Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” ở Ia H’Drai
Kể từ khi Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo” được triển khai, tôi cảm nhận rất rõ mạch sống mới đang vươn lên mạnh mẽ ở Ia H’Drai, dù trong những ngày gian khó bởi đại dịch Covid-19.
1.Tại lễ phát động Cuộc vận động (tháng 6/2021), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Khiên cho rằng, tuy nhiều hộ dân, trong đó có đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo DTTS còn cao, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; chưa chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, chăn nuôi.
Các chỉ tiêu chủ yếu mà Ia H’Drai hướng tới khi triển khai Cuộc vận động là đến năm 2025 có từ 90% hộ DTTS nghèo, cận nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 80% hộ DTTS nghèo, cận nghèo trở lên biết áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; trên 90% hộ DTTS nghèo, cận nghèo có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong huyện; trên 60% hộ DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Mục tiêu cốt lõi mà Ia H’Drai phấn đấu là giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS bình quân 10-12% năm trong giai đoạn 2020-2021.
Mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi được nếp nghĩ của bà con, phải nhổ bật cái tư tưởng cam chịu đói nghèo đã thâm căn cố đế, đã bám nhiều như rễ tranh, rễ le trong suy nghĩ của bà con. Một khi tư tưởng thông thì việc lớn đến mấy cũng xong; tư tưởng mà tắc thì việc nhỏ cũng ì ạch.
|
Vì vậy, huyện Ia H’Drai xác định rõ những nếp nghĩ, cách làm cụ thể mà đồng bào DTTS cần thay đổi hoặc học hỏi để vươn lên. Đó là chưa dám mạnh dạn vay vốn làm ăn; chưa biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn; thờ ơ với các mô hình sản xuất, các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao; ngại tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã... Từ đó có hướng đi, giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường cán bộ bám làng, sát hộ hướng dẫn bà con cách sắp xếp lao động trong gia đình hợp lý; xóa bỏ tập tục lạc hậu; không bán đất ở, đất sản xuất, không tiếp tay cho lâm tặc, không lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy…
Đồng thời xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động từ cấp huyện đến xã để giúp bà con. Trong đó chú trọng các mô hình phát huy lợi thế về đất đai và chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, thu nhập cao; rào vườn, cải tạo vườn tạp, trồng rau, làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cách ly khu nhà ở.
Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, không chỉ nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mà cán bộ, đảng viên cũng phải sửa đổi cách tuyên truyền, vận động theo hướng cụ thể, thiết thực, tránh hình thức- Phó Bí thư Thường trực A Khiên nhấn mạnh.
Theo đó, cán bộ phải khắc phục cho được sự quan liêu, xa dân; phải chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương; quán triệt và thực hiện thật tốt phong cách công tác dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
2.Mạc Văn Đức và vợ là người dân tộc Thái, từ xã Trần Tiến, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai làm công nhân chăm sóc cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân.
Vợ chồng Đức đặt mục tiêu thoát nghèo trong năm nay. Anh quả quyết rằng, nhiều hộ nghèo cũng đang phấn đấu thoát nghèo, hộ thoát nghèo rồi thì vươn lên khá giả. Và theo anh, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo” mà xã, huyện đang triển khai sẽ là động lực, là nền tảng để anh hiện thực hóa quyết tâm ấy.
Thuận lợi cơ bản là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đã được đầu tư, phát triển. Hai "nút thắt" lớn nhất ở các thôn, làng trên địa bàn huyện là đường giao thông và điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất đã và đang được tháo gỡ. Huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Cán bộ xã, huyện bám làng, bám hộ hướng dẫn bà con mạnh dạn vay vốn chính sách đầu tư phát triển sản xuất; tham gia tổ hợp tác…
Nói đâu xa, như gia đình Mạc Văn Đức đây, ban đầu, nói đến vay vốn làm ăn thì rất lo ngại, nhất là chị vợ, cứ lo lắng, băn khoăn “lỡ có chuyện gì, lấy tiền đâu mà trả nợ”. Nhưng được cán bộ xã, thôn vận động, hướng dẫn, anh quyết định tham gia tổ vay vốn và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mua 3 con bò để phát triển chăn nuôi.
Hàng loạt mô hình trồng trọt, chăn nuôi; các tổ hợp tác, hợp tác xã được hình thành, trong đó có những mô hình ứng dụng công nghệ cao, đã đem lại luồng gió mới cho sản xuất nông nghiệp Ia H’Drai.
Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi Mạc Văn Đức hào hứng nói với tôi rằng, người dân ví cuộc vận động như một “cuộc cách mạng” thổi bay đi những nếp nghĩ lạc hậu, những cách làm cũ, và tin tưởng sẽ đem lại sự đổi thay mạnh mẽ và toàn diện trên vùng đất Ia H’Drai.
Tất nhiên, với Ia H’Drai, mọi chuyện không hề dễ dàng, và “cuộc cách mạng” mới bắt đầu, phía trước còn bộn bề khó khăn. Nhưng tôi tin vào thành quả mà “cuộc cách mạng” này mang lại trong tương lai gần.
Thành Hưng