• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Xã hội

Thảo thơm điên điển Sê San

13/09/2020 13:16

Cầm túi quà trên tay, tôi rưng rưng nhớ về cái đêm chia tay bạn giữa mịt mờ sóng nước Sê San. Khi ấy, bạn cứ nắm tay tôi lắc lắc: Mai mốt điên điển có bông, tôi sẽ tìm cách gửi xuống, gọi là chút tình sông nước.

Nâng niu những bông hoa vàng, điểm chút xanh dịu dàng của đài hoa mà tâm trí tôi mê mải tìm về làng chài Sê San 4 lao xao sóng vỗ. Nơi có những ngôi nhà bè không bao giờ khép cửa; những con người hào sảng, chất phác, trong đó có bạn tôi- Hai Triều.

Kể ra thì “chút tình sông nước” giữa tôi với Hai Triều cũng là duyên tri ngộ. Vào năm 2013, trong một chuyến công tác lên vùng biên giới Nam Sa Thầy, tôi được một người bạn dẫn đi thăm làng chài sinh sống giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 mịt mờ mây nước, và tôi gặp Hai Triều- được giới thiệu là “trưởng làng”. Hắn mới đi lưới về, người ướt rượt sương đêm, nước da đen cháy, nụ cười cởi mở, ánh mắt thân thiện.

Hôm ấy, hắn đã trải lòng về những chuyến đi tìm kiếm vùng đất có thể nuôi sống mình và gia đình. Đời ngư phủ, cuộc sống gắn liền với sông hồ, vui buồn theo nước lớn, nước ròng, Hai Triều không nhớ được mình đã rong xuồng, đã lặn ngụp ở bao nhiêu sông, bao nhiêu hồ, hết ở quê nhà An Giang, Đồng Tháp, đến Tây Ninh, thậm chí cả Campuchia, rồi lại ngược lên Đăk Lăk, Gia Lai…, và cuối cùng là cắm sào ở lòng hồ thủy điện Sê San 4 này.

Hai Triều ‘’khoe’’ bông điên điển trồng ven hồ Sê San. Ảnh: H.L

 

Kể từ hôm ấy, tôi kết hắn. Mỗi chuyến công tác lên Ia H’Drai, tôi luôn cố sắp xếp thời gian vào làng chài để thăm “anh Hai Triều” và nghe “anh Hai” kể chuyện, cùng cư dân làng chài nhậu sương sương với lẩu mắm, khô cá và nghe ca “Bông ô môi” đầy nhung nhớ quê hương. 

Bây giờ không chỉ đánh bắt, nuôi cá lồng, Hai Triều còn làm… du lịch. Cái tính ít nói, nhưng nói câu nào chắc như gạch câu đó lại thành có duyên, nhiều khách cứ thích mê. Và đặc biệt, họ thích cái tính hào sảng, chân thật như bày cả gan ruột ra của hắn. Nên điện thoại của hắn réo liên tục. Khách đoàn có, khách lẻ có, hắn đều tiếp đón với sự nồng hậu, chân thành pha lẫn nét phóng khoáng, hào sảng của dân sông nước miền Tây.

Trong lần gặp giáp Tết năm ngoái, hắn “khoe” lồng cá chình bông đang độ lớn và kể từng một mình lặn lội về tận Phù Mỹ, Bình Định, tìm đến các cơ sở nuôi cá chình bông xin ở lại học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, chăm sóc loại cá đắt đỏ này. Rồi quyết định mua mấy nghìn con cá giống (giá cả không hề rẻ) về nuôi thử. Và hắn có thể tự hào mà khoe rằng: Cá chình bông sống tốt nơi sóng nước Sê San.   

Bây giờ thì khỏe rồi. Chú xem, cuộc sống ổn định, có nhà trên bờ, có nhà dưới hồ, tivi, xe máy đủ cả, vợ con không phải lo lắng chuyện no đói nữa, đời này vậy là an lòng rồi- hắn xoa tay nói.

Chị vợ bĩu môi: Coi, mới hơn 40 tuổi mà nói như ông già. Hơn 40 là bao nhiêu- tôi tò mò hỏi. 43- cô vợ trả lời. Vậy là cùng tuổi rồi, uổng cho tôi hồi giờ cứ anh Hai Triều kêu miết- tôi đùa.

Hắn cười khùng khục, thò bàn tay đen nhẻm, cứng như kìm sắt ra nắm lấy tay tôi bóp bóp (bóp nhẹ hều mà tay tôi như muốn gãy), chất phác: Ờ, cùng tuổi, làm bạn thôi.

Nhắc lại kiểu kết bạn ấy lại nhớ nôn nao dáng người gầy, nước da đen đúa và nụ cười xởi lởi, chân chất của hắn.

Hai Triều cần mần chăm sóc cây điên điển trồng ven hồ. Ảnh: HL

 

Không biết bây giờ hắn đang làm gì? Đi chợ bỏ cá cho mối hàng hay lặn ngụp với mấy lồng cá chình bông đòi ăn quẫy tung bọt nước? Hoặc đã tưng tửng say, ngả cái lưng đen bóng xuống sàn nhà mà ngủ, sau khi làm hết xị đế với cá lóc nướng cùng bạn làng chài và ca đôi câu vọng cổ cho vơi bớt nỗi  nhớ quê da diết.

Cuộc sống êm đềm trôi, nhưng đừng thấy Hai Triều luôn tất bật với việc nhà, việc làng mà nghĩ là hắn đã nhạt lòng với quê hương. Không, trong hắn luôn âm ỉ nỗi nhớ về An Giang, về miền Tây “gạo trắng nước trong”.

Bằng chứng là mỗi khi ngà ngà say, nhất định Hai Triều sẽ ca vài câu vọng cổ. “Bông ô môi… Gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông. Kẻ ly hương nay đã quay về. Sao trong dạ não nề…”. Giữa trời nước mênh mông, bài ca cổ bất hủ của cố soạn giả Viễn Châu về nỗi lòng người xa xứ trở lại quê hương càng thêm day dứt lòng người.

Giọng ca trầm trầm, mộc mạc mà da diết của hắn lăn dài theo sóng nước Sê San, níu kéo cư dân làng chài- những người tha phương vì cuộc mưu sinh- xích lại gần nhau hơn, như muốn tìm kiếm hơi ấm quê hương của người ngồi bên cạnh.

Mà cũng có thể giờ này Hai Triều đang lang thang trên cánh bãi trồng điên điển, hết cầm cuốc vun gốc lại nụm nịu những chùm điên điển vàng tươi, như những lồng đèn dập dờn theo gió hồ.

Đi trên con đường bê tông từ làng chài (trên bờ) chạy xuống bến đò, nếu ta tinh ý sẽ phát hiện ra có một khoảng xanh rất lạ, Nó không giống màu cây cỏ bên bờ, cũng không hòa lẫn với màu nước. Ta hãy nhìn kỹ thêm một chút, sẽ thấy khoảng xanh ấy thường rập rờn xao động dưới gió hồ, khoe những tán lá nhỏ và những điểm vàng lung linh.

Ấy là những gốc điên điển- đặc trưng của sông nước miền Tây- do Hai Triều trồng. Cũng bởi vì tấm lòng đau đáu nhớ quê hương, nhớ những ngày chèo xuồng hái điên điển về bóp gỏi dằn bụng thay cơm mà hắn nảy ra ý tưởng trồng thử điên điển ở bãi đất xăm xắp nước ven hồ.

Nghĩ là làm, Hai Triều khăn gói về quê, lấy hạt, lấy gốc điên điển rồi nâng niu, giữ gìn như vật báu đem lên quê mới. Cư dân trong làng, hầu hết đều dân miền Tây gốc, từng sinh ra, lớn lên với điên điển lo Hai Triều phí công tốn sức vì không hợp thủy thổ, cây sẽ chết.

Nhưng Hai Triều vẫn quyết làm.

Thu hái bông điên điển. Ảnh: H.L

 

Hắn bỏ nhiều thời gian cho việc chăm bẵm mấy gốc điên điển, bất kể nắng mưa. Cả trong giấc ngủ, hắn cũng mơ thấy một ngày bờ hồ phủ kín màu xanh của lá điên điển, màu vàng của hoa điên điển; hắn lại được đưa vợ con đi hái bông điên điển về bóp gỏi, nấu canh…

Rồi khi nhắc đến làng chài Sê San 4, người ta không chỉ nói về cá lăng, về bánh tráng cá cơm nữa mà sẽ nhắc đến bông điên điển. Trong bữa cơm đãi khách, hắn sẽ tự hào giới thiệu về nồi lẩu mắm kèm theo rổ bông điên điển tươi roi rói vợ hắn vừa hái ven hồ.

Nhắc đến lẩu mắm, Hai Triều nhất quyết cho rằng, một nồi lẩu mắm “đúng điệu” không thể thiếu bông điên điển. Ngoài sự mặn mà, ngọt béo từ các loại cá, tôm vùng sông nước, sự đa dạng từ các loại rau nhúng kèm, thì bông điên điển, nhờ độ giòn xốp, bùi bùi, ăn vào thì có hậu ngọt, sẽ mang lại cảm giác khoái khẩu cho thực khách. Chưa kể hương thơm thoang thoảng cùng màu vàng tươi rực rỡ đã tô điểm cho nồi lẩu mắm thêm phần bắt mắt.

Theo lời kể của Hai Triều, tôi mường tượng ra cảnh mùa nước nổi, dọc các mé sông, bờ đê ở An Giang quê hắn lại rợp màu vàng tươi của bông điên điển. Phụ nữ và trẻ em sẽ chống xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê hái những chùm bông vàng rực để ăn hoặc để bán. Từ loại bông này, người dân miền Tây đã biết cách chế biến thành nhiều món ăn ngon trong từng bữa cơm, đơn giản thì làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, xào với tỏi hay tép đồng, ăn sống chấm cá kho; sang hơn thì nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá... Các món được làm từ bông điên điển không quá cầu kỳ, phức tạp nhưng mang lại một hương vị rất đặc trưng, không có món ăn nào có được.

Lan man từng ấy đủ rồi, tôi xin trở về với chuyện trồng điên điển của Hai Triều để bày tỏ sự thán phục độ kiên trì của hắn. Mấy gốc điên điển đùm túm từ quê lên mãi không thấy nảy mầm, nhiều người nói hỏng rồi, nhưng Hai Triều vẫn cần mẫn chăm sóc. Cho đến một ngày, những mầm non nhú lên, rồi đón gió vươn lá xanh mơn mởn, Hai Triều biết mình đã thành công.

Có mấy ai biết được được rằng, khi nhìn những mầm non vươn lên thẳng tắp ấy, hắn đã mừng rơi nước mắt. 

Đến ngày điên điển có bông, dân làng chài đã phục Hai Triều lắm rồi. Ai cũng tận tay vuốt ve những bông hoa như 2 mảnh hến úp lại, màu vàng tươi, mọc thành từng chùm mà xuýt xoa, mà hào hứng.

Theo Hai Triều, trồng điên điển không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác; cây cũng ít sâu bệnh. Thời điểm thu hái bông điên điển thích hợp nhất là vào buổi chiều vì khi đó bông chỉ mới vừa hé nhụy, ăn sẽ ngon và tươi hơn các buổi khác trong ngày.

Còn nhớ lần ấy, trước khi ra về, Hai Triều dúi vội cho tôi một cái bọc nho nhỏ ướt nước. Gì vậy? Tôi hỏi. Hai Triều ghé vào tai tôi nói nhỏ: Bông điên điển. Đợt này mới vài cây ra hoa nên ít lắm. Mai mốt đúng mùa, tôi gửi nhiều hơn nhé.

Thế mà hắn gửi thật. Cầm túi bông điên điển trên tay mà tôi thấy nao nao bởi sự thảo thơm của lòng người nơi lòng hồ Sê San heo hút.

Hôm sau, tôi đem túi bông điên điển ra nấu canh chua đãi khách, rồi khoe là bông điên điển hái ở lòng hồ Sê San, khách một mực  không tin, cho rằng tôi đùa hơi quá, điên điển đâu ra ở miền biên giới núi non trùng điệp này, chắc là tôi mua được từ miền Tây, rồi nói giỡn chơi. Khi tôi cho xem ảnh Hai Triều đang chăm sóc mấy gốc điên diển nở hoa vàng bên bờ hồ, khách cứ ngẩn ra mà lẩm bẩm “lạ quá”.

Ừ, lạ chứ sao. Nhưng mà là thật.

Hồng Lam

   

Các tin khác

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Cùng con viết tiếp ước mơ tươi sáng
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn
  • Một hành trình khép lại để mở ra chặng đường mới
  • Nhớ cầu Đăk Bla
  • Niềm tin và kỳ vọng
  • Về chung một nhà
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by