Ngày Chiến thắng, những khoảng lặng và hòa hợp dân tộc
Ngày 30/4 được gọi là “Ngày Chiến thắng”. Người chiến thắng nở nụ cười khải hoàn nhưng cũng biết thấm vào tim những mất mát đau thương của dân tộc. Những nén nhang thơm, những giọt lệ mặn không là biểu hiện của yếu đuối, của đau khổ hay hờn căm, uất hận.
|
1.Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng khét mùi thuốc súng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, và những lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh. Với dân tộc Việt Nam, đây là thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử đất nước.
Ta có thể hình dung phần nào niềm vui sướng, hạnh phúc tột cùng ấy từ những dòng trong cuốn sách “Đại thắng mùa Xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng: Tại Sở Chỉ huy mặt trận, cách Sài Gòn 80km, các tướng lĩnh, chiến sĩ vây quanh máy thu thanh nghe bản tin đầu hàng. Tiếng của Tổng thống ngụy quyền nói xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta không điều kiện.
“Sài Gòn hoàn toàn giải phóng! Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi! Tất cả chúng tôi trong Sở chỉ huy đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau. Tiếng vỗ tay, tiếng cười ran, tiếng nói vui, náo nhiệt, ríu rít, tưng bừng như cả mùa Xuân ập đến”. Và theo Đại tướng “cái giây phút lịch sử thiêng liêng này, sảng khoái và hả hê này, cả một đời người, cả nhiều đời người mới có”.
Đất nước cuối cùng đã im tiếng súng, hòa bình trọn vẹn, chấm dứt 117 năm đô hộ của phương Tây, kể từ khi quân Pháp đổ bộ lên Việt Nam năm 1858. Ngày 30/4 được gọi là “Ngày Chiến thắng”. Đó là ngày tỏa sáng niềm tin vào một đất nước độc lập và tự do; chan chứa hy vọng về một đất nước hạnh phúc và hùng cường. Đó còn là điểm tựa tinh thần lớn lao, tạo bệ phóng cho tương lai nước Việt.
Ngày Chiến thắng cũng là ngày bắt đầu cho một cuộc sống hòa bình, dưới mỗi mái nhà đều rộn tiếng cười, như những dòng thơ sâu lắng của Đoàn Nam: Mong hòa bình ở với người hậu duệ/Không tồn tại những vết xước chiến tranh/Từng mái nhà chỉ toàn tiếng cười xanh/Vui như thể cả đất trời vào hội (Chiến tranh và Hòa Bình).
Sáng 29/4, tôi lặng lẽ dắt xe ra phố, ngất ngây đi dưới rừng cờ đỏ lấp lánh sao vàng. Nhìn mỗi người đều thấy yêu thương hơn, đều muốn bắt tay, muốn ôm hôn; đều thấy “những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời, đẹp niềm tin mãi mãi”, như lời bài hát Đất nước trọn niềm vui.
Cũng trong sáng 29/4, cựu chiến binh Vũ Hữu Tuấn (đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) đưa cháu ngoại học lớp 3 đến trường để tham gia hoạt động diễu hành do nhà trường tổ chức cho học sinh mừng Ngày Chiến thắng.
Ngắm đàn cháu nhỏ, trên tay cầm cờ đỏ sao vàng, cùng các cô giáo rộn bước trên đường rực rỡ cờ Tổ quốc, ông Tuấn rơm rớm nước mắt vì thấy “thấm thía giá trị của hòa bình”.
Đến nay, trong tim ông cũng còn âm ỉ nỗi đau khi anh trai hy sinh đầu năm 1975, nay còn nằm đâu đó giữa đất miền Đông Nam Bộ. Mỗi ngày 30/4, gia đình ông đều làm sắp mâm cơm lên bàn thờ của anh trai.
Cũng ngày này, ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam, nhiều gia đình thầm lặng sắp mâm cơm lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm và khóc thương người thân không thể trở về trong ngày vui đại thắng.
Ở một làng nghèo khuất nẻo của dọc dài miền Trung nắng cháy, bác tôi lặng lẽ thắp nhang trước di ảnh của con mình. Anh ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, chỉ cách toàn thắng mấy tiếng đồng hồ. Trong làng cũng có nhiều gia đình thầm lặng sắp mâm cơm lên bàn thờ, mừng Ngày Chiến thắng và khóc thương người thân không thể trở về trong ngày vui đại thắng.
Có chiến tranh là có mất mát, đau thương. Tổ quốc ta đời ghi ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất. Và Ngày Chiến thắng luôn là niềm tự hào bất diệt.
|
2.Chiều 29/4, ở khu phố cũ, tôi được dự cuộc trò chuyện thật “đặc biệt” giữa một đại tá quân đội nghỉ hưu và một người từng bên kia chiến tuyến.
Nhập ngũ tháng 6/1974, sau thời gian huấn luyện, tháng 12/1974, cuộc đời binh nghiệp của vị đại tá già gắn liền với những cuộc hành quân gian nan, những trận đánh khốc liệt: Tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột; hành quân thần tốc đánh chiếm Nha Trang, giải phóng Cam Ranh, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong niềm vui chiến thắng, non sông liền một dải, ông và đồng đội lại khóc vì những người đã ngã xuống trong suốt hành trình tiến về Sài Gòn, khóc vì những người mới ngã xuống trong trận đánh cuối cùng, trước giờ toàn thắng.
Đến bây giờ, ông vẫn luôn tâm niệm rằng, vinh dự lớn nhất trong đời mình là được tham gia giải phóng Sài Gòn, thống nhất nước nhà.
Trong khi anh đang thần tốc tiến về đồng bằng, giải phóng miền Nam, thì tôi lại đang hoang mang không biết lựa chọn chạy trốn hay ở lại- người bạn của vị đại tá rủ rỉ.
Ông nói rằng, ngày đó rất chán ghét chiến tranh, và dù bị ép phải vào lực lượng địa phương quân, phải cầm súng, nhưng kỳ lạ là ông luôn nghĩ rằng quân giải phóng sẽ chiến thắng.
Rồi ngày ấy cũng đến. Khi bộ đội giải phóng Buôn Ma Thuột thì chính quyền Ngụy ở Kon Tum đã rung rinh lắm rồi, cho đến khi nghe đạn pháo quân giải phóng bắn vào các mục tiêu ở thị xã Kon Tum thì bắt đầu tháo chạy.
Trước đó, người lính địa phương quân này đã trốn về nhà, súng đạn được ông giấu để “mai mốt nộp cho chính quyền, chứ quẳng ra đó lại nguy hiểm”. Sau đó, thấy thiên hạ rùng rùng chạy nên gia đình ông cũng bỏ nhà cửa... chạy theo.
Đến cầu Phú Bổn, gặp được bộ đội ta, gia đình ông quyết định quay về Kon Tum. Sau khi trình diện, ông được cho về nhà, với yêu cầu lên trình diện mỗi ngày.
Trưa 30/4, qua làn sóng radio, tôi nghe tin quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thoáng cái, cờ đỏ sao vàng được treo trước nhiều ngôi nhà. Chiến thắng đến nhanh thế đấy- ông chậm rãi nói.
Và cuối câu chuyện, hai ông lại bắt chặt tay nhau, hẹn một dịp nào đó sẽ cùng đi thăm lại chiến trường xưa.
Chúng ta gọi 30/4 là “Ngày Chiến thắng”. Người chiến thắng nở nụ cười khải hoàn nhưng cũng biết thấm vào tim những mất mát đau thương của dân tộc. Những nén nhang thơm, những giọt lệ mặn không là biểu hiện của yếu đuối, của đau khổ hay hờn căm, uất hận.
Vì vậy, ngày 30/4/1975 đã vang lên ca khúc Nối vòng tay lớn do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trình bày trên sóng phát thanh. Sài Gòn nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật, không hề có “tắm máu” như địch tuyên truyền, hù dọa người dân.
50 năm qua, Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta kiên trì hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, đối thoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết và phát triển. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa.
Như trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn để lại những di chứng sâu sắc về thể chất, tinh thần, kinh tế - xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến cả những thế hệ sinh ra khi tiếng súng đã ngưng. Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam.
Nhưng thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai.
Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn. Đó là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.
Lê Hải