Sư đoàn 10 hành quân thần tốc để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh
Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) là đơn vị cuối cùng quét sạch quân địch trên chiến trường Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ cho đơn vị đánh chiếm 2 mục tiêu trong 5 mục tiêu chủ yếu đó là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu Ngụy. Thừa hưởng kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đã trải qua tháng năm gian khổ, vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục chiến đấu đã giành thắng lợi to lớn.
|
Sư đoàn 10 kế thừa chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên trong suốt những năm dài chống Mỹ cứu nước. Chính vì thế, sau khi được thành lập, Sư đoàn đã cùng với quân và dân tỉnh Kon Tum liên tiếp lập được nhiều chiến công lớn, san bằng hàng loạt cứ điểm, cụm cứ điểm, giải phóng hầu hết tỉnh Kon Tum.
Đại tá Lê Ngọc Tùng - nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 nhớ lại: Sư đoàn 10 tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và là đơn vị cuối cùng quét sạch quân địch trong trận đánh Buôn Mê Thuột. Năm 1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 10 tiếp tục được Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ khẩn trương, nhanh chóng tiến xuống đồng bằng ven biển để tiếp tục chiến đấu, tham gia giải phóng Nha Trang, Quân cảng Cam Ranh và tỉnh Khánh Hòa.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ đánh chiếm 2 trên 5 mục tiêu quan trọng đó là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy. Sáng 29/4, được lệnh xuất phát tiến công, Sư đoàn triển khai Trung đoàn 28 tiến thẳng vào phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất; sau khi đội hình của Trung đoàn tiến đến Phú Hòa Đông thì bị địch ở Tân Quy phát hiện, chúng dùng pháo bắn chặn. Đến 11 giờ 30 phút, Trung đoàn đánh chiếm được Phú Hòa Đông, sau đó nhanh chóng phát triển theo đường 15, qua Cầu Sáng, Cầu Bông; phát triển chiếm khu tây – nam, quân ta làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, quận lỵ Đức Hòa; đánh chiếm ngã ba Vĩnh Lộc, Cầu Sáng, lộ 10, phát triển tiến công địch ở Cần Giuộc và Hưng Long. Lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định tích cực hoạt động diệt bọn ác ôn đầu sỏ, đánh chiếm đồn bốt địch mở bàn đạp ở vùng sâu, tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực đánh chiếm vào nội đô; đồng thời đánh chặn tàn quân địch ở bên ngoài chạy về thành phố và làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Trên hướng tiến công của Trung đoàn 24 trên trục đường 1, đến 5 giờ 30 phút ngày 29/4, từ Dầu Tiếng - Tây Ninh đội hình Trung đoàn đã được lệnh xuất phát tiến công, đi đầu đội hình là Đại đội 7, khi đến cách quận lỵ Củ Chi khoảng 4km thì bị lực lượng bộ binh và xe tăng địch đóng ở gần đó dùng hỏa lực bắn ra ngăn chặn. Thừa thắng, đội hình của Trung đoàn tiếp tục tiến thẳng vào quận lỵ Củ Chi ra đường 1 đến cầu Bông và tiến thẳng về thành quan Năm. Tại đây, địch nổ súng chống trả quyết liệt, sau 30 phút chiến đấu Đại đội 7 đã đập tan được cụm quân địch chốt chặn ở thành quan Năm rồi tiếp tục tiến về Trung tâm huấn luyện Quang Trung.
Đến 5 giờ 30 phút ngày 30/4, toàn bộ các trận địa pháo của Quân đoàn 3 và Sư đoàn 10 đồng loạt bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy. Đến 8 giờ sáng ngày 30/4, quân địch cố thủ ở ngã tư Bảy Hiền bị quét sạch. Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn xe tăng 273 của Quân đoàn 3 phát triển đánh chiếm cổng số 5 và đột phá vào sân bay. 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất – căn cứ không quân lớn nhất của quân ngụy Sài Gòn. Lá cờ Quyết thắng, truyền thống của Quân đội ta được các chiến sĩ Đại đội 11 kéo lên đỉnh cột cờ tung bay trong nắng.
Với sự kết hợp tiến công quân sự của Sư đoàn 10, các đơn vị chủ lực và nổi dậy của quần chúng trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đó là nét điển hình của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, qua đó đã góp phần quan trọng vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Duy Hùng