăn phục vụ cho công tác bán trú đối với học sinh, đa số các trường thì nhà ăn phục vụ bán trú mới tạm bợ. Nhiều trường phải tận dụng phòng học để phục vụ ăn bán trú cho học sinh buổi trưa.
Cũng theo ông An Văn Sáu, một nỗi lo khác là công tác vận động học sinh ra lớp và vấn đề duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong năm học mới. Bởi vì, học sinh nghỉ hè và tình hình diễn biến của dịch bệnh nên công tác này sẽ gặp không ít khó khăn.
“Hiểu rõ được vấn đề đó, nên trong tuần đầu tháng 8, Phòng đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương tất cả các xã trên địa bàn đề nghị tăng cường phối hợp các trường học, huy động các hội, đoàn thể, các thôn trưởng, già làng, người có uy tín trên địa bàn cùng vào cuộc vận động học sinh đến trường. Đồng thời, ký cam kết và lấy tiêu chí học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần để đánh giá các phong trào thi đua tại địa bàn…”- ông An Văn Sáu cho hay.
Để cho năm học mới thành công, ngành giáo dục Tu Mơ Rông đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch cho năm học mới một cách cụ thể, chi tiết. Triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp theo Chỉ thị nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT. Thành lập tổ tư vấn chuyên môn cấp tiểu học của huyện để tư vấn, giúp đỡ cho cán bộ quản lý, giáo viên giữa các đơn vị trường trong huyện; tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS và tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu tiếng Việt cấp trường, cấp huyện giúp học mạnh dạn, tự tin, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt và tạo động lực cho học sinh yêu thích đến trường, đến lớp, từ đó duy trì tốt sĩ số chuyên cần để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra.
Phúc Nguyên