Chuyện kể của người lính năm xưa
Vừa qua, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những hình ảnh và lời tri ân trong chương trình đã gây xúc động mạnh mẽ, là lời nhắc nhở cho thế hệ về giá trị của nền độc lập và tự do hôm nay của nước nhà.
|
Ngay từ sáng sớm, tại Hội trường đã rộn ràng bước chân của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Những mái tóc bạc, những bộ quân phục được các cô chú, bác tự hào khoác lên mình trong một ngày trọng đại. Mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh, các chiến sĩ, cựu binh từ khắp các huyện đổ về. Có người chống gậy, có người được các chiến sĩ trẻ hôm nay dìu từng bước vào hội trường. Ai cũng nở nụ cười hiền hậu, ánh mắt ánh lên niềm vui, lòng tự hào sâu sắc.
Sau hàng chục năm xa cách, được gặp lại đồng đội năm xưa, những cái bắt tay, cái ôm siết chặt như xóa nhòa khoảng cách thời gian của các chiến sĩ. Ký ức về một thời đạn bom, một thời hào hùng dân tộc như sống dậy giữa không gian trang trọng và ấm cúng của buổi gặp mặt.
Là người đầu tiên được mời lên bục phát biểu, bà Võ Thị Ninh - chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã xúc động chia sẻ những ký ức không thể nào quên. Ở tuổi 72, bà Ninh vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Quê ở tại thị xã Kon Tum, từ năm 15 tuổi, bà Võ Thị Ninh đã gia nhập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tham gia hoạt động nội tuyến, dẫn đường cho cán bộ cách mạng, rải truyền đơn và nắm tình hình địch. Quá trình hoạt động, bà bị địch bắt giam, tra tấn bằng những cực hình dã man như nhốt xà lim, chích điện. Tuy nhiên, bà vẫn giữ trọn khí tiết, không khai báo một lời.
Bà kể rằng, năm 1972, trong những ngày ác liệt trên chiến trường Kon Tum, tổ chức cách mạng định rút bà ra vùng an toàn, nhưng bà xin ở lại để tiếp tục hoạt động. Năm 1973, trên đường đi mua bông băng cứu thương cho bộ đội, bà bị phát hiện, truy đuổi. Được sự giúp đỡ của cách mạng, bà Ninh may mắn thoát khỏi vòng vây của địch và được chuyển sang địa bàn khác để tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong những giây phút hiểm nguy, bà không hề sợ hãi mà tuyệt đối trung thành lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Cuối lời chia sẻ, bà Ninh đọc những vần thơ xúc động của cựu tù binh Phú Quốc - Trần Văn Thu, khắc họa tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, khiến cả căn phòng lặng im vì ai cũng xúc động:
"Chết vinh quang không chịu cúi luồn
Anh chết vậy để muôn người được sống
Cho đất trời ngày mai thêm rộng
Cho quê nhà lồng lộng dưới cờ sao..."
Bà Võ Thị Ninh nghẹn ngào bày tỏ: “Ngày hôm nay đất nước được hòa bình, độc lập, đó không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng tôi mà còn là hạnh phúc chung của nhân dân cả nước. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng như chúng tôi”.
|
Trong không khí trang trọng của buổi gặp mặt, chúng tôi còn có dịp lắng nghe câu chuyện của cựu chiến binh Trần Lê Quế (69 tuổi) ở thôn 4 (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi). Được hỏi về đời binh nghiệp, những thời khắc chiến tranh gian khổ, ông Quế chậm rãi kể, ánh mắt nhìn xa xăm như đang trở về những năm tháng hào hùng.
Ông Trần Lê Quế kể, khi mới 18 tuổi, ông gia nhập Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 732), trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Ngọc Hồi - một trong những địa bàn ác liệt trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, thay vì trở về quê nhà, ông tiếp tục gắn bó với đơn vị. Khi Trung đoàn 732 chuyển thành Công ty TNHH MTV 732, ông được tín nhiệm làm Đội trưởng Đội sản xuất, rồi Phó Giám đốc Công ty. Đến năm 2010, ông nghỉ hưu, trở về xây dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương. Không chọn an phận nghỉ ngơi, ông Trần Lê Quế lại bắt tay vào làm kinh tế. Trên mảnh đất rộng gần 1ha quanh nhà, ông cần mẫn cải tạo, trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái như bưởi, mít, sầu riêng, chôm chôm mang lại thu nhập ổn định. Mô hình đã trở thành mô hình kiểu mẫu tại địa phương, được nhiều thanh niên, nông dân trong vùng đến học hỏi.
Ngồi bên cạnh những đoàn viên, thanh niên chăm chú lắng nghe, cựu chiến binh Trần Lê Quê nở nụ cười hiền hậu, chia sẻ: “Hồi còn chiến tranh, người lính Cụ Hồ phải trải qua gian khổ là chuyện thường. Nay hòa bình rồi, các cháu, các em phải ý thức để rèn luyện, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới, tích cực học tập, làm kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Các cháu hãy sống sao cho xứng đáng với công lao của bao thế hệ đi trước đã ngã xuống”.
Những câu chuyện của những người lính Cụ Hồ năm xưa được chia sẻ tại buổi lễ tri ân không chỉ dừng lại ở những ký ức chiến tranh, mà còn là bài học quý về ý chí vươn lên, tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho lớp trẻ mai sau.
Cuối chương trình, không gian dần tĩnh lặng để chuẩn bị cho giây phút chia tay. Những cái bắt tay ấm áp, những cái ôm thật chặt và những bức ảnh lưu niệm được chụp lại để lưu giữ những kỷ niệm đẹp. Ai cũng mang trong lòng sự xúc động, niềm tự hào về những điều đã được chia sẻ, những câu chuyện ý nghĩa trong suốt buổi gặp gỡ.
Hoàng Thanh