Giữ gìn bản sắc, khơi gợi tự hào
Tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XII diễn ra chiều 28/4, với 100% đại biểu tán thành, Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Kon Tum năm 2025 đã được thông qua. Một trong những nội dung đáng chú ý nhận được sự đánh giá cao của đại biểu và người dân là việc đặt tên cho các xã, phường sau sáp nhập khi các tên gọi được gắn liền với yếu tố lịch sử và văn hóa.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm góp phần thực hiện đổi mới, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước và tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Từ 102 xã, phường, sau khi sắp xếp tỉnh Kon Tum còn 40 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 phường, 37 xã.
Điều đáng nói, trong quá trình sắp xếp, các cấp, ngành không chỉ chú ý tới việc đảm bảo các yêu cầu về quy mô dân số và diện tích theo quy định pháp luật mà việc chọn tên gọi cũng được đặc biệt chú trọng. Ngoài 4 xã không thực hiện sắp xếp được giữ nguyên tên gọi thì 98 đơn vị thuộc diện sắp xếp phải chọn ra các tên gọi mới.
|
Trên địa bàn tỉnh có nhiều xã, phường mang tên gọi từ lâu đời, gắn liền với quá trình mở đất, lập làng, đời sống sinh hoạt của các dân tộc BaNa, Xơ Đăng, Gia Rai, Gié -Triêng…Trong khi đó, số lượng các đơn vị hành chính xã mới còn ít nên việc lựa chọn giữ lại hay đặt tên mới như thế nào là vấn đề không hề dễ dàng. Bởi tên xã, phường mới phải đảm bảo thỏa mãn nhiều yếu tố như tính kế thừa, phản ánh đúng lịch sử, địa lý, văn hóa, tạo thuận lợi cho giao dịch hành chính; đồng thời, phải nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thực tế ở một số địa phương trong cả nước, khi xây dựng phương án đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập một cách cứng nhắc, mang tính cơ học đã vấp phải không ít phản ứng của người dân. Sau đó, các địa phương đã phải tìm ra những tên gọi mới vừa thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa, truyền thống, vừa đảm bảo ngắn gọn, hài hòa.
|
Phải khẳng định rằng, việc đặt tên mới cho các xã, phường rất khó để thỏa mãn hết mong muốn, nguyện vọng của mọi người. Nhưng với cách làm khoa học dựa trên nguyên tắc pháp lý và giá trị văn hóa – lịch sử, dân chủ trên cơ sở lắng nghe tiếng nói từ nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cân nhắc, lựa chọn những tên gọi hợp lý, ý nghĩa, được phần lớn người dân ủng hộ. Có những tên xã, phường được đặt trên cơ sở giữ lại tên của một địa phương, thể hiện đậm nét yếu tố lịch sử, địa danh, văn hóa các DTTS như: Đăk Rơ Wa, Đăk Cấm, Đăk Ui, Ngọc Linh, Măng Bút, Măng Ri…Nhưng cũng có những cái tên mới xuất hiện, thay vì chỉ giữ tên một đơn vị cũ, các địa phương đã bàn bạc để tìm ra tên chung phù hợp hơn, phản ánh đặc điểm địa lý, thể hiện được tinh thần đoàn kết và gắn liền với với lịch sử các vùng đất như: Phường Kon Tum được thành lập trên cơ sở nhập các phường Quyết Thắng, Quang Trung, Thống Nhất, Thắng Lợi và Trường Chinh (thành phố Kon Tum); phường Đăk Bla trên cơ sở nhập các phường Nguyễn Trãi, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum); xã Dục Nông hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đăk Dục, xã Đăk Nông và xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi); xã Kon Braih thành lập trên cơ sở nhập các xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re và Tân Lập (huyện Kon Rẫy); xã Kon Plông trên cơ sở nhập các xã Hiếu, Pờ Ê và Ngọk Tem (huyện Kon Plông).
Việc đặt tên các xã, phường sau sáp nhập lại trên địa bàn tỉnh cho thấy sự tôn trọng ký ức, tôn trọng người dân và văn hóa của mỗi vùng đất. Những tên gọi xã, phường mới không đơn thuần là một “danh xưng”, ký hiệu địa lý mà còn là biểu tượng tinh thần, niềm tự hào và gắn kết cộng đồng; mở ra một chương mới trong hành trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thùy Hương