Linh hoạt, chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình đổi mới sách giáo khoa đối với học sinh lớp 6, vì vậy, ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp, giải pháp phù hợp với thực tế cho năm học mới để nâng cao chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học.
Đến nay, công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 được ngành Giáo dục triển khai đồng bộ từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác bồi dưỡng để triển khai chương trình, đảm bảo nguồn nhân lực cho lớp 6 và cả giai đoạn.
Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay, các cơ sở giáo dục THCS vẫn còn thiếu các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập phục vụ cho các hoạt động giáo dục. Hầu hết các cơ sở giáo dục còn thiếu trang thiết bị dạy học, một số đồ dùng dạy học chưa đảm bảo theo danh mục thiết bị dạy học như quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, cấp THCS thiếu dụng cụ thí nghiệm, thực hành các môn học thực nghiệm như Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ. Một số trường THCS chưa được trang bị phòng máy tính, nhiều máy tính đã xuống cấp, hư hỏng; phòng học bộ môn còn thiếu nhiều.
Từ khó khăn đó, ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp khắc phục. Ông Nguyễn Đình Vinh- Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, vườn trường, nhà vệ sinh... Rà soát, đánh giá hiện trạng về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó sửa chữa và bổ sung kịp thời nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Song song với đó, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc sắp xếp, tận dụng và sử dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có của trường để dạy và học.
|
“Về thiết bị dạy học, Sở chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, đề xuất nhu cầu để trang bị thiết bị dạy học cho lớp 6 năm học 2021-2022; trước mắt các đơn vị tận dụng tối đa cơ sở vật chất, khai thác hiệu quả thiết bị dạy học hiện có của nhà trường; đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong các nhà trường”- ông Vinh cho hay.
Đối với giáo viên phục vụ cho chương trình đổi mới vẫn xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ đối với giáo viên theo phân môn, theo đơn vị trường (trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp THCS). Ngoài ra, giáo viên THCS chưa đạt chuẩn còn cao (304 người, tỉ lệ 12,2%)...Với vấn đề này, Sở GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học đối với lớp 6 năm học 2021-2022. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường trực thuộc Sở có cấp THCS tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, lựa chọn và dự kiến phân công giáo viên tham gia giảng dạy chương trình lớp 6 năm học 2021-2022.
Ông Nguyễn Đình Vinh cho biết: Hiện nay, số giáo viên được dự kiến phân công giảng dạy lớp 6 năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng Mô đun 1, Mô đun 2 và đã được bồi dưỡng trực tuyến Mô đun 3, đảm bảo triển khai giảng dạy trong năm học tới. Đối với giáo viên tiếng Anh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng) bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm cho giáo viên tiếng Anh các trường phổ thông. Đến nay, số lượng giáo viên đạt chuẩn theo qui định Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam ở tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu.
“Sở GD&ĐT đã phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 6 năm học 2021-2022; cung cấp các trang thông tin, các ngữ liệu về sách giáo khoa để giáo viên sau khi được tập huấn tiếp tục tự học, tự nghiên cứu để chuẩn bị tốt cho việc triển khai sách giáo khoa lớp 6 trong năm học tới”- ông Vinh cho hay.
Tìm hiểu tại các trường THCS, chúng tôi nhận thấy các trường đã có sự chuẩn bị chu đáo đối với việc thực hiện chương trình đổi mới với sách giáo khoa lớp 6. Chia sẻ điều này, cô Ninh Thị Hằng- Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum) cho biết: Nhà trường đã lựa chọn những giáo viên tiêu biểu, có năng lực, kinh nghiệm để bồi dưỡng, tập huấn thêm để giảng dạy đối với học sinh lớp 6. Hiện, trường đã xây dựng xong dự thảo phân công chuyên môn, phân bổ số môn, số tiết về cho các tổ chuyên môn thực hiện trong năm học. Đặc biệt, nhà trường lựa chọn hình thức dạy cuốn chiếu theo chủ đề, chủ điểm để chủ động cho công tác quản lý, giảng dạy, không tạo áp lực cho học sinh và dễ trong bố trí thời khóa biểu...
Với sự chủ động, linh hoạt trong triển khai, chương trình đổi mới giáo dục đối với học sinh lớp 6 trên địa bàn sẽ đạt hiệu quả cao, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của năm học 2021-2022 đề ra.
Phúc Nguyên