Nghĩ về hạnh phúc
Tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc “hạnh phúc là gì” từ khi bị căn bệnh, có thể gọi là nan y, bất ngờ ập tới, quật ngã. Nhưng trước đó, tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về nó.
Có thể bạn sẽ cười tôi: Chuyện đơn giản mà cứ làm cho nó trở nên phức tạp. Chỉ cần lên mạng gõ 2 từ khoá hạnh phúc, hoặc cụ thể hơn, hạnh phúc là gì, đảm bảo sẽ nhận được câu trả lời. Yên tâm đi, tôi đã thử và nhận được 90,8 triệu kết quả được hiển thị trong vòng 0,4 giây, gần như ngay và luôn.
Nhưng càng xem, tôi càng rối! “Hạnh phúc là được làm những gì mình thích”; “hạnh phúc là được sống vui vẻ hàng ngày”; “hạnh phúc là được giúp đỡ mọi người”; “hạnh phúc là cho đi mà không đòi hỏi nhận lại”; “hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có”… Với mỗi người khác nhau, hạnh phúc mà họ nghĩ đến sẽ khác nhau.
Về mặt lý thuyết, có rất nhiều cách đánh giá về hạnh phúc. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí, gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.
Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) của tổ chức New Economics Foundation (Anh) luôn đặt Việt Nam trong top 5 đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Trong khi đó, Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững LHQ lại từng đặt Việt Nam ở nửa cuối, xếp hạng 94.
Trên thực tế, ý nghĩa của 2 từ hạnh phúc không khó tìm, không trừu tượng đến vậy. Tôi được “dạy” điều đó bởi 2 người rất bình thường ở bên cạnh.
Con hạnh phúc quá bác ạ- bé Bơ, “cô hàng xóm” 4 tuổi vòng tay ôm lấy cổ tôi và thủ thỉ, làm tôi ngỡ ngàng. Ấy là khi tôi giữ đúng lời hứa “không khóc khi đi nhổ răng sâu thì bác sẽ tặng Bơ một chú gấu bông thật đẹp”. Và cô bé đã kiên cường không khóc, dù khá đau và sợ.
Tôi hỏi: Vậy hạnh phúc là gì ấy nhỉ? Là vui, rất vui đó bác. Cô bé nói với nét mặt rạng ngời, buông tay khỏi cổ tôi, quay sang ôm chặt lấy con gấu bông trắng muốt vào lòng.
Vậy đấy, với một cô bé gái, hạnh phúc chính là được yêu thương.
Tôi có một người em làm công tác văn phòng. Nhiều năm qua, cô như con ong chăm chỉ, miệt mài với những chuyến đi thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Cô, và những người bạn có trái tim và tấm lòng nhân hậu luôn chắt chiu dành dụm trong chi tiêu, luôn tích cực kêu gọi, vận động mọi người ủng hộ để có kinh phí, hàng hóa cho những chuyến đi ấy.
Qua những chuyến đi, em mới hiểu và thông cảm với cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào nghèo nơi vùng sâu, vùng xa, và muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé để động viên, chia sẻ. Khi tận tay trao những món quà nhỏ vào tay bà con, em lại thấy trong lòng ấm áp, hạnh phúc.
Với cô, được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn chính là hạnh phúc.
|
Dường như tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng “với mình, hạnh phúc là gì” từ khi bị căn bệnh, có thể gọi là nan y, bất ngờ ập tới, quật ngã. Từ một người năng động, hoạt bát và yêu đời, tôi suy sụp cả về thể xác và tinh thần.
Tôi phải tuân thủ chế độ ăn thấp protein. Đó là một chế độ ăn giúp hạn chế tăng urê máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Luôn đối mặt với nguy cơ biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
Khổ nhất là không thể uống nước theo nhu cầu. Uống nhiều nước sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, khó kiểm soát huyết áp. Vì vậy, tôi luôn thèm nước. Mỗi lần nhìn anh bạn đồng nghiệp uống một hơi hết nửa chai nước suối, tôi lại cắn khẽ đôi môi nứt nẻ và nghĩ, anh ấy thật hạnh phúc.
Không phải tôi chưa từng nghĩ về cái chết, thậm chí có thời gian, suy nghĩ về cái chết luôn xuất hiện trong đầu. Mình sẽ tìm một nơi nào đó thật xa và âm thầm ra đi- tôi từng suy tính. Sức khỏe yếu ớt, những lần lọc máu đến kiệt quệ không cho tôi nhiều hy vọng sống.
Thỉnh thoảng có những người cùng bị căn bệnh ấy ra đi không kịp nói câu vĩnh biệt, làm tôi càng nghĩ nhiều về ngày mình chết. “Đôi khi, chết lại là một sự giải thoát”- tôi chua chát nghĩ, và lấy bút viết lên tường câu nói ấy.
Nhưng chính trong những ngày này, tôi tự học được nhiều bài học về hạnh phúc, về niềm lạc quan để sống. Và tôi thấy mình không nên và không thể chết.
Không cần nhắc nhiều đến việc vì sao tôi có thể đứng dậy được. Có thể là nhờ ý chí, nghị lực của bản thân; nhờ tình cảm, sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cả những người không quen biết. Có thể là cả 2. Tóm lại, trong tôi bật lên tiếng nói mạnh mẽ: Tôi muốn sống.
Từ đó, tôi tìm trên internet các bài thể dục nhẹ và tập theo; ráng ăn uống theo chế độ; lấy khăn ướt thấm môi mỗi khi thèm nước… Tôi thấy mình khỏe ra. Và luôn chờ mong một phép lạ.
Tôi thấy thật hạnh phúc khi chiến thắng ý muốn được chết.
Đêm trước khi tôi vào phòng mổ, những bệnh nhân cùng điều trị với tôi tụ tập dưới khuôn viên bệnh viện. Mọi người ngồi trên bãi cỏ, cùng ăn những miếng bánh không đường, không protein, không muối, và nói dăm ba câu chuyện đùa. Ai cũng nói tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được phẫu thuật. Tôi cũng nói rằng, mọi người sẽ may mắn và hạnh phúc như tôi.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi và thời gian thì không chờ đợi một ai. Hạnh phúc là do ta tự tìm lấy cho mình. Hãy trân trọng những phút giây mình đang sống và hãy làm cho nó trở nên có ý nghĩa hơn, mỗi ngày chúng ta đang sống là những ngày hạnh phúc, vui vẻ tràn đầy niềm tin và hi vọng.
Khi tôi viết bài này, cũng là lúc đủ tĩnh lặng để tôi nghĩ về hạnh phúc.
Tất nhiên, cách nghĩ về hạnh phúc của tôi có thể sai với bạn. Nhưng tôi hài lòng vì đã định nghĩa được 2 từ “hạnh phúc”, cho mình.
Vì vậy, tôi hạnh phúc!
Thành Hưng