• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Xã hội

Như chưa hề có cuộc chia ly

10/12/2017 17:59

Sau 37 năm lưu lạc, bà Lê Thị Ngâu ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum và chị Nguyễn Thị Huệ (con gái bà Ngâu, trước đây tên là Trần Thị Kim Anh hiện đang sống ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã tìm được nhau như một phép màu kỳ diệu. Dù đã đoàn tụ được 5 năm, nhưng, chỉ cần nhớ lại, chỉ cần gợi lại về cuộc chạy loạn tháng 3/1975, về nỗi khắc khoải nhớ mong trong suốt mấy chục năm trời là những giọt nước mắt cứ thế mà tuôn trào…

Mờ mịt đường về…

“Nếu hồi đó (tháng 3/1975), tôi không nghe theo quân địch tuyên truyền: Phải nhanh chóng tản cư, phải nhanh chóng đi khỏi nơi này. Ở lại, cộng sản sẽ giết chết hết… thì mọi chuyện đâu nên nỗi” - Vừa gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Ngâu (năm nay 74 tuổi) vừa nói với chúng tôi vừa như thầm trách sự nhẹ dạ cả tin của mình như vậy.

Nhưng, thời điểm đó, chẳng riêng gì gia đình bà Ngâu, mà nhiều hộ gia đình khác ở vùng Đoàn Kết và các địa phương khác trong tỉnh, trong khu vực cũng nhẹ dạ nghe theo lính ngụy tháo chạy. Tức là, ngay sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), đường 14 và 26 cắt đứt, quân ta chặn luôn đường tiếp viện của địch trên đường 19 nối Bình Định với Tây Nguyên. Thế cách mạng lên cao, quân địch buộc phải rút quân về đồng bằng chỉ duy nhất trên con đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối Quốc lộ 14 ở Chư Sê – Gia Lai với Quốc lộ 1 ở Tuy Hòa – Phú Yên). Nhưng rồi, con đường độc đạo đó cũng bị quân ta chốt chặn ngay đèo Tô Na (khi ấy là thị xã Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn, nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Và trong cuộc tháo chạy gồm những gia đình lính ngụy và cả những người dân thường nhẹ dạ cả tin, không ít đứa trẻ bị thất lạc…

Nhớ lại những năm tháng kinh hoàng ấy, bà Ngâu bảo rằng, khi ấy, chị Huệ mới 5 tuổi (chị sinh năm 1970). Bà vì còn bận con nhỏ (em của chị Huệ lúc đó mới 3 tháng tuổi) nên nhờ người cậu dẫn dùm chị Huệ. “Sau này, ông cậu bảo là trên đường đi, cháu khát nước quá nên ông bảo cháu đứng ở ngay đường đợi để đi xin nước. Nhưng khi đó, chiến tranh, nghe bom rền đạn dội, chị Huệ sợ quá bỏ chạy, ông cậu quay lại không còn nữa” – bà Ngâu kể.

Còn chị Huệ, khi bỏ chạy, đã gặp được một gia đình lính ngụy cũng trên đường chạy về quê thương tình dắt chị đi cùng về Tây Sơn, Bình Định. Nhưng chẳng phải thế mà chị Huệ có được gia đình mà nhờ cậy.

Đôi mắt đỏ hoe khi nhớ về những năm tháng lưu lạc, chị Huệ kể rằng, mới 5 tuổi đầu mà chị phải chuyển đi ở với 3 gia đình. Sau khi về nhà người vợ chồng lính ngụy một thời gian, có một gia đình khác không có con xin nhận chị về nuôi. Chuyển sang gia đình mới cũng không ở được, nay bị đập, mai bị đánh vì chị bị người vợ xếp vào diện tình nghi con riêng của chồng. Thương tình, gia đình thứ ba, tức là gia đình ông Nguyễn Đức Diệp nhận về nuôi.

“Khi ấy, ba Diệp đã có 2 con trai và sau này (năm 1977) sinh thêm một em gái nữa. Ba Diệp coi tôi như con đẻ trong nhà, đặt tên theo họ ông tức là Nguyễn Thị Huệ. Ba mẹ cho ăn học, nuôi dạy lớn khôn, gả chồng cho tôi như những người con khác của mình” – chị Huệ nói.

Dù có ba mẹ nuôi, có các anh, em gái nuôi đùm bọc nhưng chị Huệ vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ mong về ba mẹ ruột và các chị em của mình. Chiến tranh, mất mát và đau thương hiện hữu ngay trong tâm trí của những đứa trẻ phải lưu lạc quê  hương, gia đình khi mới 5 tuổi như chị. Chị dò hỏi nhiều nơi, nhiều người nhưng rốt cục cũng chỉ là những cái lắc đầu vô vọng. Không vô vọng sao được khi trong ký ức vụn vỡ của chị chỉ là những mảnh ghép mơ hồ rằng, có một người đàn ông dắt mình đi (không biết đó là cậu), còn mẹ bận ẳm em, mình tên là Kim Anh và ba tên là ông Bảy Tới (ba của chị tên là Trần Tới -PV). Chị không hề nhớ được gia đình mình ở đâu để từ đó còn dễ mà khoanh vùng tìm kiếm.

Còn bà Ngâu, từ ngày thất lạc con, bà như người mất hồn. Thương con còn quá nhỏ, vợ chồng bà và người thân đi khắp vùng Phú Bổn tìm kiếm. Nhưng, hết đợt này, đến đợt khác cũng chẳng có chút manh mối nào… Bà Ngâu nghẹn ngào: Chưa lúc nào tui thôi nghĩ về những năm tháng đó, thôi nghĩ về nó. Nhiều đêm tui không ngủ được, khóc vì thương con. Trước ngày ba nó mất, ổng cũng nhắc tui gắng mà tìm nó… Nên càng nghĩ tui càng đau khổ bội phần.

Bình yên sau dâu bể

Cuối năm 2007, khi Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng, bà Ngâu khấp khởi mừng thầm, nhờ cháu biên thư gửi đến chương trình.

Phần chị Huệ, năm 2009, cũng gửi thư đến Chương trình chỉ với vài ba mảnh ghép mơ hồ còn sót lại trong ký ức non nớt của cô bé 5 tuổi.

Và, điều kỳ diệu đã xảy ra…

Nhờ có Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly chị Huệ đã được về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: L.H

 

Năm 2012, sau quá trình tìm kiếm, đối chiếu thông tin, Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly về tận nhà bà Ngâu tìm kiếm thêm một số thông tin nữa và thông báo tìm được con giúp bà. Bà cũng kể, trước đó, khi chị Huệ gửi hồ sơ, có người quen trong xã Đoàn Kết xem Chương trình này trên ti vi đã chạy vội đến nhà bà kể rằng cũng có một người phụ nữ muốn tìm gia đình có cha tên Bảy Tới đã nhen lên trong bà niềm khấp khởi hy vọng...

Còn chị Huệ, mọi thông tin đều ở trong vòng bí mật. Khi chị vào Thành phố Hồ Chí Minh theo lịch hẹn của Chương trình, chị cũng không nhiều hy vọng. “Lúc đó, chị cứ nghĩ, 37 năm day dứt, 37 năm khắc khoải nhớ mong, thôi thì người ta nói vậy cố gắng sắp xếp đi xem thử thế nào” - chị Huệ nghẹn ngào.

Và đúng là không chỉ xem thử thế nào, chị đã gặp được mẹ, được các chị, các em sau 37 năm xa cách và cũng là 37 năm với biết bao dâu bể. “Lúc ngồi tham dự Chương trình, nhìn qua phía bên, chị thầm nghĩ sao có người giống mình đến thế (em gái kế chị - PV)” – chị Huệ nói.    

Phút giây Chương trình thông báo chính thức, những cái ôm chặt bù lại bao năm xa cách, những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi. Ngày chia ly, mẹ mái tóc còn xanh, con mới là cô bé 5 tuổi không nhớ được tên mẹ, tên quê hương bản quán. Ngày gặp lại, mẹ  mái tóc bạc trắng; con đã 42 tuổi, có một gia đình hạnh phúc và là bà mẹ của 3 người con.

Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu câu chuyện kể mãi chưa dứt… Cả gia đình bà Ngâu cùng nhau về xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thăm gia đình chị, thăm gia đình ân nhân đã cưu mang chị  suốt 37 năm qua. “Đúng là mọi chuyện không ngờ, nhà nó (nhà chị Huệ -PV)  ngay dọc con đường lộ mà tui vẫn đi qua để về quê Vĩnh Thạnh của mình bao nhiêu lần. Rồi, người thân trong gia đình tui cũng thường xuống Tây Thuận buôn bán, vào nhà nó nhiều lần nên khi gặp nó đã kêu đúng là quả đất tròn” – bà Ngâu kể.

Sau lần gặp đó, 5 năm nay, chị Huệ trở thành có hai gia đình. Những cuộc đoàn tụ giữa những người thân yêu của chị Huệ vẫn diễn ra đều đặn, lúc ở Kon Tum, lúc ở Bình Định. Chị bảo rằng, đã 5 năm nay, ngày giỗ ba, dịp lễ tết, chị đều về Kon Tum thăm gia đình. Mỗi lần đi đều có thêm người thân là ba mẹ nuôi, anh, em nuôi… từ Bình Định lên cùng. Trên Kon Tum này mỗi dịp xuống cũng vậy, vài ba người xuống thăm nên tình cảm hai gia đình khăng khít.

Hôm chúng tôi đến, chị Huệ về đám giỗ ba mình. Nhìn các con sum vầy, nhìn bà con làng xóm đến chia vui, thăm hỏi, bà Ngâu không khỏi rưng rưng. Từ ngày tìm được con, ai cũng bảo bà khỏe ra, da dẻ hồng hào, mập mạp hơn trước.

Ai cũng mừng cho gia đình bà Ngâu, mừng cho chị Huệ đã tìm thấy cái kết có hậu sau 37 năm dài đằng đẵng. Và trong số bà con lối xóm đến chia vui đó, cũng có những gia đình có con lưu lạc trong cuộc rút quân tháng 3/1975 năm ấy thêm phần hy vọng…

Liễu Hạnh 

   

Các tin khác

  • Thu nhận mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa xác định danh tính
  • Thành phố Kon Tum tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo đợt II năm 2025
  • Tiếp xúc, tuyên truyền đối với KOLs, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội
  • Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam
  • Công an tỉnh: Tổ chức kì sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1
  • Nhiều kết quả thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa
  • Chủ động và tích cực tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013
  • Kon Rẫy hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
  • Tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi: Tạo điều kiện cho sắp xếp tổ chức bộ máy
  • Đăk Hà: Một người đàn ông bị sét đánh tử vong trong lúc đi làm về
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Thu nhận mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ chưa xác định danh tính
  • UBND tỉnh đồng ý khởi công mới một số dự án cấp thiết
  • Thành phố Kon Tum tổ chức Ngày hội hiến máu nhân đạo đợt II năm 2025
  • Tiếp xúc, tuyên truyền đối với KOLs, quản trị viên các hội, nhóm, trang mạng xã hội
  • Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam
  • Công an tỉnh: Tổ chức kì sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1
  • Ðảng viên trẻ nêu cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội
  • Nhiều kết quả thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by