Giá trị của hoa
Giá trị của hoa không chỉ ở sắc đẹp, mà còn ở hương thơm. Ở những ngôi làng cheo leo vách núi, vẫn có những “bông hoa”- những phụ nữ bình thường- đang lặng lẽ tỏa hương, làm đẹp thêm Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Trưa 20/10, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị Y.T, một phụ nữ ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Cuộc gọi của chị làm tôi bất ngờ, bởi hơn 3 năm rồi chúng tôi không liên lạc.
Chị cho biết mới xuống đến thành phố Kon Tum. “Chiều nay em sẽ đi gặp gỡ một số khách hàng để đặt mối tiêu thụ sâm dây. Nghe nói nếu đem xuống dưới này bán sẽ được giá hơn bán tại chỗ, vì không bị ép giá”- chị nói.
Ngày khác không đi, sao lại đi đúng ngày 20/10? Tôi đùa. Chị cười: 20/10 ấy à, vẫn phải làm việc như ngày thường thôi. Chẳng lẽ hủy lịch hẹn để tổ chức kỷ niệm? Không gặp được đối tác là thiệt hại lớn đó.
Tôi mời chị ăn trưa. Chúng tôi nói chuyện về lần gặp đầu, và tôi nhận ra, người phụ nữ đang ngồi trước mặt đã thay đổi nhiều lắm.
Gặp chị lần đầu, tôi ấn tượng với dáng người gầy gò, ánh nhìn ủ dột lấp ló dưới vành nón vải rộng. Trên chuyến xe từ huyện vào xã Măng Ri, chị Y.T ngồi nép vào lưng một chị khác, thỉnh thoảng vặn đôi bàn tay đen đúa, xương xẩu vào nhau.
Hôm ấy, 2 chị ra bệnh viện huyện thăm người nhà ốm. Đang trên đường về thì xe hư, trời lại tối, may mà gặp chiếc xe bán tải của chủ tịch xã Nguyễn Bá Thành chở tôi từ huyện vào, nên vẫy đi nhờ, xe gửi lại nhà bà con bên đường.
Con đường vòng qua những triền núi, nhiều đoạn đã xuống cấp, một số đoạn khó đi do ảnh hưởng mưa bão, xóc nảy tung cả người. Trong khi bạn đồng hành vui vẻ trò chuyện, thì suốt chặng đường, chị Y.T luôn có vẻ bồn chồn, lo lắng.
Trong câu chuyện đứt quãng bởi những cú xóc nảy, tôi hình dung ra ngôi làng cheo leo sườn núi. Ở nơi ấy, đàn ông đi làm rẫy kiếm tiền uống rượu và đong gạo. Ở nơi ấy, đàn bà mải miết kiếm củi, trỉa bắp, trên đường đi vẫn chăm chắm tìm hái nắm rau rừng về luộc chấm muối trong bữa cơm chiều.
Ở nơi ấy, mấy năm về trước, không có nhiều người biết ngày 20/10 là ngày gì. Càng không biết đến chuyện phụ nữ Việt Nam thường được tặng hoa và quà vào ngày này.
Trước đây Y.T cũng đâu có biết, vì bỏ học từ khi mới nhận đủ mặt chữ cái, đủ tuổi đăng ký kết hôn là lấy chồng. Sau này, khi biết đó là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam, khác với ngày 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ, Y .T cũng chỉ để trong bụng.
Nên khi được hỏi vui, ngày 20/10 năm nay, chồng có tặng quà gì không? Quà ấy à. Làm gì có tiền mà mua- Y.T giấu mặt vào lưng bạn, lí nhí hỏi lại.
Hoàn cảnh Y.T tội lắm. Chồng lười lao động, lại nghiện rượu, say xỉn suốt ngày, mỗi lần say rượu lại đánh con, đuổi vợ, chẳng chịu khó đi rẫy như đàn ông trong làng- chị bạn ngậm ngùi.
Những cơn gió phóng túng rào rạt thổi qua từng khe núi, nhưng không thể cuốn đi những phiền muộn trong lòng Y.T. Tôi biết rõ điều ấy.
Nhưng bây giờ, ngồi trước tôi là một Y.T khác. Hoạt bát và tự tin, cuộc trò chuyện cho tôi thấy một Y.T như thế.
Rõ ràng không phải là Y.T mà tôi từng biết nữa”- tôi đùa. Chị cười, đùa lại: Khác rồi. Cuộc sống nay khá hơn nhiều. Con người cũng phải thay đổi thôi, giống như trước không biết, nay biết ngày 20/10 khác ngày 8/3, và ngày này, chị em phụ nữ thường được chúc mừng vậy.
|
Cũng trong năm 2018, cùng một số hộ dân khác trong làng, gia đình Y.T được tham gia đề án phát triển cà phê xứ lạnh; được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê; được cấp hơn 2.200 cây giống và các loại phân bón. Với số giống này, Y.T trồng được 5 sào cà phê xứ lạnh, năm ngoái đã cho thu bói.
Y.T còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua một con bò; rồi tham gia trồng sâm dây trên 5 sào đất còn lại.
Mừng nhất là chồng Y.T dần dần bỏ rượu, chăm chỉ làm ăn, gần như dồn hết thời gian cho việc chăm bẵm vườn cà phê và rẫy sâm dây. Y.T chỉ việc chăm sóc bò và đem sâm dây xuống xã bán.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, Y.T còn miệt mài tham gia vận động, hướng dẫn chị em phụ nữ trong làng, trong xã thay đổi nếp nghĩ, biết cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dạo này, giá thu mua sâm dây tại xã không ổn định, lượng tiêu thụ thấp, nhiều gia đình không dám thu hoạch. Được một chị “mách nước”, Y.T quyết định xuống thành phố Kon Tum liên hệ, tìm đầu ra.
Em gọi cho anh, cũng là muốn nhờ anh giúp bà con tìm mối tiêu thụ- chị ngại ngùng nói.
Tất nhiên là tôi đồng ý, rồi hỏi vui: Đi suốt như thế, chị có chế độ bồi dưỡng gì không? Chị cười: Chế độ “bồi dưỡng” cho bọn em là những đêm đội đèn pin đi thăm heo đẻ; những buổi trưa lội bộ hàng chục cây số để vào rẫy tìm chị em để hướng dẫn cách xuống giống sâm dây; là hàng giờ ngồi chờ chị em đi rẫy về để vận động vay vốn phát triển chăn nuôi.
Bỗng nhiên, tôi thấy xấu hổ với câu hỏi của mình!
Ở bàn bên, đang diễn ra màn tặng hoa, trao quà và chụp ảnh khá tươi vui của một số bạn trẻ. Còn bên này, chị Y.T và tôi đang chúi đầu vào danh bạ điện thoại, nhưng người mà tôi quen biết, có khả năng mua với số lượng lớn.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng dịch vẫn đang được siết chặt nên không khí đón mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng có sự thay đổi. Vắng bóng những kế hoạch tổ chức "hoành tráng"; những chuyến đi chơi đây đó hay tiệc tùng, nhưng mạng xã hội như zalo, facebook vẫn tưng bừng lời chúc hay và hoa đẹp.
Trên các tuyến phố chính ở thành phố Kon Tum vẫn tràn ngập hoa tươi, được thiết kế công phu, rực rỡ nên hút mọi ánh nhìn.
Những bông hoa kia rất đẹp. Nhưng giá trị của hoa không chỉ ở sắc đẹp, vẻ tươi tắn, mà còn ở hương thơm.
Ở vùng sâu vùng xa, luôn có những bông hoa- như chị Y.T- đang lặng lẽ tỏa hương, làm đẹp thêm Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Thành Hưng