Chuyện ghi ở xã Hiếu
Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm lại xã Hiếu (huyện Kon Plông). Với tôi, mảnh đất đong đầy những kỷ niệm trong hành trình về với các địa phương cơ sở để phản ánh thực tiễn đời sống xã hội trong suốt gần 30 năm làm báo của mình tại Kon Tum.
Chuyện xưa kể lại
Đầu năm 1993, tôi có chuyến công tác ở xã Hiếu cùng với chú Nguyễn Hồng Quang (hiện đã qua đời; khi ấy là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum). Xã Hiếu lúc đó bao gồm cả xã Pờ Ê bây giờ, từ làng này đi đến làng kia, có khi mất cả ngày đi bộ. Đường sá ở xã Hiếu lúc bấy giờ toàn là đường đất “ổ gà, ổ voi” lổm chổm, đi lại rất khó khăn, xe U-oát cứ trườn lên trượt xuống, có những đoạn chúng tôi phải xuống xe đi bộ vài cây số, mệt nhoài.
Đi từ sáng đến tối, đoàn công tác của Tỉnh ủy dừng chân và nghỉ qua đêm tại nhà rông nằm giữa một làng đồng bào DTTS (tôi không nhớ rõ tên làng). Theo chỉ đạo của chú Nguyễn Hồng Quang từ trước, tối đó đông đủ cán bộ cốt cán của xã Hiếu có mặt để cùng với tỉnh, huyện bàn bạc, đề ra các giải pháp giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Lúc bấy giờ đời sống của bà con xã Hiếu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bà con sống du canh du cư, phát rừng làm rẫy, sản phẩm làm ra tự cung tự cấp, không bán ra ngoài thị trường được, vì việc vận chuyển nông sản từ làng ra Quốc lộ 24 là một vấn đề rất nan giải. Thời điểm đó, có gần 90% số hộ thuộc diện nghèo; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đi học dưới 50%...
|
Sau chuyến đi ấy, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Định canh định cư-Kinh tế mới tỉnh chọn làng Vi Glơng (xã Hiếu) làm mô hình thí điểm, đưa dân ra sát Quốc lộ 24 định cư. Nhà nước hỗ trợ nhân dân xây nhà, làm vườn rào, trồng rau xanh, làm chuồng chăn nuôi gia súc, khai hoang làm lúa nước, làm thuỷ điện nhỏ để cung cấp điện sinh hoạt cho người dân trong làng.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch, cuối cùng, một ngôi làng như trong mơ ước của nhiều hộ dân từ bao đời nay đã hình thành.
Trong buổi khánh thành mô hình “làng định canh định cư kiểu mẫu” Vi Glơng ở xã Hiếu khi ấy, tôi chứng kiến nhiều giọt nước mắt vui mừng rơi trên những khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo của những người già trong làng. Họ đã khóc vì vui mừng, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Đầu năm 1994, Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức 3 đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các xã vùng đặc biệt khó khăn ở 3 huyện nghèo nhất của tỉnh khi đó là Đăk Tô (bao gồm cả huyện Tu Mơ Rông ngày nay), Đăk Glei và Kon Plông. Sau khi nắm rõ tình hình, tháng 10/1994, Tỉnh ủy quyết định hỗ trợ cho mỗi huyện 1 tỷ đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt; đồng thời ban hành Chỉ thị số 10 của Tỉnh uỷ, yêu cầu mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh nhận đỡ đầu, hỗ trợ và giúp đỡ cho 1 xã vùng khó khăn ở các huyện. Năm 1996, Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy được “nâng tầm” lên thành Nghị quyết 01/NQ-TU ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1996-2000 và sau này là Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy...
Và chuyện hôm nay
Tháng 7/2021, tôi tháp tùng cùng đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn về công tác tại xã Hiếu.
Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Hiếu ngay tại nhà rông truyền thống làng Vi Glơng, hôm ấy có đầy đủ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện Kon Plông và của xã Hiếu, đồng chí Dương Văn Trang chỉ đạo huyện cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp xã Hiếu phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là một xã anh hùng.
Qua tìm hiểu tôi được biết, hiện nay xã Hiếu có trên 600ha cây trồng hàng năm; cây công nghiệp lâu năm có 277ha; cây lâm nghiệp 175 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 8ha. Tổng đàn gia súc 5.346 con; trong đó đàn trâu 22.106 con, đàn bò 190 con, đàn heo 3.050 con...
Những năm qua, Đảng ủy và chính quyền xã Hiếu phân công cán bộ đảng viên thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình đời sống của nhân dân, vận động bà con trồng và nuôi các loại giống cây, con có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Trải qua một thời gian dài kiên trì tuyên truyền, vận động, đến nay người dân của 4 thôn Kon Plông, Vi Glơng, Đăk Lom, Vi Chring đã chuyển nhà ra sống định cư ổn định lâu dài dọc Quốc lộ 24. Trong đợt ra quân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đầu năm 2021, xã Hiếu huy động được gần 1.000 lượt người dân của 9/9 thôn tham gia trồng 400 cây hoa anh đào tại các tuyến đường nội thôn và trung tâm nhà văn hóa các thôn; dọn vệ sinh thôn làng, đào hố rác; sửa chữa các tuyến đường nội thôn, đường đi khu sản xuất; nạo vét kênh mương thủy lợi.
Điểm sáng đáng ghi nhận tại xã Hiếu là công tác giảm nghèo có sự chuyển biến tích cực. Năm 2016, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 570 hộ, 2.220 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 77,24%; đến cuối năm 2020, hộ nghèo giảm còn dưới 300 hộ với khoảng 1.000 khẩu, chiếm tỷ lệ 32% tổng số hộ, giảm bình quân mỗi năm từ 7-8% hộ nghèo.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, xã Hiếu luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, phát triển sản xuất, trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa các thôn trong xã và thị trường bên ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng để giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Quang Định