Hạnh phúc không ở trên cao
Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ đến H- một người bạn đặc biệt của tôi. Em mới ra đi, sau nhiều năm chiến đấu với AIDS, từng được mệnh danh là “căn bệnh thế kỷ”.
Cách đây chưa lâu, khi gặp nhau, dù khá mệt mỏi, nhưng cô vẫn cười, tiếng cười trong như chuông bạc: Em còn khỏe lắm.
Câu nói này đã trở nên quen thuộc với tôi, kể từ khi quen biết H. 4 năm trước, tôi tìm đến nhà cô ở một xã vùng ven, theo giới thiệu của một nhân viên y tế làm nhiệm vụ quản lý, tư vấn bệnh nhân HIV/AIDS (tất nhiên là đã có sự đồng ý của H.).
Ngôi nhà nhỏ, hơi ẩm thấp, nằm rìa làng, giáp với rừng cao su. Gặp H. lần đầu, tôi ấn tượng với cái đầu trọc bóng, được giấu lấp ló dưới vành mũ vải rộng.
Bộ anh thấy lạ lắm à- H. hỏi, rồi cười. Tiếng cười ấy đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn.
H. đã chiến đấu với căn bệnh mười mấy năm trời. Vì mặc cảm, tự ti nên giấu bệnh, không chịu chạy chữa sớm nên bệnh của H. tiến triển thành AIDS.
Câu chuyện hôm ấy kéo dài lắm. Lần đầu tiên tôi thấy một người mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà lại cởi mở, hòa đồng, lạc quan đến vậy. Thậm chí, cô còn nghĩ trước về ngày mình ra đi.
H. muốn tôi ghi rõ tên, địa chỉ của cô trong bài viết. Dù sau đó, vì đạo dức nghề nghiệp và các quy định khác ràng buộc, tôi không cho phép mình làm điều ấy, nhưng tôi rất phục cô.
Mấy năm qua, H. tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, xã hội xóa bỏ tư tưởng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Vận động những người đồng cảnh ngộ không nên vì lo sợ bị phân biệt đối xử mà giấu giếm, không dám đi đến cơ sở y tế để điều trị.
Cô còn trở thành “nhà tư vấn” cho những người cùng cảnh về kinh nghiệm “sống chung an toàn với HIV”. Qua điện thoại, qua zalo (nhóm kín), cô cố gắng lan tỏa ý nghĩa sống tích cực, tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu với bệnh tật.
“Dù HIV chưa chữa khỏi được. Nhưng bây giờ, với các loại thuốc phù hợp, cùng với lối sóng tích cực, lạc quan, an toàn, người bị nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ mà không bị tiến triển thành AIDS”- tôi đọc những lời H. viết cho một bệnh nhân mới.
Do các loại thuốc HIV hiện đã có sẵn nên rất nhiều người có thể sống hàng thập kỷ với HIV và có tuổi thọ bình thường hoặc gần như bình thường. Bạn có thể ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS bằng cách đi khám bác sĩ thường xuyên, uống thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ- H. viết cho một người khác.
Trong một lần ngỏ ý nhờ H. cho tôi gặp thêm “những người bạn cùng cảnh”- như cách em gọi, để lấy thêm tư liệu viết bài cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, H. lắc đầu: Không mấy ai giống em đâu, họ không muốn gặp “người bình thường”.
Gian nan nhất là chiến đấu với chính mình và vượt qua sự kỳ thị của những người xung quanh. Nhiều lúc em thấy mình như cánh chim bay trong bão ấy- H. nói.
Rồi H. chìa cánh tay có những vết lở trên lớp da trắng xanh, hỏi tôi: Anh có sợ không?
Anh không sợ- tôi lắc đầu. Nếu sợ, anh đã không đến đây. “Nhưng có nhiều người sợ em, hay đúng hơn là né tránh, kỳ thị em”- H. nói nhỏ.
Tôi thấy nhói trong lòng. Vì sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, nên người nhiễm HIV/AIDS giấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, sống cô độc, tự kỳ thị với chính bản thân mình.
Nhưng bây giờ thì “cánh chim bay trong bão” ấy đã không vỗ nữa.
Tôi nhớ đến dòng chữ kẻ trên tường, nơi H. ngồi: Hạnh phúc ở đâu đó, trên cao lắm. Nhìn có thể thấy, mà với không tới, nắm không được. Cô từng giải thích: Em viết cho mình, và những người như mình.
Ngày hôm qua, tôi tình cờ đọc báo cáo của ngành chức năng về phòng, chống dịch bệnh, và chú ý đến một dòng “lũy tích đến ngày 31/10/2021, tổng số nhiễm HIV/AIDS là 538 người, trong đó tử vong 195 người”. Hẳn rằng trong số ấy có H.
Cũng báo cáo ấy cho biết, trong tháng 10/2021, tỉnh Kon Tum ghi nhận 3 ca nhiễm HIV mới, tiếp tục đà giảm. Theo đánh giá của ngành chức năng, dù dịch HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn diễn biến phức tạp, nhưng đang trên đà kiểm soát, biểu hiện cụ thể là giảm số người lây nhiễm, giảm số người chết do AIDS.
Cho đến nay, Kon Tum là một trong những tỉnh đạt tỷ lệ 100% số người nhiễm HIV/AIDS điều trị thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Việc mở rộng mạng lưới cơ sở điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV đem lại kết quả khả quan, với đa số bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng không lây truyền qua đường tình dục; tỷ lệ kháng thuốc trước điều trị ở mức thấp.
|
Cùng với hệ thống văn bản chuyên ngành không ngừng được hoàn thiện là hệ thống mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS được thành lập và nâng cao. Hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả; hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV không ngừng được mở rộng và đa dạng.
Điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng, chất lượng điều trị đáp ứng yêu cầu; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao. Nguồn lực tài chính dành cho phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm.
Và tôi muốn nhấn mạnh rằng, chấm dứt dịch bệnh AIDS không chỉ là quyết tâm nữa, mà đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 4710/KH-UBND ngày 23/12/2020 triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Trong số các nhóm giải pháp, có nội dung khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều người như H. sẽ được tạo điều kiện để tham gia sâu hơn vào cuộc chiến ngăn chặn HIV/AIDS, cũng như xóa bỏ sự kỳ thị.
Trên cái bàn nhỏ bên cửa sổ, nơi H. thường ngồi nhìn ra vườn rau xanh mướt, có một cuốn sổ nhỏ, ngoài bìa là dòng chữ nắn nót “Nhật ký của H”. Mẹ H. đã quyết định giữ lại cuốn sổ, sẽ luôn đặt trên bàn, như những ngày qua, khi em ngồi viết mỗi sáng.
Lần giở những trang giấy mỏng manh, tôi biết, trước khi ra đi, H. đã có những tháng ngày hạnh phúc, bên người thân, bên bạn bè.
Vậy là hạnh phúc không ở trên cao, H. nhỉ!
Hồng Lam