Sa Thầy: Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Thời gian qua, huyện Sa Thầy đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những biện pháp chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trên địa bàn. Qua đó, tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Chính – Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy cho biết: Toàn huyện có 33 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực với khoảng 2.000 lao động. Ngoài những lao động làm việc trong doanh nghiệp còn có nhiều lao động làm việc thời vụ, không có hợp đồng tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn. Hàng năm, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ của huyện tích cực tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch hoạt động, chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động,chú trọng công tác tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu và thực hiện nghiêm các biện pháp ATVSLĐ. Nhờ vậy, thời gian qua trên địa bàn không xảy ra vụ việc tai nạn lao động nào nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện Sa Thầy tập trung chỉ đạo bộ phận y tế triển khai quyết liệt, khẩn trương các biện pháp nghiệp vụ trong tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xử lý trong tình huống dịch bệnh xảy ra, đồng thời thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo “5 K” của Bộ Y tế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế- xã hội.
|
Huyện Sa Thầy đã triển khai Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” với những nội dung thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự tham gia của người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều tuân thủ đúng các quy định, yêu cầu về ATVSLĐ, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chất lượng môi trường làm việc tại đơn vị.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Vina (thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu tinh bột sắn. Hàng năm, công ty chú trọng công tác tuyên truyền về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức gặp mặt người lao động để phổ biến, tuyên truyền các quy định về ATVSLĐ; thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ máy móc thiết bị đảm bảo an toàn, chống cháy nổ; trang bị đầy đủ thiết bị, đồ bảo hộ lao động cho công nhân. Nhờ đó, nhiều năm liền công ty không có trường hợp xảy ra tai nạn lao động.
Ông Trần Đình Trọng- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Vina cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền cho công nhân thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc cũng như ở nhà; đảm bảo trang bị các vật dụng cần thiết như khẩu trang, nước sát khuẩn tại nơi làm việc để tạo một môi trường làm việc an toàn”.
Triển khai thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030, huyện Sa Thầy đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND để hướng dẫn các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động tại đơn vị mình nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Sa Thầy đạt một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% người lao động tiếp xúc với amiăng (vật liệu độc hại ) được thăm khám và quản lý sức khỏe; 100% cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động; 80% cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lấy nhiễm, thực hiện nâng cao chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh; 100% người lao động được cấp cứu tai nạn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ trên địa bàn huyện Sa Thầy vẫn còn một số hạn chế như một số tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ còn chủ quan trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ. Ngoài ra, những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện phần lớn có quy mô vừa và nhỏ nên bị hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác ATVSLĐ.
Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cho cộng đồng, người lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Hoàng Thanh