Kon Rẫy: Hiệu quả từ những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy có nhiều chuyển biến rõ nét, thay đổi tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” bằng tinh thần tự chủ, sáng tạo. Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
|
Chúng tôi đến thôn 12 (xã Đăk Ruồng) để thăm gia đình chị Y Diệu - một trong những hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ mô hình nuôi heo đen để tạo sinh kế, nâng cao đời sống. Căn nhà nhỏ của chị Y Diệu nằm bên trong mảnh vườn rộng thoáng mát. Nghe có khách tới thăm, chị Y Diệu tươi cười ra đón, đôi bàn tay còn dính bột cám và thức ăn tươi được băm từ cây chuối, các loại rau tạp trong vườn để làm thức ăn cho heo.
Dẫn chúng tôi thăm chuồng heo được xây gạch, quây gọn bằng lưới thép sau vườn, chị Y Diệu vui mừng kể, những năm trước vợ chồng chị thường trồng mì, nuôi gà và đi làm thuê, làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Từ nguồn lực của Cuộc vận động, chị được địa phương chọn để tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi nhận thức, tư duy trong làm kinh tế. Năm 2022, từ nguồn hỗ trợ của huyện đoàn Kon Rẫy và chính quyền địa phương, chị được tặng một cặp heo đen giống, được cán bộ xã hướng dẫn, chỉ cho từng bước nên mô hình hiện tại đang phát triển hiệu quả, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Chị Y Diệu cười hiền, ánh mắt ánh lên sự tự tin khi nói về đàn heo của mình: “Trước kia tôi cứ nghĩ cái gì cũng phải trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nên nghèo mãi. Nhưng giờ thì khác rồi, tôi đã hiểu ra nhiều điều, nếu nghĩ được gì thì sẽ cố làm, chứ không ngồi chờ nữa. Tôi tận dụng những cái có sẵn trong vườn như chuối, môn, bắp... để làm thức ăn cho heo, vừa sạch vừa đỡ chi phí. Từ hai con heo ban đầu, đến nay, tôi đã có nhiều cặp heo giống, xuất bán được heo thịt, qua đó, có thêm nguồn thu đáng kể để trang trải cuộc sống. Giờ tôi không chỉ nuôi heo, còn trồng thêm ít rau, nuôi gà đều phát triển tốt, giúp cuộc sống ngày càng khá hơn”.
Ở thôn 4 (xã Đăk Tơ Lung), anh A Minh là một trong những đảng viên gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, được nhiều người quý trọng và tin tưởng. Từ Cuộc vận động, anh được hỗ trợ phát triển hiệu quả mô hình “Nhà vườn kiểu mẫu” mang lại hiệu quả rõ rệt cho gia đình và cộng đồng xung quanh.
Anh A Minh dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng gần 4 sào sau nhà, đã từng có thời gian cỏ mọc hoang hóa, có nhiều cây tạp không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua nhiều năm cải tạo, đến nay khu đất được anh quy hoạch khoa học với hệ thống ao cá, chuồng nuôi gà, vịt và vườn cây như cà phê, sầu riêng, mắc ca. Từ mô hình của anh, nhiều người trong thôn đến xem, học hỏi. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Anh A Minh chia sẻ: Cái được lớn nhất là thay đổi được tư duy. Trước kia cứ làm đại, giờ cái gì cũng phải tính, phải học. Tôi cũng như nhiều người dân khác, trước đây chỉ quen làm nông theo thói quen. Từ khi địa phương triển khai Cuộc vận động, tôi được tuyên truyền, vận động, được hỗ trợ xây dựng mô hình “Nhà vườn kiểu mẫu”, tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, học cách lập kế hoạch sản xuất và tính toán hiệu quả kinh tế. Hiện nay mô hình của tôi mang lại thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Thấy mô hình hiệu quả nên có nhiều bà con trong thôn tìm đến học hỏi. Mình biết gì thì chia sẻ hết để cùng nhau thay đổi.
|
Từ khi thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của bà con người DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước từng bước được xóa bỏ. Thay vào đó là tinh thần chủ động, tích cực lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Rẫy xây dựng hơn 130 mô hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có 99 mô hình hiệu quả được duy trì, mở rộng và nhân rộng. Qua đó đã giúp khoảng 1.800 hộ người DTTS thoát nghèo, gần 1.240 hộ thoát cận nghèo. Ngoài ra, có 1.109 hộ dân thay đổi nếp nghĩ, dần từ bỏ các hủ tục; 914 hộ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 488 hộ cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần; 351 hộ tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo ra những liên kết sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.
Từ chỗ tồn tại nhiều tập quán cũ, lạc hậu, từ khi triển khai Cuộc vận động, huyện đã xóa bỏ 7 hủ tục và 8 phong tục không còn phù hợp. Bên cạnh đó, không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống; không có thêm hủ tục mới phát sinh.
Hiệu quả từ Cuộc vận động đã góp phần phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn, các chỉ tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu đáng kể. Tính đến cuối năm 2024, huyện chỉ còn 509 hộ người DTTS nghèo (chiếm 10,05%) và 538 hộ cận nghèo (chiếm 10,62%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm.
Từ những kết quả đạt được trong triển khai Cuộc vận động, huyện Kon Rẫy đang tiếp tục nhân rộng các mô hình phù hợp với đặc thù từng địa phương. Gắn Cuộc vận động với các chương trình, cuộc vận động lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Hoàng Thanh