Công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang
Nhiều năm qua, công trình cấp nước sạch ở làng Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) bị bỏ hoang vì một số hạng mục đã hư hỏng nặng.
Đầu mùa mưa nhưng anh A Bích ở làng Kà Đừ phải nhờ thêm một số anh em trong làng đào giếng vì thiếu nước sinh hoạt. Chia sẻ với phóng viên, anh A Bích cho biết: Trước đây, tôi thường xin nước của hàng xóm để dùng, để đỡ bất tiện nên tôi quyết tâm đào giếng nước trước nhà để sử dụng. Những năm trước, chính quyền có đầu tư công trình cấp nước sạch nhưng giờ không dùng được nữa. Tôi nghe nói vì bà con có một số hộ không đóng tiền điện nên bị cắt.
|
Công trình cấp nước sạch được đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào ngày 5/11/2012 và chính thức hoạt động từ ngày 5/4/2013, cung cấp nước sạch cho gần 80 hộ dân làng Kà Đừ, do thị trấn Sa Thầy quản lý.
Công trình cấp nước sạch được xây dựng trong đất Vườn Quốc gia Chư Mom Ray gồm một bể chứa nước bằng bê tông (dài 4,6m, rộng 3,4m, cao 2,5m), 1 nhà quản lý giếng khoan (gồm 2 giếng sâu 60m) có đường ống nước dẫn nước từ bể chứa nước đến các hộ dân. Tại các hộ dân được cấp nước sạch đều có đầu tư đồng hồ nước, tấm đan bê tông, trụ bê tông dẫn ống nước thẳng đứng, van nhựa…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, hiện tại giếng nước và bể chứa nước đều đã bỏ hoang, các điểm lấy nước của người dân đã hư hỏng nặng, trụ bê tông bị đập gãy, ống nhựa dẫn nước bị người dân đào lấy, đồng hồ nước đã gỉ sét, hộ còn hộ mất.
Ông Trần Kế Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Sa Thầy (trước đây được giao trực tiếp quản lý thôn Kà Đừ) cho biết: Khi công trình nước sạch mới đi vào sử dụng, người dân rất vui mừng, phấn khởi và cam kết sẽ giữ gìn công trình, đóng tiền điện theo định kỳ. Để quản lý chặt chẽ công trình, thị trấn đã thành lập một tổ quản lý vận hành và thu tiền điện của bà con. Thời gian đầu, công trình còn mới nên rất ít hư hỏng, bà con đóng tiền điện đúng định kỳ, trung bình mỗi tháng bà con đóng 20.000 đồng/hộ. Sau gần 2 năm sử dụng, các van nước, ống nhựa tại điểm lấy nước bị hỏng nhưng bà con không tự bỏ tiền ra thay cái mới, để nước rò rỉ khiến máy bơm hoạt động liên tục dẫn đến cháy máy, tiền điện tăng cao. Nhiều hộ dân thấy tiền điện nhiều nên không đóng, dồn lại vài tháng, đến khi nợ Công ty Điện lực huyện Sa Thầy gần 2,7 triệu đồng thì bị cắt điện và không hoạt động nữa.
|
Cũng theo ông Vân, không riêng công trình cấp nước sạch trên địa bàn làng Kà Đừ bị bỏ hoang mà các giếng nước cộng đồng cũng bị hư hỏng, ô nhiễm do sự thiếu ý thức của người dân. Các giếng nước cộng đồng là phương án cấp nước sinh hoạt hiệu quả vào mùa hạn, thế nhưng nhiều bà con lại không nhận thức được điều này mà mang rác, chất thải đổ xuống giếng thay vì đào các hố rác tại nhà.
Bà Phan Thị Hà Tiên - Bí thư Đảng ủy thị trấn Sa Thầy cho biết: Trước đây, khi công trình còn hoạt động, UBND thị trấn trực tiếp quản lý, thường xuyên phân công anh em trong cơ quan đến kiểm tra và sửa chữa phục vụ bà con. Nhưng chính vì tính trông chờ, ỷ lại của người dân, những hạng mục nhỏ như van, ống nhựa… bị hỏng người dân cũng không chịu thay đã khiến công trình ngày càng xuống cấp.
Theo bà Tiên, đến đầu năm 2016, thực hiện công văn số 268/UBND-TH ngày 15/3/2016 của UBND huyện Sa Thầy, UBND thị trấn đã bàn giao công trình này cho Trung tâm Dịch vụ công ích huyện quản lý. Đầu năm 2018, thực hiện công văn số 186/UBND-TH về việc quản lý, vận hành, sửa chữa các giếng khoan trên địa bàn các xã, thị trấn, UBND huyện Sa Thầy đề nghị UBND thị trấn chủ động sử dụng các nguồn kinh phí được giao đầu năm 2018 để khắc phục sữa chữa kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Sau đó, UBND thị trấn đã rà soát các hộ thiếu nước sinh hoạt để khắc phục, sửa chữa lại công trình cấp nước, dẫn nước sinh hoạt đến nhà dân. Sử dụng thêm một thời gian, các hạng mục thuộc hộ gia đình lại hỏng mà bà con không tự sửa chữa, dẫn đến các hạng mục khác như máy bơm, ống nước… hỏng theo. Kinh phí để sửa chữa của thị trấn không còn, công trình ngừng hoạt động, bà con phải tìm nguồn nước sinh hoạt khác.
“Để sửa chữa lại công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con cần rất nhiều kinh phí, vì phần lớn các hạng mục tại các hộ gia đình đã hư hỏng. Những năm gần đây, bằng nhiều cách khác nhau, UBND thị trấn chưa để người dân làng Kà Đừ thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, tuy nhiên nếu người dân rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng thì sửa chữa lại công trình cấp nước sinh hoạt cũng là một trong những phương án mà UBND thị trấn tính đến” - bà Tiên cho biết thêm.
Theo chúng tôi, cùng với việc tìm giải pháp khắc phục, chính quyền cùng các đoàn thể địa phương cần quan tâm tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức, không trông chờ ỷ lại, có những hành động cụ thể, thiết thực bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nói riêng; bởi, trước hết, chính người dân tại chỗ được hưởng lợi từ việc có đủ nguồn nước trong lành phục vụ sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe.
Văn Tùng