Kỳ vọng giảm học lệch
Ngay trước thềm năm học mới 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) với nhiều điểm mới được đánh giá tiến bộ, nhân văn, coi trọng động viên, khuyến khích học sinh, không chỉ được học sinh, phụ huynh mà các thầy cô giáo đồng tình, phấn khởi.
Thông tư có hiệu lực vào đúng ngày khai trường, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường - 5/9/2021, với một số thay đổi cơ bản: bỏ chấm điểm một số môn học, chỉ đánh giá bằng nhận xét (đạt/chưa đạt); bỏ xếp loại học sinh theo 5 mức (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém) như trước đây mà chuyển sang xếp loại ở 4 mức (tốt, khá, đạt, chưa đạt) và đặc biệt là thay vì tính điểm trung bình tất cả các môn học thì nay điểm trung bình học kỳ và năm học được tính riêng cho từng môn học.
Những thay đổi này sẽ không chỉ tác động đến đội ngũ giáo viên, học sinh, các nhà quản lý giáo dục mà còn tác động trực tiếp đến hàng triệu gia đình và toàn thể xã hội. Bởi, dạy, học và kiểm tra, đánh giá là những khâu liên hoàn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW thì “mắt xích” cần phải tập trung đầu tư chính là đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Nên sau những đổi mới trong khâu thi cử, kiểm tra mà ngành Giáo dục đã triển khai trong những năm gần đây thì những điểm mới mà Thông tư quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT sẽ tiếp tục có sự thay đổi trong việc dạy và học, chuyển từ việc chủ yếu dạy nặng về tri thức sang dạy học phát triển năng lực và phẩm chất.
|
Dẫu còn những tiếc nuối vì Thông tư chỉ bắt đầu áp dụng với học sinh theo học Chương trình Giáo dục phổ thông mới (tức là học sinh lớp 6 năm học 2021-2022, tiếp tục triển khai ở các năm tiếp theo và từ năm học 2022-2023 đối với học sinh lớp 10, tiếp tục triển khai các năm tiếp theo) nhưng dư luận đánh giá cao trước những thay đổi này.
Tất nhiên hiệu quả còn đang ở “thì tương lai”, nhưng nhìn một cách xa hơn, rộng hơn thì những điểm mới này được đánh giá có nhiều tiến bộ. Học sinh mừng vì không quá bị gò bó ở các môn học vốn được ngầm hiểu là chính – phụ, có nhiều cơ hội để thể hiện, để bộc lộ, để chuyên sâu và thể hiện sự tự tin giá trị bản thân ở các môn học yêu thích. Gia đình mừng vì con bớt áp lực và tất nhiên cũng sẽ bớt đi những cuộc chạy đua chỉ để tập trung vào một số môn học chủ lực trong đánh giá học lực. Giáo viên, đặc biệt những giáo viên dạy các môn lâu nay vẫn xem là môn phụ mừng vì được nhìn nhận, được đánh giá công bằng hơn về tầm quan trọng giữa các môn học.
Những thay đổi theo xu hướng phát triển này cũng được kỳ vọng sẽ đánh giá đồng bộ, bao quát kiến thức của học sinh ở tất cả các môn học, tránh được tình trạng học lệch, thậm chí là “nhất bên trọng, nhất bên khinh” vẫn tồn tại bấy lâu nay. Khi đó, nhiều môn học vốn được xem là môn phụ sẽ được các em học sinh - vốn có sự khác biệt nhau về sở thích, về năng lực - có năng khiếu, có niềm đam mê, yêu thích đầu tư chuyên sâu, tất yếu sẽ đạt được kết quả tích cực. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết thực trạng buồn về số học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử qua kỳ thi THPT quốc gia/kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm luôn ở mức cao. Nhiều thầy cô luôn trăn trở đã cho rằng, đó là hệ quả của việc đánh giá năng lực học sinh quá chú trọng vào một số môn học, cộng với tính thực tế (hay nói đúng hơn là tính thực dụng) của học sinh trong việc đầu tư cho các môn được xem là môn chính để dễ dàng xét tuyển thẳng vào các trường cao đẳng, đại học.
Sứ mạng của thầy, người cô là thông qua giáo dục đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực trong mỗi học sinh. Người thầy, người cô luôn có sức thu hút, là người bạn lớn, người chỉ đường, dẫn dắt cho học sinh. Không ít học sinh đã tiến bộ vượt bậc chỉ bắt đầu từ sự đánh giá chân thành, sự động viên, khích lệ của thầy, cô giáo. Vậy nên, sự thay đổi trong cách đánh giá học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22 này được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong dạy chữ lẫn dạy người, giảm học lệch, khích lệ, động viên các em thêm tự tin, nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm phát huy phẩm chất, năng lực.
Nguyên Phúc