Tác động tích cực từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thông qua thực hiện các mô hình và việc làm cụ thể, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đang tạo ra những tác động tích cực, giúp người dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận nhấn mạnh, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng ủy xã giao cho Mặt trận xã phối hợp với các tổ chức thành viên và các đơn vị có liên quan vận động đồng bào DTTS xây dựng các mô hình sản xuất, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống để giúp người dân sản xuất hiệu quả.
Trong việc thực hiện các mô hình giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xã xác định mục tiêu là các hộ DTTS nghèo. Nguồn vốn thực hiện các mô hình từ lồng ghép các chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Việc triển khai thực hiện, Đảng ủy xã giao cho Mặt trận xã phối hợp các đoàn thể chọn người có uy tín, có khả năng thực hiện tốt các mô hình để góp phần giúp hộ nghèo học tập và làm theo; có người “cầm tay chỉ việc”, giám sát hộ nghèo thực hiện.
Để các mô hình thực hiện tốt, UBND xã phân công các ban, ngành, đoàn thể giúp dân thành lập các tổ hợp tác và tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân. Theo đó, đến nay, xã thành lập 6 tổ hợp tác chăn nuôi heo, 1 tổ hợp tác trồng nghệ và 1 tổ hợp tác vỗ béo bò. Bình quân, mỗi tổ hợp tác từ 4-8 hộ tham gia.
|
A Diên ở thôn Kà Bầy bày tỏ: Trong thôn còn một số hộ nghèo là do đông con, còn mang nặng những tập quán lạc hậu. Thực hiện Cuộc vận động “Giúp dân làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã vận động, hỗ trợ chúng tôi thành lập tổ hợp tác nuôi heo, tổ hợp tác trồng nghệ và tổ hợp tác vỗ béo bò. Các mô hình đang được các thành viên trong các tổ hợp tác tích cực thực hiện.
Vừa trao đổi, vừa sửa lại mái tôn chuồng heo, A Diên thật lòng: Tham gia các tổ hợp tác, gia đình tôi được xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 4 con heo sọc dưa và kỹ thuật trồng hơn 4 sào nghệ. Trong chăn nuôi, ngoài việc hỗ trợ heo, gia đình còn được hỗ trợ thức ăn (bột gạo, bột bắp, cám công nghiệp) trong thời gian 3 tháng và thuốc thú y. Heo sọc dưa đang phát triển tốt.
Dẫn khách ra thăm vườn nghệ, A Diên chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như người Gia Rai ở thôn chưa biết trồng nghệ. Tham gia Tổ hợp tác trồng nghệ, gia đình tôi cũng như các thành viên được xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nghệ. Vườn nghệ gia đình đang sinh trưởng tốt.
Tuy lần đầu tiên trồng nghệ, nhưng vườn nghệ của A Diên không thua kém vườn nghệ người Kinh trong xã. Chị Thủy (cán bộ xã) đi cùng quả quyết, bụi nghệ to, vườn nghệ của A Diên thu hoạch sẽ đạt năng suất cao. Sản phẩm làm ra, Hợp tác xã Thuận Phát ở xã sẽ thu mua, chế biến tinh bột nghệ. Giá cả thu mua theo thị trường. Người dân không phải lo đầu ra sản phẩm.
“Mình được chọn làm điểm thực hiện mô hình. Để không phụ sự quan tâm của xã, gia đình sản xuất theo đúng hướng dẫn và quy trình kỹ thuật để cây nghệ sinh trưởng tốt. Việc trồng nghệ hiệu quả, bà con mới tin tưởng, làm theo”- A Diên giãi bày.
Ở thôn Kà Bầy, tôi đến thăm gia đình A Nguyên - thành viên Tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa. A Nguyên đi vắng, con A Nguyên phấn chấn khoe: Gia đình được xã hỗ trợ nuôi 4 con heo sọc dưa. Gia đình phấn khởi và sẽ gầy dựng đàn heo sọc dưa. Cùng với việc trồng trọt, gia đình phấn đấu thoát hộ nghèo vào cuối năm nay.
Ở thôn Khúc Na, A Dét là thành viên Tổ hợp tác vỗ béo bò. A Dét bộc bạch: Tham gia Tổ hợp tác, gia đình được hỗ trợ 1,5 triệu đồng làm chuồng và tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò. Theo đó, gia đình trồng cỏ, mua cám, bột mì, bột bắp cho bò ăn. Con bò này, mua về nuôi trước khi vỗ béo 18,5 triệu đồng. Qua mấy tháng vỗ béo, nay có người hỏi mua 26 triệu đồng, nhưng gia đình chưa muốn bán vì đợi giá cao hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thuận còn chia sẻ, không chỉ giúp dân làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm thông qua việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xã còn vận động đồng bào DTTS xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu như ma chay, cúng bái mổ trâu, bò tốn kém; xóa bỏ tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba. Xã phấn đấu, việc chăn nuôi gia súc dưới gần nhà gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sẽ được xóa vào cuối năm nay; việc xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, không sinh con thứ ba… đều có hạn định cụ thể.
Việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở xã Sa Bình đang đi vào đời sống và tạo ra động lực mới giúp người dân vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.
Văn Nhiên