Nơi chiến tranh đi qua
Xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được ví như “vùng đất chết”, bởi từng hứng chịu thảm họa chất độc da cam dioxin mà đế quốc Mỹ trút xuống trong chiến tranh. Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, vượt qua những mất mát, đau thương và sự chịu thương, chịu khó, người dân xã Sa Nghĩa vươn lên, biến nơi đây thành vùng đất trù phú, ngút ngàn màu xanh của ruộng đồng, cây công nghiệp.
Chúng tôi trở lại Sa Nghĩa vào một ngày tháng Tư chói chang nắng. Nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, mảnh đất Sa Nghĩa thật sự hồi sinh, "thay da, đổi thịt" một cách phi thường.
Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa Lại Văn Huy hồ hởi tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, vui mừng nói: Sa Nghĩa bây giờ đã thay đổi khác xưa nhiều. Xã đã được công nhận nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao rồi. Chuyện phải làm bây giờ là làm sao để đưa xã bước vững chắc trên con đường phát triển kinh tế- xã hội, mọi người dân đều có thu nhập cao, ổn định.
Với quyết tâm đưa xã trở thành một vùng đất trù phú, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến nay, cấp ủy và chính quyền xã luôn có nhiều quyết sách để cải tạo những vùng đồi trọc, đất cằn cỗi thành những diện tích trồng mì, cây công nghiệp; biến những vùng sình lầy, khô hạn thành những mảnh ruộng lúa tốt tươi.
Đến năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước đạt 703 tỷ đồng, tăng 1,72 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người từ 46 triệu đồng (năm 2020) lên 66 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước từ 5,07 tỷ đồng (năm 2020) lên 7,1 tỷ đồng. Xã hiện có 1.641,2ha gieo trồng, tăng 59,2ha so với năm 2020; trong đó có 161,47ha cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Chăn nuôi ở xã phát triển ổn định. Hiện tổng đàn gia súc ở xã đạt gần 1.000 con. Bước đầu xã thu hút được một số doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư và có 1 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền giới thiệu vị trí lập dự án chăn nuôi công nghệ cao.
Chủ tịch UBND xã Lại Văn Huy cho biết thêm: Xã có nhiều hộ có diện tích cao su, cà phê, sầu riêng từ 5-20ha. Đặc biệt từ khi cà phê, sầu riêng có giá, nhiều hộ gia đình có thu hoạch từ 120-130 tấn cà phê (quả tươi), vài chục tấn sầu riêng/năm, trở thành những hộ có thu nhập cao trong xã.
Những năm gần đây, xã thực hiện tốt đề án “cải tạo vườn tạp” gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chỉ trong vòng 4 năm 2020-2024, xã cải tạo gần 58ha vườn tạp với 467 hộ tham gia, trong đó có 79 hộ người DTTS.
Để có được cuộc sống như hôm nay, ngoài mồ hôi, công sức, sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân Sa Nghĩa, phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của cấp ủy, chính quyền huyện Sa Thầy và xã Sa Nghĩa; sự giúp đỡ và hỗ trợ người dân cây, con giống, phân bón, công cụ sản xuất, khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu.
|
Trong quá trình vươn lên xây dựng cuộc sống mới, xuất hiện những điển hình sản xuất như ở thôn Đăk Tân có hộ Phạm Bá Đỉnh với 4,3ha cà phê, cho thu hoạch 126 tấn quả tươi/năm, ông Phạm Tiến Đông hơn 4ha cà phê, thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm, ông A Ly trồng 1.200 cây cà phê xen canh, 100 cây sầu riêng, thu nhập gần 600 triệu đồng/năm; ở thôn Nghĩa Dũng có bà Đỗ Thị Tuyết trồng 4ha cà phê, 700 trụ hồ tiêu, 350 cây sầu riêng (50 cây đã cho thu hoạch), tổng thu nhập mỗi năm (sau khi trừ chi phí) gần 1,4 tỷ đồng hay nhóm hộ Bùi Văn Hồng- Nguyễn Phát với hơn 10ha sầu riêng được cấp mã VietGAP cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Bà Đỗ Thị Tuyết, thôn Nghĩa Dũng, cho biết: Gia đình tôi bắt đầu làm kinh tế từ năm 2004, với số tiền tích cóp được hai vợ chồng mua 1ha đất nông nghiệp. Sau đó, được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cây cà phê. Qua từng năm, số tiền tích cóp được tôi đầu tư mở rộng diện tích, đến nay đã sở hữu 4ha cà phê và 700 trụ hồ tiêu.
Từ một xã nghèo, điểm xuất phát hầu như con số không, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 66 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình đã sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong gia đình như ti vi, xe máy, tủ lạnh, các phương tiện thông tin hiện đại, nhiều hộ gia đình còn sắm ô tô sang trọng.
|
Kể từ khi Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sa Nghĩa vinh dự được chọn làm điểm của tỉnh. Chính từ đây, nhiều tiêu chí nông thôn mới đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Mồ hồi, công sức lao động của người dân Sa Nghĩa trong những ngày gian khó được đền đáp: Năm 2019 xã Sa Nghĩa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 13/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký Quyết định số 470/QĐ-UBND công nhận xã Sa Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Dương Đức Nhuận