Kon Rẫy: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Kon Rẫy chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững.
Trong đó UBND huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền cho người dân về lợi ích và hiệu quả của việc tham gia các lớp đào tạo nghề; chỉ đạo các phòng, ban, địa phương rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp; mở các lớp đào tạo nghề. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tuyên truyền, tư vấn, phổ biến về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các xã, thị trấn.
Trong năm 2023, huyện Kon Rẫy tổ chức đào tạo 14 lớp nghề dưới 3 tháng. Trong đó, có 7 lớp nghề nông nghiệp với 238 lao động tham gia và 7 lớp nghề phi nông nghiệp với 245 lao động tham gia. Trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện cũng đã tổ chức đào tạo 5 lớp nghề nông nghiệp với 175 lao động tham gia. Các nghề đào tạo được tổ chức đa dạng ở cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Trồng và chăm sóc cây bời lời; trồng và chăm sóc cây mắc ca; trồng nấm sò; cạo mủ cao su, nuôi và phòng trị bệnh cho heo; nề hoàn thiện; vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp.
|
Tham gia lớp học nề hoàn thiện do Trung tâm GDNN&GDTX huyện tổ chức, anh A Phú (thôn 1, xã Đăk Pne) được hướng dẫn các bước để thi công xây dựng và hoàn thiện các công trình xây dựng dân dụng.
Sau khi tham gia lớp học, tôi đã tự xây dựng những công trình như nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng heo, chuồng bò. Ngoài ra, tôi còn cùng các học viên trong lớp học thành lập tổ, nhóm nhận thi công các công trình trong và ngoài xã để kiếm thêm thu nhập” - anh A Phú cho biết.
Gia đình bà Y Hrem (thôn 5, thị trấn Đăk Rve) có 1,2ha cà phê, nhưng do kỹ thuật chăm sóc kém nên vườn cây thường xuyên sâu bệnh, cho năng suất thấp. Tham gia lớp học trồng và chăm sóc cây cà phê, được sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, bà Y Hrem đã nắm vững kỹ thuật từ việc bón phân cho đến cách tỉa cành tạo tán, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý tuyến trùng và nấm hại rễ. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật học được, niên vụ năm 2023, 1,2ha cà phê của gia đình bà cho thu 8 tấn cà phê tươi, thu về hơn 95 triệu đồng.
|
“Tôi rất mừng vì bản thân học được nhiều kiến thức, kỹ năng từ tham gia lớp học trồng và chăm sóc cây cà phê. Tôi tự tin với kiến thức đã học được, vì vậy cuối năm nay, tôi sẽ trồng thêm 0,5ha cà phê để nâng cao thu nhập” - bà Y Hrem cho hay.
Ông Phan Đình Hiếu - Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Kon Rẫy cho biết: Qua khảo sát, trên cơ sở kiến thức đã học, có trên 90% học viên đã vận dụng được kiến thức, kỹ năng học được vào thực tế để tăng năng suất lao động, biết cách làm ăn, tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm. Nhờ đó, học viên từng bước thay đổi phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi học nghề.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các phòng, ban, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có việc làm sau khi học nghề. Đồng thời, duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và sát với nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương”-ông Phan Đình Hiếu cho hay.
Thu Hiền