“Hồi kết” cho tín dụng đen?
Thời gian qua, dù quyết liệt hay âm thầm, thì công tác đấu tranh ngăn chặn, xóa bỏ hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao; được các cấp chính quyền, các ngành chức năng triển khai thường xuyên, liên tục.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, từ giữa năm 2019, cuộc chiến với tín dụng đen ở tỉnh ta đã được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.
Lẽ tất nhiên, đây là cuộc chiến phức tạp, khó khăn!
Để thống nhất nhận thức và hành động, Tỉnh ủy, UBND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22/7/2019; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1950/KH-UBND ngày 31/7/2019 về triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh thành lập Tổ Công tác liên ngành; các ngành chức năng cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể, theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
|
Với phương châm “Lấy phòng ngừa là chính”, các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Thường xuyên cập nhật, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội để người dân biết, nâng cao cảnh giác; tổ chức tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định, nhất là các quảng cáo liên quan đến kinh doanh tài chính, cho vay lãi nặng.
Lực lượng Công an các cấp tăng cường triển khai thực hiện công tác kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi, răn đe, giáo dục… số đối tượng là người đại diện theo pháp luật các công ty tài chính, chủ các cơ sở cầm đồ, cơ sở hoạt động cho vay tiền trên địa bàn và đối tượng có biểu biện nghi vấn cho vay lãi nặng, đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền... nhằm chấn chỉnh, thu thập danh sách, nhân thân, lai lịch phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý theo đúng quy định.
Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động trung gian tiền tệ, hoạt động cấp tín dụng khác… để có phương án phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
|
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng, đa dạng các hình thức cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Song song với phòng ngừa, công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen được triển khai quyết liệt. So với các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được đánh giá là địa phương đấu tranh, xử lý hoạt động tín dụng đen quyết liệt nhất.
Trong quá trình nắm địa bàn, nắm hộ, lực lượng chức năng chú trọng đến các địa bàn trọng điểm, tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính và nơi nghi vấn có các đối tượng cho vay, đòi nợ thuê tạm trú; yêu cầu viết cam đoan, cam kết không hoạt động cho vay, đòi nợ thuê trái phép và không vi phạm pháp luật.
Có thể nói, qua 2 năm triển khai, cuộc chiến với hoạt động tín dụng đen đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, không còn diễn ra rầm rộ, công khai; các hành vi siết nợ, đòi nợ gắn với sử dụng bạo lực, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… đã giảm đáng kể.
|
Cơ quan Công an phát hiện, đấu tranh, xử phạt 7 đối tượng về hành vi dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dưới hình thức cầm cố giấy tờ xe mô tô; răn đe, giáo dục 4 đối tượng chuyên đi thu tiền góp hụi. Phát hiện, triệt phá 2 tụ điểm hoạt động tín dụng đen. Bắt, khởi tố 1 vụ/1 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố 1 vụ/1 bị can về hành vi bắt giữ người trái pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng.
Gần đây nhất, ngày 5/5/2021, Công an thành phố Kon Tum đã phát hiện và tạm giữ 2 đối tượng Lại Tuấn Anh (sinh năm 2000, trú tại xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) và Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1996; quê quán: Hùng Tiến, Kim Sơn, Ninh Bình) cùng một số giấy tờ có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận đã tổ chức cho vay lãi nặng trên địa bàn thành phố Kon Tum từ cuối năm 2020 đến nay. Các đối tượng giữ sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị để cho khách hàng vay tiền.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù không còn hoạt động công khai, rầm rộ như trước, nhưng tín dụng đen vẫn tiếp tục tồn tại, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bằng chứng là ở nhiều địa phương, tình trạng dán tờ rơi quảng cáo, rao vặt liên quan đến tín dụng đen chưa được xử lý triệt để; hoạt động cho vay thường diễn ra kín đáo, ở nhiều địa điểm, qua mạng xã hội để che giấu các giao dịch, giấy tờ liên quan.
Theo số liệu mới nhất từ cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 5 công ty tài chính, 9 cơ sở cầm đồ và 59 đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng.
Có thời điểm, hoạt động tín dụng đen diễn biến khá phức tạp, đặc biệt hình thức cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng điện thoại (app), dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền mặt chỉ cần giấy tờ ô tô, xe máy, sổ hộ khẩu- báo cáo số 172/BC-UBND ngày 22/6 của UBND tỉnh đánh giá.
Đáng chú ý, tín dụng đen thường gắn với các hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật, như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích; hủy hoại tài sản; gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải trước cửa nhà; kéo đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ. Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, để triệt bỏ tín dụng đen, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương, các bộ, ngành đến địa phương. Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương cần rà soát, sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế, tạo nên kẽ hở để các đối tượng vi phạm lách luật, nhất là chế tài xử lý vi phạm và cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Lực lượng Công an các cấp cần tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát lên danh sách và lập hồ sơ quản lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm có tổ chức, có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, các băng nhóm tội phạm lợi dụng hoạt động cho vay nặng lãi để hoạt động phạm tội; các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ vai trò của các công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động cấp tín dụng khác.
Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra đối với các hành vi của các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh “tín dụng đen”, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quần chúng nhân dân phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến tín dụng để mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác.
Và quan trọng nhất, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và vận động toàn dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Tin rằng, khi mỗi người dân đều biết, hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn; tích cực tham gia tố giác các đối tượng có liên quan đến tín dụng đen sẽ là lúc hoạt động phi pháp này đi vào “hồi kết”.
Hồng Lam