Gặp các hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Gặp các hộ đồng bào DTTS đang tích cực thực hiện các mô hình từ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” ở huyện Sa Thầy, chúng tôi nhận thấy, các mô hình này đang góp phần tạo ra những tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Tìm hiểu việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở huyện Sa Thầy, tôi về xã Sa Bình. Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình Trần Văn Hữu giới thiệu về mô hình nuôi heo sọc dưa của ông A Weo (thôn Lung Leng).
Đưa khách ra thăm khu nuôi nhốt heo, ông A Weo tâm sự: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở làng thường nuôi heo không làm chuồng trại, thả rông. Khi trong làng một con heo bị dịch bệnh, thường lây nhiễm dịch bệnh sang heo ở các hộ khác, làm heo trong làng chết nhiều, nhất là dịch bệnh nguy hiểm như bệnh heo tai xanh. Để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gầy dựng lại đàn heo, năm 2021, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong làng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ heo sọc dưa (4 con/hộ) và hướng dẫn cách chăn nuôi. Gia đình làm chuồng nhốt heo và khoanh một góc vườn để heo hoạt động theo đặc tính. Nuôi heo theo hướng dẫn của cán bộ, heo của gia đình phát triển tốt và sinh sản đều.
|
“Từ heo giống được hỗ trợ, gia đình nuôi làm nái. Heo sinh sản, năm 2022, gia đình bán 25 con heo con cho các hộ làm giống, thu về 30 triệu đồng. Và mấy tháng đầu năm nay, gia đình lại tiếp tục bán 30 con heo con, thu 30 triệu đồng. Nuôi heo sọc dưa, gia đình có thêm một khoản thu nhập để nâng cao đời sống”- ông A Weo tự hào, bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hữu chia sẻ, heo sọc dưa là heo rừng lai đã được thuần hóa, có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh và phù hợp với cách chăn nuôi của người dân địa phương. Heo sọc dưa có giá bán cao, thịt là thực phẩm thơm ngon, người tiêu dùng ưa thích. Để giúp người dân gầy dựng lại đàn heo, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ cho 20 hộ đồng bào DTTS ở xã 80 con heo sọc dưa làm giống. Người dân được hỗ trợ heo đối ứng bằng việc làm chuồng nuôi nhốt heo và nuôi heo theo hướng dẫn. Qua việc hỗ trợ phát triển nuôi heo sọc dưa, nhiều hộ gia đình nuôi heo thành công, gia đình ông Weo là một trong số đó. Đàn heo ở xã đang tăng trưởng là nhờ heo sọc dưa.
Tiếp tục tìm hiểu việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở xã Sa Bình, tôi gặp ông A Át - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khúc Na. A Hát hồ hởi cho hay, bên cạnh việc tiếp tục việc chuyển đổi các cây trồng truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, sang các loại cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao (mì cao sản, cao su, cà phê…), người dân làng Khúc Na hiện đang phát triển thêm những mô hình cây ăn quả (sầu riêng, mít Thái, bơ) và nuôi gia súc có chuồng trại (bò, heo sọc dưa) đang vươn lên có cuộc sống ổn định và khá giả. Điển hình như hộ gia đình A Lẽo, A Thiểu, A Đang, A Thoai có thu nhập 350-500 triệu đồng/năm.
Và qua tìm hiểu, tôi còn được biết chính ông A Át cũng là người có thu nhập cao, không thua kém các gương sản xuất giỏi nêu trên và luôn gương mẫu đi đầu để người dân làm theo.
|
Không nói nhiều về mình, ông A Át dẫn tôi đến thăm hộ gia đình A Thoai. Đang chăm sóc vườn cây ăn quả, A Thoai phấn khởi khoe: Thực hiện chủ trương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gia đình cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng 1 ha cây ăn quả (sầu riêng, chôm chôm, mít Thái, mít Malaysia). Cây sầu riêng gia đình trồng chưa đầy ba năm đã cho quả bói.
Vừa nghe nói, vừa nhìn theo tay A Thoai chỉ, tôi thấy cây sầu riêng với những chùm hoa, quả chi chít. Còn mít Thái, mít Malaysia thì cây nào cây nấy cũng treo lủng lẳng quả. Theo A Thoai, cây ăn quả đang tạo ra những cơ hội mới cho gia đình có thêm nguồn thu trong những năm đến. Hiện nay, gia đình anh có 5ha cao su, 2ha mì cao sản. Việc sản xuất chủ yếu do vợ đảm nhiệm, bản thân là giáo viên nên A Thoai chỉ hỗ trợ kỹ thuật và phụ việc vợ trong những ngày nghỉ. Thế nhưng, tổng thu nhập gia đình A Thoai 400 triệu đồng/năm.
Ông Giả Tấn Đạt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, ngoài việc tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình từ những năm trước, trong những năm gần đây, UBND huyện hỗ trợ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm thực hiện các mô hình nuôi heo sọc dưa, trồng cây ăn quả (mít, sầu riêng, bơ) và cây mắc ca ở nhiều địa phương. Qua đánh giá bước đầu, cây ăn quả sinh trưởng tốt, thích nghi và phù hợp với điều kiện của địa phương và đang được người dân nhân rộng. Mô hình heo sọc dưa phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện chăn nuôi của người dân. Ở các hộ nuôi heo sọc dưa theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn heo sinh trưởng tốt, góp phần tăng tổng đàn.
Theo bà Y Sâm - Phó Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng đang tạo ra những động lực mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên