“Làm người tiêu dùng thông minh ư? Khó đấy”
Câu nói của chị Nguyễn Thị Thu Hoa (Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) làm tôi suy nghĩ mãi. Vì bản thân luôn cho rằng, làm người tiêu dùng thông minh không khó.
“Như thế nào là một người tiêu dùng thông minh” là chủ đề của một cuộc tranh luận nhỏ giữa mấy chị em phụ nữ.
Có thể nói, đây cũng là chủ đề được dư luận quan tâm, nhất là từ đầu tháng 4/2025, khi cơ quan chức năng đã phanh phui ra hàng loạt vụ sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng có quy mô đặc biệt lớn.
Trong đó, đáng chú ý nhất là các vụ phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận (từ năm 2021 đến khi bị phát hiện, các đối tượng đã thu lợi gần 500 tỷ đồng); đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng).
|
Mới đây nhất, ngày 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty Famimoto tại xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.
Bước đầu, cơ quan Công an xác định, Công ty Famimoto đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả; hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Đáng chú ý, các sản phẩm hàng giả trên đã được công ty trên bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động.
Sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, dầu ăn giả, mì chính giả- toàn là những mặt hàng không thể thiếu đối với đời sống, sức khỏe mọi người- không chỉ là hành vi gian dối trong kinh doanh, mà còn gây thiệt hại cả về vật chất, tinh thần cũng như hậu quả khó lường về sức khỏe.
Có thể nói, chưa lúc nào người tiêu dùng lại phân vân và lo lắng trước việc phải chọn lựa như thế nào để có được thực phẩm an toàn hay một sản phẩm bảo đảm chất lượng như hiện nay. Người tiêu dùng dường như mất phương hướng trước một thị trường tràn ngập nguy cơ mua phải các loại thực phẩm mất an toàn vệ sinh và công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi.
Mặc dù thời gian qua, công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng thực phẩm, hóa chất, phụ gia bán trên thị trường.
Trong lúc này, lời khuyên “hãy là người tiêu dùng thông minh” lại được đưa ra. Kèm theo đó là có rất nhiều hướng làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh. Không tin ư? Cứ lên Google gỗ mấy từ khóa này là ra vô vàn kết quả.
Nói ngắn gọn lại, để thành người tiêu dùng thông minh, cần tuân thủ 2 “câu thần chú”: Thứ nhất, mua sắm hợp lý, có chọn lọc, chỉ mua thứ mình cần dùng đến. Thứ hai, tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến mặt hàng mình mua; việc kiểm tra tem, nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; lựa chọn nơi, kênh mua sắm uy tín.
Nhưng liệu đó có phải là những “câu thần chú” có tác dụng?
Hãy nghe tâm sự của chị Nguyễn Thị Thu Hoa: Thời gian gần đây nhiều nhu yếu phẩm bị phát hiện làm giả như kẹo giả, sữa giả, thuốc giả. Giờ đến thứ người dân hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn của mình cũng bị làm giả. Thật đáng lo lắng. Dù tôi đã rất cẩn thận, nhưng vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái.
Điều nguy hiểm là, ngay cả những người tiêu dùng tự cho là “có hiểu biết” rất kỹ tính, thậm chí là “thông minh”, thì cũng không thể “tai tinh mắt sáng” trước “ma trận” hàng giả, hàng nhái, khi chúng đều được “khoác” lên “tấm áo choàng” an toàn bởi các chứng nhận tự công bố sản phẩm.
|
Theo Nghị định 15/2018NĐ/CP của Chính phủ, để đưa một sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp được công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm. Vấn đề ở đây là, doanh nghiệp tự công bố chất lượng, trong khi cơ quan chức năng lỏng lẻo hậu kiểm đã tạo lỗ hổng để gian thương lợi dụng sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.
Đây là một lỗ hổng lớn. Một chuyên gia an toàn thực phẩm từng phát biểu rằng, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có thói quen sản xuất, phối trộn nhiều chất trong một sản phẩm. Đơn cử, một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thành phần 10 chất, thậm chí 15 - 20 chất khác nhau, tuy nhiên, thành phần tạo công dụng sản phẩm chỉ có từ 3 - 5 chất, các chất còn lại doanh nghiệp không giải thích được lý do đưa vào.
Trong khi các chất này toàn là chất hóa học tinh khiết, thậm chí có chất kém bền vững hóa học phối trộn với thành phần chiết xuất dược liệu, động vật, khoáng vật mà doanh nghiệp không lường trước những tương tác tương kỵ, gây phản ứng hóa học tạo tạp chất ảnh hưởng lâu dài sức khỏe người tiêu dùng.
Trong các nhãn hàng sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, mì chính giả, hạt nêm giả của các đối tượng sản xuất, tiêu thụ trong thời gian dài, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, bị cơ quan công an phát hiện trong tháng 4 vừa qua, có nhãn hàng nào, sản phẩm nào không có nhãn mác, tem vạch đầy đủ, hợp quy? Có nhãn hàng nào mà không được công bố tiêu chuẩn đầy đủ?
`Đó là chưa kể, các nhãn hàng đều tác động tới khách hàng khi họ ở giai đoạn quan tâm và tìm kiếm thông tin, mong muốn được xác thực về sản phẩm và thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua hàng bằng cách cung cấp thông tin hữu ích, chân thực và khách quan từ góc nhìn người dùng thực tế, thường là những người nổi tiếng.
Với độ tinh vi như vậy, thử hỏi có người tiêu dùng nào đủ “thông minh” để phân biệt, khi chỉ dựa vào quan sát mẫu mã, quét mã vạch truy xuất nguồn gốc và niềm tin vào nhà cung cấp để mua hàng.
Mà mẫu mã, bao bì “chuẩn chỉnh”, chứng nhận bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ thì hầu như không mặt hàng nào “vi phạm’.
Bởi vậy mới nói, làm người tiêu dùng thông minh ngày nay khó lắm!
Hồng Lam