Sức sống mới từ một Cuộc vận động - Bài 4: “Thay da đổi thịt” nhờ đổi thay
Dọc theo những con đường bê tông, đường nhựa được trải dài đến tận triền núi, hàng quán sầm uất, những mái nhà lụp xụp tự bao đời được thay thế bằng nhà xây, nhà cao tầng. Trên những cánh đồng bạt ngàn, cà phê, cao su được tưới mát bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. 4 năm qua, Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, làm bừng lên sức sống mới cho chính người DTTS, làng người DTTS.
|
“Thay da đổi thịt” nhờ đổi thay
Làng Mới- cái tên như thể được đặt trước cho một hành trình "đổi đời" kỳ diệu. Nằm ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Làng Mới từng là nơi gần như “trắng” tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Khi Cuộc vận động được phát động, thôn chỉ đạt 5/10 tiêu chí cơ bản; 99% số hộ nhà không có hàng rào, cổng ngõ; người dân sống chủ yếu bằng phương thức tự cung, tự cấp, lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Thế nhưng chỉ sau 4 năm, Làng Mới đã hoàn toàn “lột xác”. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa thẳng tắp bên những dãy nhà xây còn vương mùi sơn. Chính Bí thư Chi bộ A Năng cũng bất ngờ về những đổi thay ở thôn. “Trước đây bà con mình giẫm ruộng bằng chân, từ lúc gieo đến lúc gặt phụ thuộc cả vào thiên nhiên. Bà con cũng không biết cách mua bán, chủ yếu tự cung, tự cấp. Đã thế, còn nặng gánh về hủ tục nên cuộc sống người dân khó khăn lắm. Ấy thế mà bây giờ, thôn Làng Mới đã “lột xác”. Không thể tin được, từ việc trung thành với cây lúa, bây giờ, hơn 100 hộ mạnh dạn vay hơn 8 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH để trồng cà phê xứ lạnh, sâm dây, sâm Ngọc Linh, liên kết sản xuất. Như mình đây, từ năm 2021 đến nay, duy trì diện tích sâm dây và phát triển lên 6.000 cây sâm Ngọc Linh. Tự nhìn nhận, chính mình cũng có sự thay đổi lớn”- ông A Năng nói.
Những gương mặt lúc nào cũng e ngại, tự ti trong giao tiếp nay đã biết cách niềm nở, dẫn khách khi đến thăm thôn. 125/151 hộ dân từng để nhà cửa rậm rạp cây tạp nay đã chỉnh trang, bố trí các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả. Những ngôi nhà chênh vênh nơi sườn đồi đã được cứng hóa, kiên cố 100%. 125/151 hộ có hàng rào xung quanh nhà. Từ việc tự cung, tự cấp, đến nay, thu nhập bình quân/người của thôn đạt 36,752 triệu đồng. Làng Mới đã rất mới!
Chứng kiến quá trình đổi thay của thôn, Bí thư Chi bộ A Năng không giấu được niềm vui mừng chung. “Từ mỗi gia đình, bà con biết ơn sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền. Nhìn vào sự đổi thay từ chính nhà mình, họ càng thêm tin vào Đảng, Nhà nước, tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Và hơn hết, họ tin vào chính họ- mỗi người đều có thể thay đổi để cuộc sống thay đổi”- ông Năng xúc động.
Không riêng Làng Mới, thôn Đăk Jri Peng 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, cũng có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế mà giờ đây, nơi này lại là điểm sáng trong làm kinh tế, điểm sáng trong thực hiện Cuộc vận động.
Dẫn chúng tôi dọc theo con đường bê tông thẳng tắp, san sát những ngôi nhà mới xây, khang trang, sạch đẹp, ông A Áp- Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đăk Jri Peng 1 nói với giọng đầy tự hào: Trước đây toàn trồng mì, năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Sau khi được tuyên truyền, bà con chuyển sang trồng cà phê. Vụ vừa rồi, bà con “trúng” đậm. Hầu như nhà nào có cà phê cũng thu được vài trăm triệu đồng; có gia đình thu được cả tỷ đồng. Bà con phấn khởi lắm! Thấy trái ngọt từ việc thay đổi, bà con càng siêng năng lao động, chăm học hỏi. Trước đây, bà con ngại chuyển đổi, nay đã tự học cách ươm cà phê, tiết kiệm tiền mua giống.
4 năm, 1 hành trình, thôn Đăk Ri Peng 1 giờ chỉ còn 5 hộ nghèo/150 hộ dân. Khi cái nghèo được đẩy lùi, thoát khỏi nhiều gánh nặng lo toan, gương mặt ai cũng như tươi tắn hơn, họ vui vẻ tham gia các hoạt động của thôn, của xã, chung tay góp sức vì cộng đồng.
Chỉ về tuyến đường điện mới được kéo cách đây không lâu, ông A Áp minh chứng: Đấy, ngày trước hộ nghèo nhiều, vận động làm đường điện khó lắm! Nay kinh tế ổn hơn nhiều, bà con đóng góp nhanh, đường điện được triển khai nhanh chóng. Ngày trước bà con chẳng mặn mà gì việc dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nay, hàng tuần, nhà nào cũng tự giác dọn dẹp, trở thành thói quen rồi.
Rảo qua nhiều ngôi làng, mới cảm nhận được sức sống mới ở từng bước chân qua. Khung cảnh thay đổi, con người thay đổi, hiện đại hơn, văn minh hơn. Mỗi người dân, mỗi gia đình đều tự thay đổi. Và sự thay đổi đó nâng cao chất lượng sống không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.
|
|
Tiếp tục đưa Cuộc vận động vào cuộc sống
“Với quyết tâm cao nhất, Cuộc vận động đã để lại rất nhiều dấu ấn tích cực. Rõ nét nhất, sau 4 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh có 14.461 hộ người DTTS thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm 65,7% so với năm 2021, 3.036 hộ cận nghèo là người DTTS thoát nghèo so với năm 2021”- bà Nguyễn Thị Lan- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.
Hơn 81% hộ người DTTS nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; gần 70% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình; hơn 67% hộ người DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Những hiệu quả “thấy bằng mắt” càng khẳng định rằng, Cuộc vận động là chủ trương rất đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phù hợp với thực tiễn của một tỉnh có trên 54% dân số là người DTTS.
Tại Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy khẳng định, những kết quả đạt được là động lực để tiếp tục nỗ lực, cần phải để Cuộc vận động tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong thời gian đến.
“Sau khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, tôi đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã mới tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa Cuộc vận động; xác định đây là chủ trương lớn, quan trọng, cần được duy trì tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bổ sung nội dung này vào văn kiện đại hội đảng bộ cấp xã mới, bảo đảm việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất theo đúng tinh thần “cấp ủy, chính quyền cơ sở gần dân, sát dân”- đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Những kết quả đạt được đang tạo thêm nhiều động lực mới. Sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ai nấy đều tin tưởng rằng, Cuộc vận động sẽ thực chất hơn nữa, đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần khơi dậy khát vọng vươn lên trong mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Hoài Tiến