Sáp nhập tỉnh, cán bộ nữ băn khoăn nhưng không chùn bước
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập tỉnh, tại tỉnh Kon Tum sẽ có nhiều cán bộ nữ được điều động, luân chuyển đến trung tâm hành chính tỉnh mới làm việc. Điều đáng ghi nhận, dù biết trước phải vượt qua muôn vàn khó khăn, nhưng nhiều cán bộ nữ cho hay sẽ không chùn bước, dù có băn khoăn.
|
|
“Chị em phụ nữ là công chức, viên chức đi xuống một địa bàn mới có rất nhiều lo lắng, đó là về nơi ăn, chốn ở. Gia đình có cha mẹ lớn tuổi công việc sắp xếp ra làm sao để có thể vừa chăm sóc được người trong gia đình vừa hoàn thành được công việc quả thực là một thử thách lớn”.
“Công việc của bố và mẹ không tương đồng với nhau không thể di chuyển cả bố và mẹ, như thế thì con sẽ mất đi một phần nào đó về sự giáo dục thường xuyên hàng ngày của một trong hai người. Bây giờ giá bất động sản ở Kon Tum xuống thấp và giá bất động sản ở Quảng Ngãi đã lên một cách chóng mặt, cán bộ không thể nào mua nhà mua đất để an cư”.
“Tôi xác định rằng sẽ đối mặt với những khó khăn. Khi chuyển xuống tỉnh mới thì chồng một nơi, vợ một nơi. Hai vợ chồng thống nhất là năm đầu tôi xuống tỉnh mới làm việc sẽ gửi con cho ông bà ngoại. Sau thời gian ổn định được mọi thứ thì tôi sẽ đưa các cháu xuống sau”.
Trên đây là những nhận định, tâm tư và cả kế hoạch vượt khó điển hình của nhiều nữ cán bộ, công chức, người lao động từ tỉnh Kon Tum dự kiến sẽ được điều động, luân chuyển đến nơi làm việc mới sau sáp nhập.
Có 2 con nhỏ (1 học lớp 5, 1 học lớp 1) và chồng công tác ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, cách nhà gần 100km, chị Hà Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Tổ chức Hành chính- Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, hoàn cảnh của chị có thuận lợi hơn nhiều chị em khác là có thể gửi 2 con cho ông bà nội các cháu ở thành phố Kon Tum để đến nơi làm việc mới. Thế nhưng việc hàng ngày không được gần gũi chăm sóc 2 con thật không dễ dàng với một người mẹ.
“Vợ chồng tôi hay trao đổi với nhau các cháu cũng có nghe được. Các cháu trình bày quan điểm là chúng con sẽ ở lại Kon Tum học bởi vì đã quen trường, quen lớp, quen môi trường. Với quan điểm của các cháu thì tôi cũng thấy đây là một thách thức lớn với cá nhân tôi. Việc không thể đưa các con đi theo đồng nghĩa rằng tôi không thể gần gũi chăm sóc các con được. Mà đưa các con đi thì công việc của chồng cũng như là ông bà đi theo rất là khó khăn. Tôi nghĩ mình sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức”- chị Hà Thị Hạnh chia sẻ.
Có chồng đi làm bên nước bạn Lào, một mình nuôi 3 con nhỏ, con đầu mới đang học lớp 4, lại không có sự hỗ trợ từ hai bên gia đình nội, ngoại, chị Thái Thị Hoàn- Phó trưởng Ban phong trào, Tỉnh đoàn Kon Tum thấy rất rõ những khó khăn sẽ phải vượt qua khi đưa 3 con nhỏ chuyển xuống tỉnh Quảng Ngãi (mới) làm việc.
Chị Hoàn cho biết, vợ chồng chị đã có dự liệu chứ không thể để “nước đến chân mới nhảy”. Phương án của chị là khi thực hiện sáp nhập tỉnh có quyết định chuyển xuống tỉnh Quảng Ngãi (mới), việc trước mắt chị sẽ thuê nhà trọ rồi đưa các con xuống sớm để các cháu làm quen môi trường sống mới.
Sau thực hiện sáp nhập, dự kiến sẽ có gần 1.000 cán bộ, công chức, người lao động từ tỉnh Kon Tum xuống tỉnh mới Quảng Ngãi làm việc. Cùng với quãng đường di chuyển khoảng 200km theo Quốc lộ 24, trong đó còn hơn 60km đèo dốc khó đi, đội ngũ cán bộ tỉnh Kon Tum, nhất là cán bộ nữ, canh cánh nỗi lo sắp xếp việc gia đình, bên cạnh công việc chuyên môn.
Làm lại từ đầu ở một vùng đất mới, nơi mà thời tiết còn chưa quen, nhà cửa chưa ổn định, con nhỏ cần chăm sóc, bố mẹ già cần phụng dưỡng đòi hỏi các cán bộ nữ phải sẵn sàng tâm thế vượt qua chính mình. Bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết, thấu hiểu những lo toan của cán bộ nữ, với trách nhiệm được giao, bản thân đang nỗ lực để phần nào giúp chị em yên tâm với chuyện học hành của các con khi tới tỉnh mới công tác.
“Sở GD&ĐT chủ động thống kê nhu cầu có khoảng 600 học sinh con em cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu, nguyện vọng theo cha mẹ về học tập tại tỉnh Quảng Ngãi (mới). Sở đã gửi thông tin đến Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng như báo cáo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để quan tâm đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, công chức an tâm trong quá trình tổ chức sáp nhập”- bà Phạm Thị Trung khẳng định.
Để có thể vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vì sự phát triển chung của đất nước, khi được điều động, luân chuyển đến các tỉnh mới sau sáp nhập làm việc, các nữ cán bộ, công chức, người lao động tỉnh Kon Tum đang sẵn sàng tâm thế vượt qua khó khăn. Cùng với đó để hỗ trợ cán bộ nữ nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình yên tâm làm việc, hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum cũng đang triển khai loạt phương án hỗ trợ cán bộ khi tới tỉnh mới, như việc đi lại giữa hai tỉnh, nơi ở tại tỉnh mới và giúp cán bộ ổn định việc riêng gia đình.
Khoa Điềm