Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động” và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Kế hoạch 02/KH-LĐLĐ (ngày 18/2/2014) đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp, các chỉ tiêu; chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức thực hiện và đến nay đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Ông Rơ Chăm Long - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2013-2018, phong trào học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động được đẩy mạnh ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được nâng cao...
Anh Nguyễn Sơn (cán bộ kỹ thuật tại một doanh nghiệp xây dựng ở thành phố Kon Tum) được đơn vị cử đi học các lớp nâng cao tay nghề về kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ. Nhờ vậy, hơn 10 năm làm việc cho doanh nghiệp, anh đã có 4 chứng chỉ hành nghề liên quan đến công việc của mình.
Anh Sơn bộc bạch: Hiện nay, lĩnh vực xây dựng cầu đường áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật mới, nếu mình không học sẽ không làm được. Nhờ theo học các lớp kỹ thuật và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp này, công việc của tôi có chất lượng, hiệu quả cao hơn so với trước, được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao.
Theo khảo sát chưa đầy đủ của 18 cơ quan, đơn vị, địa phương với 30.686 người, có 6.102 cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị (chiếm 20%); 25.709 người đã tốt nghiệp trung học phổ thông (chiếm 84%); 18.545 người tốt nghiệp trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên (chiếm 60%); 3.821 lao động có trình độ tay nghề từ bậc 1-7 và được đào tạo, cấp chứng chỉ (chiếm 12%).
|
Nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi về sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp, công tác đào tạo, đào tạo lại và tổ chức thi nâng cao trình độ tay nghề, bậc thợ cho người lao động được các doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện, tổ chức thi, kiểm tra sát hạch, nâng bậc thợ có chất lượng chuyên môn cao, được người lao động tích cực tham gia học tập, rèn luyện.
Chỉ riêng đối với việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ tay nghề, thi bậc thợ, huấn luyện nâng cao tay nghề cho người lao động do tổ chức công đoàn triển khai thực hiện những năm qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020 của tỉnh. Qua đó, đã có 10.824 lượt người lao động trong các doanh nghiệp được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, bậc thợ.
Ông Rơ Chăm Long chia sẻ: Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện tốt công tác vận động, thuyết phục, thương lượng và đối thoại với chủ doanh nghiệp để đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể và nghị quyết hội nghị người lao động hàng năm. Đây là một bước quan trọng để thúc đẩy phong trào học tập trong công nhân, viên chức, lao động; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động; tạo động lực phát triển con người toàn diện và nâng cao đời sống người lao động. Điều đó đã được 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai, chỉ đạo; hiện có trên 70% công đoàn cơ sở các doanh nghiệp hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đã có 744 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện (đạt 73%), tăng 204 đơn vị so với năm 2013.
Quang Định