Đăk Glei: Dân khổ vì cống thoát nước kém hiệu quả
Dự án Kè chống sạt lở sông Pô Kô (đoạn qua thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) không chỉ bị sạt lở khi chưa bàn giao mà còn xảy ra tình trạng một phần cống thoát nước của kè thoát nước kém, làm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống và làm hư hỏng cây cối, hoa màu của người dân thôn Đông Sông.
Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có chiều dài hơn 1,9km, với tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng công trình chống sạt lở đê, phòng chống lụt bão cấp bách. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum làm chủ đầu tư.
Điều đáng nói, đoạn Kè chống sạt lở sông Pô Kô qua địa bàn thôn Đông Sông không chỉ bị hư hỏng khi chưa bàn giao, mà còn xảy ra tình trạng một phần cống thoát nước của kè thoát nước kém, làm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến cuộc sống và làm hư hỏng cây cối, hoa màu của người dân thôn Đông Sông.
|
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Duy Tuyền- Trưởng thôn Đông Sông (thị trấn Đăk Glei) cho biết, từ lúc bờ kè triển khai giai đoạn 2 vào năm 2021 đến nay, khi lũ đến, lượng nước thoát không kịp, gây ngập lụt cục bộ với mật độ dày hơn so với lúc chưa hoàn thành bờ kè. Toàn thôn có 116 hộ thì có 37 hộ thường xuyên bị ngập khi có mưa lũ lớn, trong đó, có 23 hộ nằm trong vùng lõi ngập lụt, với diện tích hơn 20ha cây trồng.
Ông Tuyền cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng là do cống thoát nước bờ kè không đáp ứng khả năng tiêu thoát nước. Thôn đã kiến nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục.
Phản ánh với chúng tôi, bà Hoàng Thị Mùa (thôn Đông Sông) cho biết, trước kia, tình trạng ngập úng rất ít nhưng trong 2 năm nay, từ lúc xây kè cứ vào mùa mưa lũ thì tình trạng ngập úng nặng hơn. Đặc biệt, năm 2022, khoảng 14.000m2 đất nông nghiệp trồng cây gồm bời lời, chuối, mì, hoa màu, ao thả cá của gia đình bà thường xuyên bị ngập, khiến cây cối chết hết.
“Mong các cấp, các ngành có biện pháp xử lý, khắc phục triệt để tình trạng ngập úng để người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất”- bà Mùa đề nghị.
Theo biên bản đánh giá hiện trường của chủ đầu tư và đơn vị chức năng huyện Đăk Glei, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng phía trong tuyến kè sông Pô Kô do ảnh hưởng của dòng chảy qua các năm, lòng sông bị bồi lấp làm thay đổi mặt cắt lòng sông, gây bồi lấp các cửa ra các cống thoát nước ngang của tuyến kè. Bên cạnh đó, khi mùa nước lớn, nước sông dâng cao, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của cống gây ngập úng một số vị trí phía trong tuyến kè.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Anh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Glei cho biết, việc ngập úng ở thôn Đông Sông có nhiều yếu tố. Ngoài do thiên tai, thì còn do hệ thống tiêu thoát nước của bờ kè thiết kế chưa đảm bảo, dẫn đến khi hoàn thiện thì có một số bất cập.
Cụ thể như đoạn dài từ cầu treo đường Chu Văn An đến cầu Pô Kô không có một hệ thống thoát nước nào, ảnh hưởng đến hệ thống tiêu lũ của khu vực thôn Đông Sông. Trên cơ sở kiến nghị cử tri, thị trấn đã chuyển ý kiến của người dân đến cấp có thẩm quyền. Tỉnh có thành lập đoàn lên kiểm tra, làm việc và tại buổi làm việc, địa phương đề nghị bổ sung một số cống thoát nước nhưng đơn vị có trách nhiệm của dự án nói không có vốn nên chưa triển khai được- ông Nguyễn Hữu Anh cho hay.
|
Trả lời với chúng tôi về việc ngập úng ở thôn Đông Sông, ông Trần Ngọc Tuấn- Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum (chủ đầu tư dự án Kè chống sạt lở sông Pô Kô) cho biết, việc chưa thoát được nước là do cống của bờ kè sau nhiều năm xây dựng thì bị nghẹt nhưng chưa được nạo vét, trong khi huyện Đăk Glei đổ đất nhiều, làm bồi lấp.
Để đảm bảo khả năng thoát nước của các cống, Ban quản lý sẽ chỉ đạo nhà thầu nạo vét các cống này, còn huyện Đăk Glei sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng đào đất lấp để tạo dòng chảy.
Hơn lúc nào hết, ngoài việc nhanh chóng sửa chữa lại bờ kè bị hư hỏng, người dân mong ngành chức năng, chủ đầu tư dự án kè cần có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng ngập úng tại thôn Đông Sông để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, giảm bớt nỗi lo mỗi khi có mưa lớn kéo dài.
Văn Phương