• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT    UBND tỉnh yêu cầu xác minh, làm rõ vụ lộ đề thi Tiếng Anh, báo cáo trước 15h ngày 8/6/2023    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tiếp xúc cử tri huyện Kon Rẫy    Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang và Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thị trấn Măng Đen    Tỉnh ủy công bố và trao Quyết định về công tác cán bộ   

Xã hội

Dưới mặt đất hiền lành - Bài 2: Nỗi đau ở lại

27/03/2023 13:08
  • >> Dưới mặt đất hiền lành - Bài 1: “Tử thần” rình rập

Rất nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để “làm sạch” những mét vuông đất ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng kể cả khi chúng được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với những nạn nhân và gia đình nạn nhân của bom mìn.

Theo thông tin được công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022, Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

Dưới mặt đất hiền lành, dù ở nơi đô thị phồn hoa hay ruộng đồng xanh mát, dù công sở,  trường học hay núi đồi hoang vu vẫn còn đủ loại bom đạn, từ  bom bi, lựu đạn đến các loại mìn, các loại bom, với khoảng 1.642 chủng loại.

Có nơi bom, đạn trồi hẳn trên mặt đất. Có những nơi nằm sâu từ 0,3-0,6m, đặc biệt có những quả bom khoan nằm sâu trong lòng đất đến 10- 15m.

Bình thường, có thể chúng nằm im lìm, như những “tử thần” say ngủ.

Những quả đạn cối được người dân phát hiện khi đào móng nhà. Ảnh: HL

 

Nhưng chỉ cần có một tác động, có thể là vô ý (do đùa nghịch, thi công công trình hay lao động sản xuất) hoặc cố ý (tìm kiếm phế liệu) thì những “tử thần” ấy sẽ “thức tỉnh”. Sau tiếng nổ là hậu quả khó lường đối với tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tôi cũng đã một lần đối diện với những “tử thần say ngủ” ấy. Đó là khi gia đình một người quen ở tổ 12, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum san ủi mặt bằng, đào móng xây nhà. Mọi việc đang tiến hành thuận lợi thì thợ đào móng phát hiện nhiều quả đạn cối đã hoen gỉ trồi lên, phô ra bộ mặt chết chóc.

Ngay lập tức, mọi hoạt động được dừng lại, chủ nhà báo cơ quan chức năng. Sau đó, toàn bộ 17 quả đạn cối được đem đi an toàn. Nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn rùng mình. Hôm ấy, chỉ cần lưỡi gàu của máy đào nhấn sâu thêm một chút nữa, đụng vào những viên đạn cối lì lợm kia, thì không biết hậu quả sẽ thế nào.

Nhưng đó chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ toàn tỉnh Kon Tum. Hiện diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ chiếm 48,68 % diện tích tự nhiên của tỉnh.

Rất nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để “làm sạch” những mét vuông đất ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kể cả khi chúng đã được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với rất nhiều gia đình có nạn nhân của bom, mìn.

Cho đến nay, đã 6 năm trôi qua, tôi vẫn bị ám ảnh bởi vụ nổ đầu đạn xảy ra ở thôn 5, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum. Khi vụ nổ xảy ra, tôi chỉ cách địa điểm xảy ra vụ nổ chưa tới 100m.

Đó là một ngày cuối tháng 10/2017, tôi tham gia đoàn kiểm tra hiện trường một vụ khai thác cát trái phép. Xe đang đi trên đường thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn, trầm đục ở căn nhà phía trước. Rồi tiếng người la hét, tiếng bước chân chạy rầm rập.

Mọi người đổ về ngôi nhà. Chúng tôi tới gần thì một người ngăn lại: “Không nên vào. Nổ đầu đạn đó. Có người chết rồi”. Dù đứng cách vài chục mét, tôi cũng có thể thấy hiện trường đáng sợ của vụ nổ.

Dò hỏi thì được biết, đó là nhà ông A Then. Mới đây đi đánh cá, ông A Then nhặt được một đầu đạn M79 và đem về nhà cất. Hôm nay ông tự tháo để lấy thuốc, bất ngờ đầu đạn phát nổ, ông A Then tử vong tại chỗ, bà Y Đưch (vợ ông) và 2 con bị thương nặng.

Sau này, tôi biết thêm, bà Y Đưch tử vong trên đường đi cấp cứu; hai người con may mắn thoát chết nhưng mang thương tật suốt đời.

Giao lưu với nạn nhân và thân nhân nạn nhân bom mìn thôn Kroong, Klah. Ảnh: Trần Văn Phúc

 

Tuy chưa thể thống kê được số người chết và bị thương do bom, mìn, vật nổ gây ra, nhưng chắc chắn là một con số không nhỏ. Kon Tum có số nạn nhân bom mìn, vật nổ cao thứ hai cả nước.

Kết quả điều tra cho thấy, việc tìm kiếm phế liệu và chơi/đùa nghịch là hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ; tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.

Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do thiếu hiểu biết và không được cảnh báo, tuyên truyền có hiệu quả về những nơi còn nhiều bom mìn, vật nổ.

T- một nạn nhân của bom, mìn thừa nhận rằng, chính sự thiếu hiểu biết mà cậu phải gánh chịu hậu quả. Cách đây mấy năm, khi làm rẫy, thấy một vật lạ “trông giống quả lựu đạn”, T. đem về nhà. Một lần nghịch ngợm lấy chân đá, bất ngờ vật lạ phát nổ. Dù may mắn chỉ mất một bên chân, nhưng nỗi đau thể xác và tinh thần theo cậu suốt đời.

Điều đau đớn nhất là trong số nạn nhân của bom mìn, vật nổ gây ra thì trẻ em chiếm đa số. Với bản tính hiếu động và còn thiếu hiểu biết, các em thường đùa nghịch, di chuyển, quăng, ném bom bi, đầu đạn, dẫn đến gây nổ.

Chúng tôi từng tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với 7 em học sinh ở một trường tiểu học. Phải nói là không dễ thuyết phục được các em tham gia, và phải cam kết không để cho gia đình và nhà trường biết.

Câu hỏi chung là: Khi nhìn thấy những vật nghi là bom, mìn, chúng ta cần làm gì?

Kết quả là 5 em lắc đầu và nói “không biết”. Chỉ có 2 em trả lời cần phải tránh xa và nói ngay cho người lớn biết. Vì nếu không may đụng vào, chúng phát nổ có thể gây chết người hoặc bị thương.

Rõ ràng là, công tác giáo dục, truyền thông về phòng tránh tai nạn thương tích do bom, mìn cần được tăng cường hơn nữa.

Ít nhất là biết tránh xa chúng!

(Còn nữa)

Hồng Lam

   

Các tin khác

  • Lễ xuất quân “Học kỳ trong Quân đội” lần thứ XI năm 2023
  • Nghi vấn lộ đề thi Tiếng Anh, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10: Chỉ là dự thảo, không phải đề chính thức
  • Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước
  • Chỉ số PCI và nâng cao chất lượng giáo dục
  • Lễ phát động tham gia Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
  • BĐBP tỉnh: Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với KT-XH
  • Kon Rẫy: Sạt lở bờ sông, nguy cơ “nuốt” làng
  • Hội nghị tập huấn về công tác thông tin và truyền thông cơ sở
  • Tăng cường công tác quốc tế thanh niên
  • Ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại Điểm cao 601
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Hội nghị rút kinh nghiệm diễn tập huyện Kon Rẫy
  • Lễ xuất quân “Học kỳ trong Quân đội” lần thứ XI năm 2023
  • Nghi vấn lộ đề thi Tiếng Anh, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10: Chỉ là dự thảo, không phải đề chính thức
  • Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước
  • Chỉ số PCI và nâng cao chất lượng giáo dục
  • “Bài toán” bồi thường khi thu hồi đất
  • Kon Rẫy: Đáp ứng nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng
  • Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 5

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp độc đáo ở Vi Rơ Ngheo
  • Đến Đăk Tô, bạn nhớ check in địa điểm này nhé!
  • Chùm ảnh: Niềm vui của trẻ em DTTS
  • Chùm ảnh: Tuổi thơ vùng cao

Đất & Người Kon Tum

  • Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na
  • Kon Tum không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Ba Na.
  • Đặc sắc lễ mừng nước giọt ở Kon Trang Long Loi
  • Để cồng chiêng mãi ngân vang
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by