Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết Dengue
Thời gian gần đây, số lượng các ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SHXD) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Ngành Y tế và các địa phương đang tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng, chống SXHD một cách hiệu quả, không để bùng phát thành dịch lớn.
Theo thống kê của Sở Y tế, chỉ trong một tuần từ ngày 17- 23/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 13 ổ dịch SXHD với 36 ca mắc mới. Như vậy, tính đến ngày 23/6, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 55 ổ dịch SXHD, trong đó, huyện Đăk Hà có 4 ổ dịch, huyện Đăk Tô có 16 ổ dịch, huyện Ngọc Hồi có 7 ổ dịch và huyện Sa Thầy có 28 ổ dịch. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 170 ca mắc SXHD, trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 huyện là Đăk Tô (58 trường hợp) và Sa Thầy (97 trường hợp). Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 16 xã/phường/thị trấn với 35/886 thôn/làng/tổ dân phố có ca bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXHD, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, khống chế. Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương chủ động lập kế hoạch và thực hiện các nội dung chương trình phòng, chống SXHD. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống SXHD tại tất cả 10 huyện, thành phố, nhất là ở các ổ dịch cũ, địa phương có nguy cơ cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch SXHD; cung cấp đầy đủ hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy, máy phun cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân và cộng đồng trong việc chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống SXHD, đặc biệt là công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy.
|
Để xử lý các ổ dịch cũng như ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát, đến nay, ngành Y tế đã triển khai phun hóa chất kèm diệt lăng quăng/bọ gậy tại 53 ổ dịch với 106 đợt phun. Tổ chức 7 đợt phun hóa chất diệt muỗi SXHD chủ động và 1 đợt phun hóa chật diệt muỗi SXHD chủ động trên diện rộng.
Nhằm đảm bảo cho công tác chẩn đoán, điều trị SXHD, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu; chủ động thực hiện sàng lọc, phân loại bệnh nhân ngay tại khu vực khám; tổ chức thu dung, điều trị theo đúng quy định để hạn chế thấp nhất ca tử vong SXHD gây ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXHD, mỗi địa phương, đơn vị lại có cách làm khác nhau. Đơn cử như tại huyện Đăk Tô, Trung tâm y tế huyện tăng cường điều tra, giám sát dịch tại cộng đồng, chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ bệnh; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở những địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Cán bộ y tế của Trung tâm được điều động xuống cơ sở để hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện vệ sinh môi trường gắn với việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt.. Các tổ cộng đồng phòng, chống dịch; các đội xung kích, tình nguyện của các thôn, làng cũng được huy động tối đa vận động và tham gia cùng với người dân tổ chức các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, lăng quăng/bọ gậy…
|
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, SXHD là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh, trong đó muỗi là vật trung gian truyền bệnh. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước, nơi đọng nước. Vì vậy, ngoài các biện pháp của ngành Y tế, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các đoàn thể và người dân trong việc loại trừ lăng quăng/bọ gậy. Bởi, đây được coi là biện pháp quan trọng, then chốt quyết định thành công trong công tác phòng, chống SXHD. Mặt khác, khi có dấu hiệu sốt cao mà không hạ, đau đầu, mệt mỏi thì người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mùa mưa cũng chính là thời gian cao điểm của bệnh SXHD. Do đó, người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống bệnh, nhất là cần tích cực, chủ động tiêu diệt mầm bệnh với mục tiêu không có lăng quăng/bọ gậy, không có muỗi, không có SXHD.
Thiên Hương