Lựa chọn nghề nghiệp trước “ngưỡng cửa” cuộc đời
Hằng năm trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), đăng ký lựa chọn ngành học, trường học luôn là mối quan tâm của các em học sinh và các bậc phụ huynh. Việc lựa chọn ngành, trường học đúng sở thích, thiên hướng để các em đam mê học tập, nghiên cứu, khi ra trường làm việc có thể phát huy hết năng lực, sở trường, có nhiều đóng góp cho xã hội là một việc làm rất cần thiết trước “ngưỡng cửa” cuộc đời.
|
Thường thì ngay từ khi học cấp ba, các em học sinh từng bước xác định nghề, ngành và trường đại học. Tuy nhiên, việc lựa chọn nghề, ngành học, trường học sao cho phù hợp với năng lực, sở trường là việc không phải dễ. Con tôi cũng trong số ấy. Mặc dù ngay từ năm cháu học lớp 9, tôi sớm định hướng cho con chọn thi vào cấp ba theo khối phù hợp với năng lực học tập. Trong 3 năm học cấp ba, cháu học đều, nhưng các môn học thuộc khối đang học, cháu đạt điểm cao hơn. Tuy nhiên, năm cuối cấp ba, cháu vẫn loay hoay không biết chọn ngành, trường học nào, mặc dù cháu là một trong những học sinh giỏi của lớp. Phải qua nhiều lần được thầy cô, nhà trường, các anh chị, gia đình tư vấn và trực tiếp vào website của các trường đại học để tìm hiểu, vào giây phút cuối, cháu mới quyết định lựa chọn ngành, trường học.
Vẫn biết sau khi tốt nghiệp THPT, việc học nghề hay học đại học không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công hay thất bại của đời người, nhưng nó lại là yếu tố quan trọng tác động đến tương lai. Và vì thế, việc định hướng nghề nghiệp cho các em từ sớm để các em chủ động, xác định mục tiêu, định hướng tương lai cho mình là việc làm cần thiết và cần được coi trọng.
Mặc dù vậy, nhưng không ít em khi vào học đại học rồi, mới biết mình xác định ngành học không đúng sở thích, không đúng đam mê của mình. Trường hợp các em vào học đại học rồi, nhưng nhận thấy ngành học, trường học không đúng sở thích, phần nhiều là do học theo yêu cầu của cha mẹ mình. Tuy nhiên, cũng có em do bạn bè rủ rê, chọn mức trường có mức đóng học phí phù hợp với điều kiện gia đình hay không biết chọn ngành nào nên chọn đại ngành "hot"… Việc lựa chọn ngành học khi học không đúng sở thích, dẫn đến tâm lý chán nản, mới học vài tháng có em nghỉ học, bỏ về nhà ôn thi để sang năm nộp hồ sơ vào ngành học, trường học khác.
Thực tế nêu trên diễn ra không phải ít. Ở một ngành học tại một trường đại học nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh lớp con tôi, có em mới học hai, ba tháng đã bỏ học. Thấy vậy, tôi hỏi thăm thì con nói do bạn không muốn học ngành học này, nghỉ học để sang năm thi lại, lựa chọn ngành học, trường học khác. Ba mẹ của bạn rất bức xúc, nhưng đành chiều theo ý con. Bởi nếu cố ép học, chắc chắn các em này học chỉ để đối phó, hiệu quả học tập không cao, dễ bị trầm cảm, rồi ra trường chắc chắn sẽ không phát huy được năng lực, không đóng góp được gì nhiều cho gia đình và xã hội.
Việc nghỉ học, lựa chọn một ngành khác trong mùa tuyển sinh năm sau của các em bỏ học, đồng nghĩa với việc em bị chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đó là chưa nói, gia đình phải tốn kém kinh phí, thời gian và chính các em phải tốn thêm nhiều sức lực. Trường hợp thi lại mà không đậu hay không đạt được nguyện vọng như mong muốn, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn. Ở một số trường hợp, vì học ngành không đúng sở trường, không hứng khởi trong học tập, trước áp lực học tập và với tâm lý học tập bị ức chế, có em bị trầm cảm nặng, dại dột tự “giải thoát” cho mình hoặc tiền mẹ cho học tự “đốt” đời mình với “cái chết trắng”.
Trong xã hội thông tin và điều kiện tuyển sinh rất cởi mở, năng động như hiện nay, các ngành đào tạo đều được các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học ban hành khá chi tiết trên các website của trường. Đừng sợ mất thời gian, dựa trên năng lực học tập, sở trường, cơ hội việc làm, các em phải chịu khó truy cập tìm ngành học, thông tin từ các trường để lựa chọn ngành học phù hợp nhất với khả năng của mình để học.
Không ai quyết định tương lai cho các em mà chính là các em. Cha mẹ chỉ hỗ trợ và nên định hướng, còn lựa chọn ngành nghề học là do các em quyết định. Vì vậy, trước “ngưỡng cửa” của cuộc đời, các em phải xem xét kỹ lưỡng việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và thiên hướng của mình. Có như vậy, việc học ngành nghề của các em mới diễn ra thuận lợi, khi ra trường các em mới phát huy hết năng lực và đóng góp nhiều cho xã hội, cho đất nước.
Văn Nhiên