Hàng giả và niềm tin
Ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay (15/4-15/5) với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” thì câu chuyện hàng giả, trong đó với hàng loạt những mặt hàng liên quan đến thực phẩm như sữa giả, thực phẩm chức năng giả, bột ngọt giả, bột nêm giả, dầu ăn giả… lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết.
Không nóng sao được khi theo quy luật sinh tồn, hằng ngày, mỗi người vẫn phải sử dụng rất nhiều loại đồ ăn, thức uống khác nhau. Người thì ốm đau, khó hấp thụ dinh dưỡng nên hằng ngày phải bổ sung thêm các loại sữa, các loại thực phẩm chức năng. Người thì muốn cho bữa cơm thêm đậm đà hương vị thơm ngon phải nêm nếm nào là bột ngọt, bột nêm, dầu ăn đủ các loại…
Điều đáng buồn là những tưởng những thức, những vị đó sẽ bồi bổ cho sức khỏe, thêm hương thêm vị đậm đà cho mỗi bữa cơm lại trở thành mối hoài nghi và đi cùng với đó là bao lo toan, bao giận dữ. Sữa giả, thuốc giả, gia vị giả, dầu ăn giả… trở thành “sát thủ thầm lặng” đã khiến cho không chỉ cánh phụ nữ chuyên lo cơm ăn nước uống cho gia đình mà đến cả cánh đàn ông vốn được cho “chỉ lo công to việc lớn”, thậm chí cả con trẻ cũng trở nên hoài nghi, lo lắng, soi xét.
Mới đây, ngay khi Bộ Công an công bố danh sách các sản phẩm sữa thu giữ trong đường dây sữa giả, nhiều gia đình không khỏi giật mình vì đã mất bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu tháng ngày tin tưởng, sử dụng những loại sữa giả đó. Câu chuyện của chính gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Khi có người thân bị bệnh nan y, qua sự giới thiệu của những người từng sử dụng, đã đều đặn mua sữa (loại thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) với mong muốn bổ sung thêm dinh dưỡng cho người thân vượt qua những đớn đau của bệnh tật. Nhưng, bổ sung dinh dưỡng đâu chẳng thấy, tiền đã mất, tật không chỉ vẫn mang, mà ngày càng còn mang nặng hơn. Trong muôn nỗi đau buồn, gia đình không chỉ bức xúc vì mất không ít tiền thật để mua lấy hàng giả, mua lấy sự thất vọng, mà còn là nỗi day dứt, ăn năn với người thân của chính mình.
Bức xúc trước vấn nạn hàng giả, thực phẩm giả, nhiều người trở nên hoài nghi trước nhiều loại thực phẩm khác. Thậm chí có người ngoài những thức, những vị cần thiết trong cuộc sống hằng ngày đã trở nên cực đoan quay lưng lại với những thức, những vị mang tính chất bổ sung, hỗ trợ. Đơn giản vì ai nấy đều lo ngại khi bao nhiêu hàng giả bị phát giác trong thời gian qua nếu nhìn bằng mắt thường chẳng thể nào phân biệt nổi, từ bao bì cho đến nhãn mác đều trông như thật. Nên biết đâu trong hằng hà sa số những thực phẩm, những gia vị đang được bày bán ngay ngắn, bắt mắt trên những hàng, những kệ đã được những đôi bàn tay phù phép, tìm mọi cách qua mắt ngành chức năng mang đi bán khắp nơi. Thôi thì, kĩ càng một chút, không để tiền mất, tật lại mang.
Chưa nói đến chuyện những loại sữa, thuốc, gia vị giả vừa bị phát hiện được sản xuất với quy trình như thế nào, hành trình đưa ra thị trường ra sao vì đang được lực lượng chức năng điều tra và có hướng xử lý, nhưng đã là hàng giả thì ắt chất lượng cũng giả, ăn vào, uống vào dễ sinh ra họa. Nhiều, rất nhiều người tiêu dùng đã trở nên nghi ngờ, lo ngại, cảnh giác. Và tất yếu là khi tìm mua, sử dụng các loại thực phẩm đều bằng ánh mắt nghi ngờ, soi xét, kiểu như không kĩ càng lỡ đâu hàng nọ, thức kia dù nhãn mác đầy đủ đó, dù bao bì bắt mắt đó, nhưng cũng là giả nốt.
Điều gì khiến người tiêu dùng lo xa đến vậy? Sự lo xa, nghi ngờ, mất niềm tin ấy không phải là không có lý. Chẳng phải, bao nhiêu vụ việc thật- giả lẫn lộn trong nhiều năm qua đã được ngành chức năng phát hiện, xử lý hay sao. Đã thế, cả tháng nay, lại thêm chuyện sữa giả, thuốc giả, bột ngọt giả, bột nêm giả, dầu ăn giả... Vàng thau lẫn lộn, thế là niềm tin bị tan vỡ. Người tiêu dùng trở nên soi xét, khó tính hơn cũng là chuyện thường tình.
Để rồi, nhằm “qua mắt” những người tiêu dùng soi xét, khó tính, những nông dân, những tiểu thương, những cơ sở sản xuất kinh doanh lại tìm cách “lừa gạt” một chút, gian dối một chút hòng bán được nhiều hơn và tất nhiên lợi nhuận cũng sẽ cao.
Trong vòng luẩn quẩn ấy, dù ngày nay thực phẩm các loại không thiếu, đồ ăn thức uống cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều nhưng không ít người tiêu dùng mỗi sáng mai lại trở nên lẩn thẩn: Mua gì cho an toàn đây? Mua gì cho khỏi giả đây?
Băn khoăn là vậy, thế nhưng, theo quy luật sinh tồn, hằng ngày, mỗi người vẫn phải sử dụng rất nhiều loại đồ ăn, thức uống khác nhau. Trong đó, nếu không cẩn thận có cả những sản phẩm giả, những sản phẩm thiếu an toàn và hệ quả tất yếu là rước bệnh vào người từ lúc nào chẳng hay.
|
Vấn đề hàng giả, thực phẩm giả, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đến bao giờ mới hết “nóng”? Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng có lẽ không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Làm sao để người tiêu dùng kịp thời nắm bắt được thông tin, phân biệt được thực phẩm an toàn- không an toàn, thật - giả một cách trực quan, nhanh chóng? Làm sao để trên địa bàn tỉnh ngày có nhiều điểm bán hàng uy tín với các mặt hàng có đầy đủ các chứng nhận kiểm nghiệm nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm? Làm thế nào để mỗi người tiêu dùng phải là một người tiêu dùng thông thái, dù biết rằng để trở thành một người tiêu dùng thông thái không phải là dễ và không phải ai cũng làm được?
Hàng loạt câu hỏi đó rất cần được các ngành chức năng quan tâm giải đáp, có lẽ không chỉ dừng lại trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm này.
Nguyên Phúc