Tết Độc lập đặc biệt
Tôi và bạn bè đã đón một Tết Độc lập đặc biệt: không pháo hoa, không du lịch, không tụ hội. Nhiều người phải ở trong nhà, riêng tôi vẫn được ra đường. Nhưng không vì thế mà Tết Độc lập của chúng tôi giảm bớt phần ý nghĩa.
|
Như những mùa Thu qua, cờ hoa lại rực rỡ từ thôn làng đến phố phường, tô điểm trước mỗi ngôi nhà chào đón kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Đã nhiều năm qua, tôi luôn giữ thói quen dạo trên các tuyến phố vào sáng sớm ngày 2/9- ngày Tết Độc lập, khi đường phố còn vắng bóng người, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua những mái nhà nhấp nhô, khi gió thu vuốt qua làm từng lá cờ Tổ quốc nhẹ vẫy.
Ấy là khi lòng tôi thanh thản nhất, nhẹ nhàng nhất.
Đi dưới những bóng cờ bay nhè nhẹ, tôi như chìm đắm trong âm hưởng linh thiêng của những ngày thu xưa và Quốc khánh đầu tiên, với lá cờ đỏ sao vàng no gió nơi Quảng trường Ba Đình, cùng lời Tuyên ngôn “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” luôn vang vọng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, của đất nước.
Nhưng năm nay, lần đầu tiên, bạn bè tôi không í ới rủ nhau về quê “ăn Tết Độc lập”. Thay vào đó, một hình thức ăn Tết mới được thiết lập.
“Ngày Tết Độc lập mọi năm thường gắn với niềm vui sum họp, hội hè. Nhưng khi cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, thì chúng ta “ăn Tết” theo cách thức ‘‘chống dịch”- một bạn khởi xướng. Mọi người hưởng ứng rầm rầm. Thế là chức năng videocall theo nhóm của zalo được phát huy triệt để.
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai- những nơi dịch bệnh căng thẳng nhất- được ưu tiên “nói” nhiều hơn. Âu cũng là để động viên nhau vượt qua khó khăn, giữ gìn cảm xúc thiêng liêng về Tết Độc lập trong mỗi người.
Và dù chỉ là cùng nhau đón Tết Độc lập “trực tuyến”, tôi vẫn tưởng tượng mình được trở về với không khí rộn ràng, tươi vui, náo nhiệt nhưng cũng rất trang nghiêm của ngày 2/9. Được cùng bao người hòa vào niềm vui của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam; hòa trong những hoạt động tưng bừng mừng ngày độc lập.
Bạn bè nhiều nơi tỏ vẻ “ghen tị” khi thấy tôi được “ra đường”, được đi trên phố lộng gió, rực rỡ cờ hoa. Cậu thật hạnh phúc- nhiều người nói.
Lẽ tất nhiên, tôi chia sẻ rằng: Để có được cuộc sống “an toàn trong trạng thái bình thường mới” này, nhiều tháng qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và hiệu quả; cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần “không lơ là, chủ quan; chống dịch như chống giặc”; hầu hết người dân Kon Tum đã nỗ lực hết mình, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm.
Cô em gái tôi, từ Hà Nội, cũng xuýt xoa: Anh thật hạnh phúc.
Trước đó, em đã bật khóc trong điện thoại khi nói với tôi rằng “đây là năm đầu tiên em phải ăn Tết Độc lập tại gia đúng nghĩa”.
Thành phố Hà Nội nơi em tôi sống đang trong những ngày Thu đẹp nhất, nhưng lại cũng đang trong những ngày gồng mình chống đại dịch Covid-19 đầy gian nan. Cả khu phố em ở bị phong tỏa “ai ở đâu ở yên đấy”.
Mọi năm, cả nhà em tôi luôn náo nức chờ đến ngày Tết Độc lập để được về quê, để được rong ruổi đây đó trong không khí rộn ràng, tươi vui, náo nhiệt nhưng cũng rất trang nghiêm của ngày Tết Độc lập.
“Nhưng Tết Độc lập năm nay, cả nhà thức dậy sớm hơn thường ngày, nhìn nhau buồn rười rượi. Ai cũng nhớ không khí đón Tết Độc lập mọi năm”- em kể.
Tôi đành chiều lòng em gái bằng việc quay và gửi những clip nhỏ về những tuyến phố Kon Tum rực rỡ cờ hoa qua zalo. Em chúc mừng tôi vì đang được sống những ngày “bình thường”, và mong muốn Kon Tum sẽ luôn an toàn.
Tất nhiên rồi- tôi tự hào nói.
|
Với niềm hạnh phúc vì được thong dong dạo phố trong ngày Tết Độc lập, tôi muốn nắm chặt bàn tay cô nhân viên y tế có vết hằn khẩu trang trên mặt; muốn ôm lấy bờ vai anh bộ đội, anh công an có đôi mắt thâm quầng vì những đêm trắng trực chốt…
Và còn nhiều, nhiều nữa những người mà tôi biết ơn vì sự hy sinh, cống hiến của họ.
Cơn mưa chiều ào ạt đổ xuống rồi tạnh trong ít phút khiến cho đất trời trong trẻo hơn, mát mẻ hơn. Tôi lặng lẽ dạo qua Hội trường Ngọc Linh- nơi tổ chức những sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Chỉ mấy ngày nữa, nơi đây sẽ diễn ra một sự kiện chưa từng có tiền lệ: Đoàn công tác gồm 30 bác sĩ và nhân viên điều dưỡng sẽ xuất quân vào Bình Dương làm nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh bạn phòng, chống dịch Covid-19.
Anh bạn ở một bệnh viện lớn nhắn tin chia sẻ rằng, anh là một “chiến sĩ” trong đội hình “ra trận” ngày 6/9 tới đây. Do bí mật, tôi không biết anh xung phong hay được cử đi, nhưng tôi biết rằng, suốt nhiều tháng qua, anh luôn miệt mài làm việc với tinh thần “chiến binh”. Càng tin rằng, với chuyên môn của mình, anh sẽ có những đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống “giặc Covid” ở Bình Dương.
Anh có lo lắng không? Tôi buột miệng hỏi. “Chưa bao giờ trong đầu tớ xuất hiện sự băn khoăn, lo lắng hay ý nghĩ lùi bước”- anh trả lời ngắn gọn. Tôi chợt thấy xấu hổ với câu hỏi của mình.
Trong tôi cồn lên ý nghĩ, không có điều kiện tham gia trực tiếp chống dịch, mỗi người đều có những cách thức thể hiện lòng yêu nước khác nhau, nhất là trong ngày Tết Độc lập này.
Hãy luôn nhớ đến các lực lượng đang ở trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họ không có được niềm vui ở nhà như chúng ta. Họ đang làm việc với sự nỗ lực gấp nhiều lần bình thường. Họ luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, và thực tế đã có không ít người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch đã bị lây nhiễm.
Hãy tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Không tổ chức liên hoan; không tụ tập ăn nhậu, chơi bời; không chen chúc nơi quán xá, chợ, siêu thị; luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và ở nơi công cộng…
Đó chính là cách vui Tết Độc lập ý nghĩa nhất!
Thành Hưng