Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Phải thừa nhận một thực tế là đã và đang tồn tại tình trạng “quản không được”, hay “khó quản” là “cấm” ở nhiều lĩnh vực. Đôi khi, “lệnh cấm” được xem là “giải pháp” hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.
Mới đây, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (sáng 21/10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Có thể khẳng định, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật là hết sức quan trọng, là vấn đề chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài; đảm bảo luật pháp không chỉ phục vụ cho việc quản lý, mà còn phải hỗ trợ phát triển đất nước.
Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định mạnh mẽ tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó người dân được làm những điều pháp luật không cấm.
Phải thừa nhận rằng lâu nay vẫn tồn tại tình trạng “quản không được”, hay “khó quản” là “cấm” ở nhiều lĩnh vực. Đôi khi, “lệnh cấm” được xem là “giải pháp” hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.
|
Đơn cử như chuyện dạy thêm, học thêm. Do có những biểu hiện tiêu cực, bị dư luận phản ánh, nên những năm qua, hoạt động này bị cấm đoán. Và “lệnh” cấm dạy thêm được triển khai khá quyết liệt.
Cơ quan quản lý phối hợp với nhà trường thực thi hàng loạt biện pháp mạnh, từ quán triệt chủ trương, yêu cầu cam kết, đến thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đến tận nhà giáo viên. Nếu bị phát hiện vi phạm “lệnh cấm”, người dạy sẽ bị xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, bất cập là, dạy thêm, học thêm không chỉ xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập của giáo viên mà còn là nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Vì vậy, những lớp học thêm vẫn tồn tại một cách âm thầm, dai dẳng, như cách gọi dân dã là “dạy chui”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại chính sách. Thay vì cấm đoán, nên đưa ra các quy định mới để quản lý, như giáo viên dạy thêm phải đăng ký. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hoạt động dạy thêm học thêm đúng hướng, không phát sinh tiêu cực.
Việc tìm ra cách quản lý phù hợp không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu và sức ép dư luận, mà còn tránh việc sử dụng biện pháp cực đoan "không quản được thì cấm".
Hay chuyện cấm kinh doanh sau 22 giờ ở “xứ ta” cách đây 15 năm. Tháng 6/2009, UBND thành phố Kon Tum có Thông báo số 116/TB-UBND yêu cầu, kể từ ngày 1/7/2009, các điểm kinh doanh dịch vụ Internet, trò chơi điện tử, bi da, các điểm karaoke và các quán cóc vỉa hè tại thành phố Kon Tum phải ngừng hoạt động từ 22 giờ.
Nếu các tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình dịch vụ trên hoạt động sau 22 giờ sẽ bị kiểm tra, giải tỏa, thu hồi giấy phép kinh doanh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu của “lệnh cấm” này là giảm thiểu tệ nạn xã hội liên quan đến kinh doanh ban đêm, nhất là rượu bia. Ban đầu, “lệnh cấm” được nhiều người ủng hộ, nhưng không lâu sau đó, những tác động “lợi bất cập hại” bắt đầu bộc lộ.
|
Dù bị cấm, nhưng nhu cầu của người dân vẫn còn. Cùng với sự tăng trưởng của du lịch, dân số trẻ, đời sống được cải thiện đang dần làm thay đổi nếp sống ở các đô thị Kon Tum. Người ta ra đường nhiều hơn về đêm, tiêu tiền nhiều hơn và yêu cầu giải trí khi đêm về cũng tăng.
Bên cạnh đó, phía sau mỗi cửa hàng, quán xá, nhất là quán cóc vỉa hè, là cuộc sống của nhiều gia đình, nhiều con người.
Vậy là giữa quy định hành chính với cuộc sống của người dân, với sự phát triển kinh tế xuất hiện “độ vênh” nhất định. Dần dần, nội dung “cấm” trên cũng đi vào quên lãng.
Nói như vậy không có nghĩa là quy định của chính quyền là vô lý. Ít nhất cũng được cho là phù hợp với thời điểm ban hành, vì hướng tới quản lý tốt hơn những “mặt tối” trên đường phố khi đêm về, như các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Ngoài ra, còn những bất cập khác như rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường.
Nhưng việc quy định này bị “bỏ quên” cho thấy, dù phù hợp với một thời điểm nào đó, thì xét cho cùng, đó cũng là biểu hiện “không quản được thì cấm”, thay vì quản lý bằng các biện pháp và giải pháp phù hợp.
Khâu thực thi các “lệnh cấm” cũng có nhiều chuyện đáng nói. Như trong việc cấm lấn chiếm, sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, có thực trạng mỗi địa phương làm một kiểu, nơi chặt nơi lỏng.
Cũng trên vỉa hè, cuộc giằng co giữa chính quyền, ngành chức năng và người buôn bán thường diễn ra và dai dẳng. Tôi thường thấy cảnh người buôn bán trên vỉa hè, các chủ tiệm hối hả chạy ra cất biển hiệu khi thấy bóng xe trật tự đô thị.
Trên thực tế, chính quyền nên khảo sát kỹ, nơi nào nên cấm hãy cấm, nơi nào có thể tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông thì tạo điều kiện cho người dân. Nếu sắp xếp tốt, chúng ta vừa có được mỹ quan đô thị, lối cho người đi bộ, vừa giữ được sinh kế cho người bán hàng.
Các chuyên gia cho rằng, bỏ tư duy “không quản được thì cấm” không có nghĩa là Nhà nước buông lỏng quản lý. Mà là thay vì đưa ra các quy định "tiện cho việc quản lý" hay “cấm đoán”, Nhà nước có các giải pháp quản lý khoa học và hiệu quả, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để khơi thông nguồn lực và tháo gỡ các điểm nghẽn.
Điều này không chỉ giúp tránh hệ quả tiêu cực, cản trở sự phát triển từ các quy định cấm đoán quá mức mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Hồng Lam