Đăk Nên: Đầu tư hạ tầng nông thôn giúp người dân ổn định cuộc sống
Từ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các khu tái định canh- tái định cư tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông được quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, giúp bà con nhân dân từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ năm 2022 đến nay, từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, xã Đăk Nên đã triển khai xây dựng 15 công trình hạ tầng trên địa bàn với tổng mức đầu tư 22,168 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt với kinh phí 4,258 tỷ đồng, đầu tư 11 công trình đường giao thông nông thôn và đường đi khu sản xuất với kinh phí 17,91 tỷ đồng. Qua thực tế triển khai, các công trình này đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đăk Nên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông với 8 thôn và 2.320 khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 96,1%. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc lớn nên việc phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm ổn định đời sống của người dân tại các khu vực tái định canh, tái định cư, chính quyền xã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của nhà nước vào các công trình thiết yếu, phục vụ tối đa nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích cho bà con nhân dân.
|
Thôn Đăk Tiêu, xã Đăk Nên hiện có 65 hộ dân sinh sống, tất cả đều là dân tộc Xơ Đăng. Thời gian qua, với sự đầu tư, hỗ trợ, triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG, diện mạo nông thôn tại thôn Đăk Tiêu có nhiều khởi sắc.
Đường giao thông liên thôn và nội thôn được nhà nước đầu tư nâng cấp, thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Điểm trường tại thôn đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em. 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và công trình nước sạch sinh hoạt.
Ghi nhận tại điểm trường thôn Đăk Tiêu (thuộc Trường Mầm non xã Đăk Nên), 100% trẻ em từ 2-5 tuổi tại thôn ra lớp đầy đủ. Điểm trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, đáp ứng tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; phụ huynh yên tâm gửi con em đến trường để dành nhiều thời gian phát triển kinh tế gia đình.
|
Ông Phạm Thanh Nam- Chủ tịch UBND xã Đăk Nên chia sẻ: Từ nguồn lực đầu tư của nhà nước và sự chung tay, tham gia tích cực của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đăk Nên có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, xã đã đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt thêm 3 tiêu chí về tổ chức sản xuất, y tế và hệ thống chính trị. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đông đảo người dân tham gia các hoạt động như sửa chữa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thuỷ lợi, quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh tại các khu dân cư.
Cùng với đó, chính quyền xã Đăk Nên còn tích cực hỗ trợ người dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, nhân dân trên địa bàn xã còn lưu giữ 18 bộ cồng chiêng, 8/8 thôn đều có đội cồng chiêng phục vụ các lễ hội tại địa phương. Trên địa bàn các thôn còn lưu trữ các lễ hội truyền thống của người Xơ Đăng như Lễ Mừng lúa mới, Lễ Cúng máng nước.
Ông Phạm Thanh Nam cho hay: Thời gian tới, xã sẽ tập trung thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, nhà ở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình hạ tầng đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tấn Lộc