• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi    Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân tháng 3   

Xã hội

Kon Tum- Hành trình 110 năm - Bài 1: Từ huyền sử đến lịch sử

01/02/2023 13:56

Khởi phát từ làng nhỏ cổ xưa bên hồ, 110 năm trôi qua với bao thăng trầm, cả trong huyền sử đến lịch sử, mảnh đất Bắc Tây Nguyên luôn thấm đẫm ý chí và nghị lực của bao thế hệ. Để hôm nay, chúng ta được tự hào về một Kon Tum đang phát triển nhanh mà bền vững.

Chuyện xưa của dân tộc Ba Na kể rằng: Cách đây xa thật là xa, làng Kon Trang Or (về sau gọi là Chư Hreng)- một ngôi làng ở gần sông Đăk Bla- vốn nổi tiếng về sự thịnh vượng và hiếu chiến, thường đi đánh phá các làng khác để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ.

Ja Xi- một người trong làng có 2 con trai là Jơ Rông và Jơ Uông. Khác với những trai tráng trong làng, Jơ Rông và Jơ Uông chán ghét cảnh làng này đánh nhau với các làng khác. Vì vậy, một ngày nọ, Jơ Rông và Jơ Uông đã quyết định bỏ làng Kon Trang Or đi tìm nơi làm nhà ở riêng.

Đến vùng đất gần hồ nước cạnh sông Đăk Bla, 2 anh em thấy nơi này rất tốt nên dừng lại dựng nhà, khai khẩn đất trồng lúa; đẽo gỗ làm thuyền, bện dây rừng thành lưới để đánh bắt cá. Dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một đông, lập thành một làng mới với tên gọi Kon Tum.

Hiện đại, năng động, thân thiện với môi trường là hướng phát triển của đô thị Kon Tum. Ảnh: HL

 

Theo ngôn ngữ của người Ba Na thì “Kon” là làng, “Tum” là hồ nước. “Kon Tum” là “Làng Hồ” - chỉ một làng nhỏ của người Ba Na sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla.

Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập ra của người Ba Na sát bên bờ sông Đăk Bla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Trải qua nhiều năm tháng, nơi đây đã thành nơi quần cư của nhiều dân tộc tại chỗ, như Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai...

Vượt qua “bức màn” huyền bí của huyền sử, trong dòng chảy đầy thăng trầm của lịch sử, “làng hồ” đã chứng kiến nhiều cuộc xâm chiếm của các vương quốc Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, cũng như sự thu phục của nhà Lê (từ năm 1471) và nhà Nguyễn sau này.

Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, hình thái tổ chức xã hội phổ biến duy nhất ở Kon Tum là “làng”. Làng được xem như một đơn vị hành chính mang tính bao quát và cụ thể chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Người Pháp đến Kon Tum từ rất sớm bằng con đường truyền giáo. Trong giai đoạn 1841 - 1850, thực dân Pháp đã đặt được cơ sở Thiên chúa giáo đầu tiên ở Kon Tum. Năm 1867, thực dân Pháp bắt đầu tấn công xâm lược Kon Tum - Tây Nguyên bằng vũ lực và cả những thủ đoạn thâm độc nhằm chia rẽ các dân tộc trong vùng.

Sau khi chính thức đô hộ Việt Nam (bằng Hòa ước Giáp Thân 1884) thực dân Pháp áp dụng ngay chính sách "chia để trị" đối với Kon Tum và đặt Kon Tum cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác trực thuộc Trung kỳ (miền Cao nguyên Trung kỳ).

Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum. Với Nghị định này, Kon Tum từ vị thế “làng hồ” trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo Nghị định này, địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm: Trung tâm hành chính Kon Tum (Đại lý Kon Tum) tách từ tỉnh Bình Định; Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú yên; Đại lý Đăk Lăk (tỉnh Đăk Lăk bị bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh và được sáp nhập vào tỉnh Kon Tum). Đến tháng 12/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra Nghị định thành lập thị xã Kon Tum và thị xã Pleiku. Cả 2 thị xã này đều thuộc tỉnh Kon Tum.

Hơn 60 năm đặt ách thống trị tại Kon Tum (nếu tính từ năm 1884), thực dân Pháp đã thực thi nhiều chính sách, thủ đoạn cai trị bạo tàn, kích động hận thù sắc tộc. Tại đây, chúng đã lập nên nhà ngục Kon Tum làm nơi đày ải, giam giữ tù chính trị và những chiến sĩ cộng sản.

Nhưng nhà ngục “khét tiếng toàn cõi Đông Dương” này không chỉ có đau thương, không chỉ là xương máu, mà còn là biểu tượng cho ý chí bất khuất của người cộng sản; là hạt giống đỏ nảy mầm xuân vươn tới hạnh phúc, ấm no.

Nơi đây, ngày 25/9/1930, tức chỉ mấy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên- Chi bộ Binh- được thành lập với 4 đảng viên.

Mùa Thu năm 1945, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 25/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn, nhanh gọn, không có đổ máu.

Từ làng nhỏ bên hồ, Kon Tum đã và đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: QUANG VINH

 

Điều đặc biệt là tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Kon Tum diễn ra khi chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo. Quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp qua nhiều năm từ những chiến sĩ cộng sản đã tự động nổi dậy giành chính quyền.

Sau khi quay trở lại tấn công xâm lược Kon Tum lần thứ 2 (ngày 26/6/1946), thực dân Pháp thành lập lại bộ máy cai trị trong toàn tỉnh, thực hiện âm mưu xây dựng Bắc Tây Nguyên làm căn cứ chiến lược lâu dài.

Trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất Kon Tum vẫn giữ vai trò chiến lược cả với ta và địch. Với tinh thần thượng võ, ý chí kiên trung bất khuất, với truyền thống đấu tranh anh dũng, quân và dân Kon Tum một lòng gắn bó sắt son với cách mạng, tin và đi theo Đảng, Bác Hồ, làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Mùa Xuân đại thắng 1975, thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Ngày 12/8/1991, Kon Tum trở về với vai trò đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum được chia tách theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII .

Chúng ta đang tưng bừng chào đón kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum. Chúng ta có quyền tự hào khi Kon Tum không chỉ vững vàng vượt qua bao thăng trầm, chiến đấu và chiến thắng ách thống trị của ngoại bang. Và càng tự hào hơn khi vị thế của quê hương Kon Tum đang ngày càng lớn mạnh, cơ đồ ngày càng tươi sáng. (còn nữa) 

Hồng Lam

   

Các tin khác

  • Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
  • Hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước
  • Hội thảo khoa học quốc tế “Thương mại và phân phối”
  • Đại hội Công đoàn cơ sở Báo Kon Tum lần thứ X
  • “Giải pháp thay giải thích” trong cải cách hành chính
  • Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”
  • Tuổi trẻ Kon Tum xung kích, tình nguyện và cống hiến
  • Lực lượng vũ trang tỉnh: Chú trọng công tác lý luận chính trị
  • Củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân
  • Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội thi Cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Bế mạc Hội thao Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao
  • Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
  • Lực lượng xung kích đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Kỳ họp lần thứ 16
  • Hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước
  • Hội thảo khoa học quốc tế “Thương mại và phân phối”
  • Vận chuyển trái phép chất ma tuý, nhận án 20 năm tù
  • Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by