Kon Plông: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), Mặt trận các cấp ở huyện Kon Plông phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều mô hình, góp phần giúp người dân nâng cao đời sống, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Bí thư Huyện ủy Kon Plông Đào Duy Khánh cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền như trình chiếu slide, tờ rơi, đoạn video về các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới; thông qua các hoạt động thực tiễn sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện bằng việc làm cụ thể; thông qua vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS để vận động bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cụ thể, từ khi triển khai Cuộc vận động đến nay, toàn huyện tổ chức tuyên truyền được 143 buổi, với 10.610 lượt người tại 76/76 thôn, tổ dân phố trên địa bàn; 82 buổi tuyên truyền bằng xe lưu động và đội chiếu bóng lưu động. Nhờ đó, đã góp phần làm cho đồng bào DTTS thay đổi cách làm, cách tiếp cận công việc.
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về Cuộc vận động và cách thức xây dựng các mô hình điểm. Từ đó, nhiều mô hình đã được hình thành, có sự kết hợp giữa tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm gắn với việc hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể, đã phối hợp triển khai xây dựng 2 mô hình về nuôi heo đen tại xã Măng Cành với 20 hộ tham gia nuôi 129 con, mỗi hộ được hỗ trợ vay vốn ban đầu 12,22 triệu đồng; phối hợp với Hội LHPN huyện xây dựng mô hình tổ hợp tác măng nứa tại thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring, với 12 người tham gia.
|
Mặt trận các xã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp triển khai xây dựng được 9 mô hình thuộc 9 xã, thị trấn. Trong đó, mô hình trồng đương quy tại thôn Đăk Ne, xã Măng Cành triển khai cho 4 hộ nghèo và cận nghèo; mô hình trồng sâm dây tại thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng triển khai cho 14 hộ nghèo và cận nghèo; mô hình trồng cây keo tại thôn Đăk Nót, xã Ngọc Tem triển khai cho 6 hộ nghèo và cận nghèo; mô hình nuôi trâu, heo, vịt trên địa bàn xã Măng Bút đã triển khai cho 24 hộ; mô hình nuôi heo đen tại thôn Đăk Lai, Đăk Lúp, xã Đăk Nên cho 96 hộ nghèo; mô hình trồng cây keo tại thôn Vi Glâng, xã Pờ Ê cho 2 hộ nghèo và cận nghèo; mô hình nuôi vịt xiêm tại thôn Vi Glơng, xã Hiếu cho 5 hộ nghèo với 25 con vịt xiêm; mô hình trồng cây lê ăn trái tại thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen với 310 gốc; mô hình nuôi heo địa phương tại thôn Đăk Ang, xã Đăk Ring. Các mô hình trên hiện đang triển khai và phát triển tốt.
Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh huyện có mô hình đường tự quản tại thôn Kon Năng, xã Măng Cành và mô hình hộ gia đình du lịch cộng đồng tại thôn Kon Bring, thị trấn Măng Đen. Hội Cựu chiến binh và Liên đoàn Lao động huyện có mô hình hàng cây tại thôn Kon Tu Ma, xã Măng Cành. Huyện đoàn có mô hình nhà vệ sinh giá rẻ tại thôn Vi Glơng, xã Hiếu với 8 nhà, trị giá 36 triệu đồng; mô hình ao cá thanh niên với 10 ao tại xã Hiếu. Hội LHPN huyện triển khai mô hình chào cờ và sinh hoạt dưới cờ đầu tuần tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành; thành lập 73 nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi để sinh hoạt về dinh dưỡng an toàn thực phẩm, cách nuôi dạy con cái. Hội Nông dân huyện có mô hình tự quản về môi trường tại thôn Măng Grí, xã Ngọc Tem; mô hình tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu và trồng cây cà phê tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành; mô hình trồng cỏ voi nuôi gia súc tại thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng.
Bí thư Huyện ủy Đào Duy Khánh khẳng định: Qua triển khai thực hiện Cuộc vận động bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất cho những năm sau. Nhiều thôn làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đây thực sự là tín hiệu khả quan để Kon Plông vươn lên giảm nghèo bền vững trong những năm tới.
Nguyên Hà