Ngời sáng những tấm gương người cao tuổi
Nhìn các cụ ông, cụ bà tươi cười rạng rỡ bước lên bục vinh danh sản xuất kinh doanh giỏi, tôi tự hỏi, liệu còn tấm gương nào sáng hơn, có sức thuyết phục, lan tỏa hơn những tấm gương người cao tuổi tại Hội nghị Biểu dương người cao tuổi sản xuất- kinh doanh giỏi giai đoạn 2012- 2017 toàn tỉnh được tổ chức vào sáng 24/7 vừa qua, mà chúng tôi vinh hạnh được tham dự.
Giữa bộn bề những thông tin tiêu cực ở một số lĩnh vực diễn ra trong đời sống xã hội trong thời gian gần đây - những thông tin làm cho mọi người lo lắng, băn khoăn như việc sửa điểm thi THPT quốc gia năm 2018, bão lũ, đến vụ bạo hành kinh hoàng một phụ nữ người huyện Đăk Glei…, nếu chọn câu chuyện ấn tượng nhất trong tuần, tôi sẽ chọn hình ảnh các cụ ông, cụ bà tươi cười bước lên bục vinh danh sản xuất kinh doanh giỏi vào sáng 24/7.
Sẽ là “đương nhiên” như vốn phải thế, nếu như bước lên bục vinh danh là những đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ trẻ trung, năng động - tôi cho là không ít người nghĩ vậy, bởi chúng ta mặc định sản xuất – kinh doanh là lĩnh vực "không dành cho người già". Thường thì, trong một gia đình đa thế hệ, người già dĩ nhiên chỉ giữ vai trò quan trọng dạy bảo con cháu, làm gương để con cháu học theo những đức tính tốt...
Đằng này, những cụ ông, cụ bà ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” lại tự tin bước lên bục để được vinh danh về sản xuất kinh doanh giỏi là việc ít ai ngờ và rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Chỉ bằng hành động, các cụ đã cho chúng ta thấy "tuổi cao chí càng cao" là như thế nào, và chứng minh rằng, tuổi già xứng đáng là gương sáng ở bất cứ lĩnh vực nào.
Trong số rất nhiều những gương sáng ở tuổi “xưa nay hiếm” tôi chỉ xin kể về cụ bà Lê Thị Thạnh - một người mà tôi đã biết khá lâu.
Năm nay cụ Lê Thị Thạnh đã 76 tuổi, nhưng còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh lắm, và đặc biệt, cụ vẫn đang là Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tuấn - một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát xây dựng.
Do công việc, tôi được gặp cụ Thạnh đôi lần, và luôn bị thuyết phục bởi sự sắc sảo, minh mẫn hiếm thấy ở một người cao tuổi. Thành lập doanh nghiệp từ năm 2009, cụ bà đã chèo chống, lèo lái Thanh Tuấn từng bước đi lên, từ một xí nghiệp tư nhân nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát (năm 2009), vượt qua bao khó khăn, dần lớn mạnh, trở thành Công ty TNHH Thanh Tuấn có uy tín bây giờ.
Theo tính toán của cụ bà, vốn đầu tư hiện có của doanh nghiệp là 2,5 tỷ đồng; doanh thu năm 2017 đạt gần 2 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 450 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên, đường đi của Thanh Tuấn không thể bằng phẳng trong một thị trường khoáng sản luôn biến động và nhiều rủi ro. "Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, quay về buôn bán nhỏ lẻ như trước, nhưng nghĩ lại, bao nhiêu tâm huyết, công sức, tiền của mình bỏ ra, rồi cuộc sống của con cháu, của hàng chục người lao động đều dựa vào hoạt động của doanh nghiệp, nếu nghỉ rồi thì biết bấu víu vào đâu, thế là lại cố gắng"- cụ bà kể, nhẹ như không.
Còn nhớ hôm tiếp chuyện cụ, người cháu trai đã "phàn nàn" vui rằng: Ở tuổi bà, hầu hết đều vui thú nhà cửa, được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng, nhưng bà thì khác. Bà nói, còn sức thì còn làm, không muốn thành "gánh nặng" cho con cháu. Khách hàng gặp "Giám đốc Công ty" đều bất ngờ và nể phục.
Không chỉ điều hành hoạt động của Công ty TNHH Thanh Tuấn, cụ bà Lê Thị Thạnh còn tích cực cùng con cháu tăng gia sản xuất, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng trọt và chăn nuôi. Không hô hào, không kêu gọi, cụ bà chỉ chứng minh bằng việc làm cụ thể và thuyết phục con cháu bằng chính những việc làm ấy.
Tôi biết ở phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) có mấy thanh niên từng ngổ ngáo, lười làm, ham chơi lắm, nhưng nghe lời khuyên của cụ bà, bây giờ chăm chỉ làm ăn, tích cóp được tiền làm nhà. Sau này, khi được hỏi lý do thay đổi, có anh ngượng ngùng nói: Người già mà vẫn còn làm được như vậy, mình lại chơi bời, thấy xấu hổ quá...
Có người bạn hỏi sau lễ vinh danh: Ông có cảm nghĩ gì về buổi lễ hôm nay? Tôi đã thẳng thắn mà rằng: Rất tự hào, rất khâm phục. Và nếu có điều gì khiến cho chúng ta phải suy nghĩ thì đó là làm thế nào để không bị "tụt hậu" sau các cụ mà thôi.
Bên lề lễ vinh danh, ông Nguyễn Huỳnh - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum có chia sẻ với tôi rằng: Trong số 82 điển hình người cao tuổi được vinh danh hôm nay, có ai mà không từng trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước? Nhưng hôm nay, họ vẫn gương mẫu ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ là "ông bà mẫu mực", mà còn phấn đấu chiến thắng tuổi tác, bệnh tật để trở thành những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.
Có câu, gương sáng không phải do được đánh bóng, không phải do hô hào, kêu gọi, mà bản thân gương thực sự sáng, nếu không, sao có thể để người khác noi theo. Người cao tuổi đã nêu gương sáng, đó là điều thúc giục tuổi trẻ chúng ta nghĩ và hành động vì cộng đồng xã hội!
Thành Hưng