Theo dấu chiến công, gieo mầm lý tưởng
Những ngày gần đây, không khí tại quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh như sống dậy trong dòng chảy ký ức hào hùng. Nhân kỷ niệm 53 năm ngày Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2025), hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh từ các trường học, tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Đăk Tô và các địa phương lân cận đã về đây để thắp hương tưởng niệm, tham quan, học tập và tìm hiểu về một trong những chiến công vang dội nhất trên chiến trường Tây Nguyên.
|
Dưới bóng Tượng đài Chiến thắng sừng sững giữa lòng khu di tích, những gương mặt trẻ chăm chú lắng nghe câu chuyện về trận đánh ác liệt năm xưa. Có em ghi chép, có em chụp hình, quay video, có em chỉ lặng im, mắt chăm chú trước chiếc xe tăng T59 số hiệu 377 – bảo vật quốc gia – từng làm nên kỳ tích “một chọi mười”, phá tan phòng tuyến kiên cố của địch.
“Trước giờ em chỉ học lịch sử qua sách vở. Nhưng hôm nay, được nhìn tận mắt chiếc xe tăng thật, được nghe các bác cựu chiến binh kể lại trận đánh, em cảm thấy xúc động và biết ơn thế hệ cha ông hơn bao giờ hết” - em A Hân (Trường PTDTNT huyện Đăk Tô) bày tỏ.
|
Không chỉ riêng A Hân, hơn 3.800 học sinh từ các trường học của huyện đã tham gia các buổi “học lịch sử ngoài lớp học” trong năm học 2024 – 2025. Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô, ngành Giáo dục địa phương xác định việc đưa học sinh đến các địa chỉ đỏ như quần thể di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là một hoạt động quan trọng, giúp các em tiếp cận lịch sử theo cách trực quan, sinh động hơn.
“Giáo dục truyền thống không chỉ là kể chuyện anh hùng mà còn là trao cho các em cơ hội được nhìn, được chạm, được cảm nhận quá khứ bằng tất cả giác quan. Từ đó, tình yêu đất nước sẽ hình thành một cách tự nhiên trong tâm hồn tuổi trẻ” - ông Hùng bày tỏ.
Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh không chỉ là một chiến công quân sự đơn thuần, mà còn là biểu tượng của ý chí quyết thắng, của nghệ thuật quân sự tài tình và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong trận đánh này, xe tăng T59 số hiệu 377 là mũi nhọn tiến công chủ lực, đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy địch, góp phần giải phóng hoàn toàn Đăk Tô - Tân Cảnh.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chiếc xe tăng huyền thoại vẫn đứng đó, oai nghiêm giữa khu di tích. Với vai trò là một trong những hiện vật quan trọng bậc nhất trong bảo tàng lịch sử sống động này, xe tăng 377 đã được công nhận là bảo vật quốc gia và đang được chính quyền huyện Đăk Tô nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị thông qua nhiều hoạt động sáng tạo.
Thời gian qua, huyện Đăk Tô đã tổ chức nhiều chương trình triển lãm, tuyên truyền về bảo vật quốc gia xe tăng 377. Các buổi thuyết minh tại chỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày tư liệu và hiện vật lịch sử được thiết kế gần gũi với lứa tuổi đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, nội dung giáo dục về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã được lồng ghép trong các tiết học lịch sử, hoạt động ngoại khóa tại nhiều trường học trên địa bàn huyện.
“Em cảm thấy như mình đang sống trong không khí hào hùng của chiến dịch năm xưa. Mỗi lần đến đây là một lần tiếp thêm động lực để cố gắng hơn trong học tập và rèn luyện” – em Y Sa (sinh viên Trường Cao đẳng Kon Tum) chia sẻ sau chuyến tham quan.
Không chỉ ngành Giáo dục mà các tổ chức đoàn thể, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện Đăk Tô đã và đang thực hiện nhiều chương trình “Hành trình về địa chỉ đỏ” thu hút hàng trăm lượt đoàn viên, đội viên tham gia chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2025. Tại đây, những buổi giao lưu giữa cựu chiến binh và thế hệ trẻ không còn khô khan, mà trở thành nơi để kể chuyện, để truyền lửa và khơi gợi trách nhiệm xây dựng quê hương trong lòng mỗi người.
Ông Sa Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô khẳng định: Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Việc giáo dục truyền thống không thể dừng ở khẩu hiệu, mà phải được cụ thể hóa bằng hành động, bằng sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa lớp người đi trước và thế hệ tiếp nối.
Từ một chiến trường khốc liệt, Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã hóa thân thành một di sản sống động. Và từ di sản ấy, những thế hệ trẻ hôm nay đang được tiếp thêm niềm tự hào, hun đúc lòng yêu nước và trách nhiệm công dân. Hành trình trở về với lịch sử không chỉ giúp các em hiểu hơn về giá trị của hòa bình, mà còn định hình nhân cách, lý tưởng sống và niềm tin vào tương lai.
Tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng đang nỗ lực quảng bá, nâng tầm quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử hấp dẫn, không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách, mà còn là một “trường học không tường” để giáo dục thế hệ trẻ. Việc đầu tư bảo tồn di tích, bảo vật xe tăng 377, kết hợp các hoạt động giáo dục trải nghiệm, sẽ là bước đi kết nối truyền thống và hiện đại.
Vùng đất ấy, nơi từng in dấu chân người lính, nơi in hằn những vết tích của một thời bom đạn, máu lửa đầy hào hùng, hôm nay lại vang lên bước chân của những học sinh, sinh viên trẻ tuổi. Trong ánh mắt các em là sự cảm phục, là lòng biết ơn, khát vọng vươn lên để xứng đáng với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tất Thành - Mạnh Hùng