Khơi dậy khát vọng vươn lên của hộ nghèo
“Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian đến của Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/8/2016 của Tỉnh ủy “về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020”. Khi vẫn còn những người nghèo không muốn thoát nghèo, khi người nghèo vẫn tư tưởng trông chờ, ỷ lại..., thì giải pháp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
1. Người nghèo không muốn thoát nghèo đó là thực trạng hiện nay ở các khu dân cư. Lý do nghe có vẻ ngược đời. Ai chẳng muốn gia đình mình phải ngày càng khấm khá, ấm no, đủ đầy, ai lại mãi “thích nghèo”(?!). Nhưng đó là một thực tế không thể phủ nhận, dẫu không phải tất cả nhưng lại là tâm lý chung của phần nhiều hộ nghèo. Vì sao lại như vậy? Vì nghèo sẽ đi cùng với một số lợi ích thiết thân ngay trong cuộc sống hàng ngày. Hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; con đi học được miễn giảm học phí, được hỗ trợ sách, vở; là đối tượng hàng đầu ở các khu dân cư được quan tâm xét duyệt các nguồn hỗ trợ như cây, con giống; được vay các nguồn vốn ưu đãi… Hàng loạt khoản lợi trước mắt nên người nghèo thích giữ “danh hiệu nghèo”.
Chính tâm lý “thích nghèo” để níu giữ, thụ hưởng một số chính sách lại là lực cản lớn khiến người nghèo mãi không thể thoát nghèo. Nếu người nghèo vẫn “thích nghèo” thì sẽ thiếu đi sự nỗ lực để thoát nghèo. Vẫn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vẫn không chịu khó làm ăn để tự mình có thể tự lực cánh sinh mà mãi dựa dẫm vào sự hỗ trợ. Vẫn lười lao động, đủng đỉnh với mùa vụ, với ruộng đồng; vẫn say sưa bù khú trong những cuộc nhậu triền miên… Khi “phong trào” ăn chơi, đủng đỉnh đi lên thì tất yếu phong trào làm ăn sẽ đi xuống, nghèo vẫn mãi hoàn nghèo.
|
Nếu chính hộ nghèo mãi ở trong vòng luẩn quẩn: lười biếng, đông con, rượu chè - nghèo - thụ hưởng các hỗ trợ - thích nghèo - để được thụ hưởng hỗ trợ - và lại nghèo… thì thoát nghèo vẫn mãi là chuyện khó. Lấy ví dụ từ việc các hộ nghèo được tham gia các mô hình giảm nghèo. Dẫu đã có sự chọn lựa để đảm bảo hộ nghèo có năng lực tham gia, dẫu đã được hướng dẫn chu đáo về kỹ thuật, cách thức chăm sóc các loại cây mới nhưng trên thực tế vì thiếu sự chăm chỉ, khó khăn trong việc tiếp nhận những cái mới… nên không ít mô hình chưa phát huy hiệu quả. Được hỗ trợ nguồn lực, được cầm tay chỉ việc, nhưng vì thiếu ý thức vươn lên, thiếu đi sự học hỏi nên khi không có sự hỗ trợ, không có người trực tiếp hướng dẫn thì không thể tự triển khai thực hiện mô hình trong giai đoạn tiếp theo.
Trong phân loại nguyên nhân dẫn đến nghèo mà ngành chức năng thực hiện qua các năm thì số hộ nghèo vì lý do ốm đau bệnh tật, vì thiên tai bất khả kháng… lại chiếm rất ít so với các nguyên nhân khác như lười biếng, đông con, rượu chè… Nói như vậy để thấy nguyên nhân dẫn tới nghèo phần lớn là mang yếu tố chủ quan của chính hộ nghèo. Bởi cho dù chính sách hỗ trợ hộ nghèo hết sức ưu việt nhưng bản thân hộ nghèo không biết lấy đó làm động lực, thiếu đi sự nỗ lực phấn đấu thì thoát nghèo khó bền vững, dễ dẫn đến tái nghèo và tất yếu vẫn mãi thích được nghèo
2. Thực tế phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh sinh sống ở các vùng khó khăn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên có những hạn chế nhất định về nhận thức, khó tiếp cận các mô hình sản xuất mới, thu nhập thiếu bền vững. Nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ công tác giảm nghèo sẽ thiếu đi sự bền vững.
Chỉ khi người nghèo khát vọng thoát nghèo thì họ mới có sự nỗ lực, có ý thức học hỏi trong việc tiếp nhận thông tin, tiếp nhận các mô hình, kỹ thuật sản xuất mới để áp dụng. Khi người nghèo khát vọng thoát nghèo sẽ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước để sử dụng, mà biết tận dụng nguồn lực hỗ trợ để làm “bệ đỡ” cho sự phát triển của kinh tế gia đình. Và khi biết khát vọng, người nghèo sẽ dành nhiều thời gian hơn cho ruộng rẫy, chăm chút vào mô hình được hỗ trợ, làm sao mang lại hiệu quả cao để còn mở rộng mô hình, hướng đi trong thời gian đến.
|
Lâu nay chúng ta hay mượn hình ảnh hết sức gần gũi, cụ thể là trao “cần câu” hay “con cá” cho hộ nghèo. Và hiểu theo hình ảnh ví von ấy, vì nguồn lực có hạn, nếu trao “con cá” thì chỉ có thể trao 1-2 con, còn trao cần câu, người nghèo nếu chăm chỉ và được hướng dẫn cách câu thì họ có thể câu được cả chục con cá, không chỉ thoát được nghèo mà dần dà còn biết cách làm ăn để vươn lên khá…
Bởi vậy, giải pháp lâu dài, căn cơ chính là trao cần câu, hỗ trợ giảm nghèo (điều kiện cần) phải đi kèm với việc tăng cường vai trò chủ động thoát nghèo của chính người nghèo (điều kiện tiên quyết). Nói cách khác thì trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, cùng với việc hỗ trợ các nguồn lực, hướng dẫn, tạo việc làm thì cần chú ý nhiều hơn đến việc khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên của chính hộ nghèo.
Trong đó, với đặc thù địa bàn miền núi như tỉnh ta thì việc chú trọng lựa chọn, giới thiệu những tấm gương nỗ lực thoát nghèo ngay trong cộng đồng làng, xã để động viên, hướng dẫn người nghèo vươn lên có ý nghĩa rất quan trọng. Người thật, việc thật, mắt thấy, tai nghe và nếu cần sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ rất gần gũi, trực quan sinh động, người nghèo dễ dàng học hỏi từ chính những hộ đã thoát nghèo. Nên trân quý vô cùng tấm gương 49 hộ ở huyện Đăk Tô, hàng chục hộ ở xã Đăk Tờ Re (Kon Rẫy)… tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo. Việc làm của họ có tác động rất lớn trong cộng đồng làng, xã, không chỉ dám từ bỏ tâm lý “thích nghèo” mà còn khơi gợi được khát vọng vươn lên của nhiều hộ nghèo khác, cùng nỗ lực học tập và làm theo để sớm thoát được nghèo.
Nguyên Phúc