“Chương mở đầu đầy hứng khởi” cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch, tạo thế, tạo thời để ta mở tiếp các đòn tiến công chiến lược và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đem lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc, có thể nói, Chiến dịch Tây Nguyên chính là “chương mở đầu đầy hứng khởi” cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
|
Chiến dịch Nam Tây Nguyên chuyển hoá thành Chiến dịch Tây Nguyên
Tháng 3/1974, Hội nghị Quân ủy Trung ương đã cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Trung ương Đảng (khóa III) về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” và đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược.
Nhận thấy sau khi ta giải phóng Phước Long, Mỹ - Ngụy chỉ có những phản ứng yếu ớt, Bộ Chính trị đã tiến hành họp bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976 (nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975). Theo đó, Chiến dịch Tây Nguyên chính là đòn mở đầu trong kế hoạch tác chiến năm 1975 của quân đội ta.
Từ sau Hiệp định Paris đến cuối năm 1974, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển thuận lợi. Lúc này, vùng giải phóng Tây Nguyên được mở rộng và nối liền thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh, tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn từ miền Bắc có thể vào tận chiến trường Nam Bộ. Nhưng do địch vẫn làm chủ Đức Lập (Nam Tây Nguyên) nên khi qua đây, tuyến đường này phải vòng qua Campuchia trước khi vào tới Nam Bộ. Chính vì thế, chủ trương của ta là mở chiến dịch Nam Tây Nguyên nhằm giải phóng Đức Lập, nắn tuyến vận chuyển thông suốt hoàn toàn trên đất Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu ta đánh chiếm Đức Lập, địch sẽ từ Buôn Ma Thuột (cách Đức Lập 50 km) tiến hành phản kích thì chủ trương “nắn đường” của ta sẽ gặp trở ngại lớn. Vì vậy, sau khi nghiên cứu các khả năng, ta đã chuyển sang mục tiêu lớn hơn là đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột, giải phóng một trung tâm chính trị và đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên.
Như vậy, ta đã khoác lên chiến dịch Nam Tây Nguyên một tầm cỡ mới. Lúc này, Đức Lập không còn được coi là mục tiêu chiến dịch mà chỉ là một mục tiêu tác chiến quan trọng. Và Chiến dịch Nam Tây Nguyên thực tế đã trở thành Chiến dịch Tây Nguyên.
Do ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng làm đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh là Chiến dịch 275) được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận Tây Nguyên, do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Bộ Tổng tư lệnh còn phái vào nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm để tăng cường sức mạnh trong giải quyết các vấn đề tác chiến cũng như hậu cần, vận tải... Thường vụ Khu ủy Khu 5 và các tỉnh ủy Đắk Lắk, Plei Ku, Kon Tum cũng thành lập các cơ quan tham gia chiến dịch.
Về binh lực, ngoài 2 sư đoàn thiện chiến của mặt trận Tây Nguyên (Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A), ta tăng cường thêm 2 sư đoàn (Sư đoàn 968 và Sư đoàn 316) và một số trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng kỹ thuật (tăng, pháo, đặc công, công binh...) cho Chiến dịch. Ngoài ra, còn có sự tham chiến của Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 95A của Quân khu 5. Như vậy, trên Tây Nguyên ta đã có một tập đoàn quân khá hùng hậu, so sánh lực lượng là tương đương giữa ta và địch.
Sau gần 25 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch 275 kết thúc với sự thành công trên cả mong đợi, ta đã giải phóng 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Bổn, Quảng Đức với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Trên đà thắng lợi, từ 25/3 đến 3/4/1975, các sư đoàn Tây Nguyên tiến xuống duyên hải Trung Trung Bộ, cùng lực lượng vũ trang tại chỗ giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa...
|
Ý nghĩa của đòn đánh nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên
“Nghi binh, lừa địch” là một mưu sâu kế hiểm, nằm trong ý đồ tác chiến, đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch dày công nghiên cứu, xây dựng; thực hiện thành công mưu kế này sẽ là một bảo đảm để chiến dịch thắng lợi. Vì vậy, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thực hiện nhiệm vụ nghi binh; Sư đoàn 968 đã hoàn thành sứ mạng một cách xuất sắc.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng không phải chỉ có Sư đoàn 968, và cũng không phải đến ngày 1/3/1975 khi Sư đoàn 968 nổ súng thì mới có hoạt động nghi binh. Trên thực tế, nhiều hoạt động nghi binh đã được tiến hành từ trước với nhiều lực lượng tham gia. Nhưng trong phạm vi chiến dịch thì chỉ khi Sư đoàn 968 được lệnh nổ súng, đòn nghi binh của chiến dịch mới thật sự bắt đầu.
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, cho biết: “Khi các cánh quân ta đã triển khai hướng chính an toàn, ngày 1/3/1975 Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 968 đánh nghi binh, tấn công các vị trí ở ngoại vi thị xã Pleiku như Chốt Mỹ, Đồn Tầm và một loạt các cứ điểm trên dãy Chư Gôi, Chư Kra, điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An và Thanh Bình... Tướng Phạm Văn Phú vội vã ra lệnh rút Trung đoàn 45 đang lùng sục ở Ea H’leo về tăng cường sức chống đỡ ở hướng Tây Pleiku. Kế đánh thật mà “giả” là có hiệu lực nhất trong nghi binh lừa địch...”.
Hiệu quả của việc nghi binh chiến lược trên hướng Pleiku - Kon Tum đã khiến cho tình báo của CIA, Phủ đặc ủy tình báo ngụy, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ tham mưu và cơ quan tình báo Quân đoàn II của địch nhầm lẫn, phán đoán rằng mục tiêu tấn công chủ yếu của ta là Pleiku và Kon Tum. Do đó, ta đã lôi kéo và giam chân được 2 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn tăng - thiết giáp và 6 liên đoàn biệt động quân (tương đương với 6 trung đoàn) của địch tại Bắc Tây Nguyên, trong khi tại mục tiêu thật sự là Buôn Ma Thuột chúng chỉ để lại 1 Trung đoàn và 1 liên đoàn biệt động quân trấn giữ.
Thế là trên toàn mặt trận Tây Nguyên, tuy so sánh lực lượng giữa ta và địch là tương đương, nhưng vì phần lớn quân địch bị “lừa” lên hướng Bắc trong khi ta lại tập trung binh lực ở hướng Nam, nên tại điểm quyết chiến Buôn Ma Thuột, ưu thế của ta so với địch có tỉ lệ: bộ binh 5/1, thiết giáp 2/1, pháo lớn 2/1. Ưu thế áp đảo này đã bảo đảm cho ta thắng lợi nhanh chóng, giảm được những tổn thất, thương vong.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch đã đánh giá: "Có thể nói, đây là một chiến dịch mà ta nghi binh thành công nhất trong tất cả các chiến dịch của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã làm cho địch mất phương hướng, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nhất là trong việc nhận định hướng tiến công của ta. Trong quá trình tổ chức thực hành chiến dịch, ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “mưu kế và thế trận” để nghi binh, lừa địch và “trói chân địch lại mà đánh” - đây cũng là một nét đặc sắc, bổ sung và làm phong phú thêm nền nghệ thuật quân sự Việt Nam".
Còn Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đàm Văn Ngụy - người chỉ huy trực tiếp Sư đoàn 316 đánh vào Buôn Ma Thuột ngày đó, khi được hỏi: “Nguyên nhân nào khiến địch ở Buôn Ma Thuột thất thủ nhanh nằm ngoài cả dự kiến của ta?”, đã trả lời: “Lý do có nhiều, nhưng quan trọng nhất là ta nghi binh quá giỏi nên địch quá bất ngờ…”.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi không chỉ đã giải phóng 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh duyên hải Khu 5, mà còn tạo ra sự đột biến về mặt chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ tấn công chiến dịch phát triển thành tấn công chiến lược. Có thể nói, nếu chiến dịch Tây Nguyên không thắng lợi thì cũng chưa có đòn tiến công chiến lược vào Huế - Đà Nẵng và càng không có trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Như vậy, Chiến dịch Tây Nguyên chính là “chương mở đầu đầy hứng khởi” cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến thắng Tây Nguyên đã phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch, tạo thế, tạo thời để ta mở tiếp đòn tiến công chiến lược vào Huế - Đà Nẵng, dẫn đến trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đem lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc.
BÙI THƯỢNG TOẢN